Sáng 8/11, Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội. Ông cũng là thành viên Chính phủ thứ tư trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội lần này. Chiều nay, cùng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ tham gia trả lời, làm rõ các vấn đề liên quan.
Vì sao cần phát triển mạng xã hội Việt Nam?
|
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chất vấn về mạng xã hội Việt Nam. Ảnh: Ngọc Thắng.
|
Bà Tô Thị Bích Châu (TP HCM), Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) tranh luận việc có cần phát triển hệ sinh thái số, mạng xã hội Việt Nam hay không. Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, Việt Nam nằm trong số ít quốc gia đặt vấn đề này từ thực tế muốn làm chủ, bởi "nếu không làm chủ không gian này, sẽ khó nói tới tự chủ kinh tế".
Ông Hùng chia sẻ, ngay khi trở thành Bộ trưởng, việc đầu tiên là ông lập tổ công tác hỗ trợ phát triển mạng xã hội Việt Nam và đặt mục tiêu số lượng phải tương đương mạng xã hội nước ngoài.
Và sau một năm, theo số liệu của ông Nguyễn Mạnh Hùng, mạng xã hội Việt Nam đã tăng trưởng 30%, lên 65 triệu người dùng. Số lượng này sẽ tăng lên 90 triệu vào năm 2020 với sự ủng hộ "ưu tiên dùng hàng Việt Nam" của người dân. Trong khi đó, số người Việt dùng Facebook, Twitter, Google, Instagram... tại Việt Nam cũng theo ông Hùng, khoảng 90 triệu, riêng Facebook là 50 triệu.
"Hiện giờ nghĩ gì, nói gì, yêu ai, mua gì... đều nằm trên mạng xã hội. Nghĩa là não người Việt Nam tập trung ở một chỗ và chỗ này hiện không nằm ở Việt Nam. Sau này họ sẽ dùng vào việc gì? Điều này rất nguy hiểm, đấy là an ninh quốc gia", ông nói.
|
Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn sáng 8/11. Ảnh: Ngọc Thắng
|
Đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) chất vấn về khả năng phát triển nền tảng mạng xã hội ở Việt Nam, tính khả thi thay thế các nền tảng truyền thống. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, mục tiêu phát triển nền tảng xã hội Việt Nam là có số lượng người dùng lớn và có doanh thu từ quảng cáo, giống như Facebook. Tuy nhiên hiện điều này cũng có điểm khó.
Ông phân tích, các doanh nghiệp phát triển thị trường này chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, Nhà nước không có nguồn để thực hiện. Hiện nay Bộ Thông tin & Truyền thông có nhiệm vụ chủ yếu tạo hành lang pháp lý. "Cá nhân tôi cũng gặp những doanh nghiệp lớn. Cũng rất may mắn khi nhiều doanh nghiệp Việt Nam ý thức về việc xây dựng nền tảng, bản chất, lợi nhuận là vì dân tộc", ông nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành cũng khẳng định không đặt mục tiêu thay thế mạng xã hội nước ngoài. "Việt Nam đã hội nhập, mở cửa kêu gọi đầu tư. Nhưng ai vào Việt Nam làm ăn đều phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, giúp Việt Nam thịnh vượng lên. Tương tự, mạng xã hội Việt Nam tồn tại bên cạnh với điều kiện mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", ông nói.
Đã gỡ 92% game chưa được cấp phép
Về việc lợi dụng mạng Internet phát tán game trái phép, ông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận mới quản lý được các game có phép. Còn lại, game không được cấp phép và bán trên các nền tảng xã hội như Google Play, Facebook... đang tràn lan.
"Bộ đã làm việc với các nền tảng này và gỡ được 92% game cờ bạc chưa được cấp phép trên các mạng xã hội. Riêng nền tảng Apple Store mới gỡ được chưa đến 30% do hãng này hợp tác chưa cao", ông nói và cho biết đã chỉ đạo các nhà mạng phối hợp với Bộ Công an xử lý.
Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Huyền Ngọc (Giám đốc Công an tỉnh Ninh Thuận) nêu thực trạng nhiều đối tượng lợi dụng sự phát triển của internet, mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân. Trả lời, giải pháp ông Hùng đưa ra là khuyến cáo các nhà mạng chặn bằng biện pháp kỹ thuật và chuyển chứng cứ sang Bộ Công an để có biện pháp răn đe.
Ông nói tiếp, hiện tượng lừa đảo trên mạng xã hội khó phát hiện hơn. Hiện Việt Nam đã xây dựng được trung tâm giám sát an ninh mạng quốc gia, năng lực xử lý 100 triệu tin mỗi ngày, để sàng lọc, phát hiện lừa đảo và có biện pháp xử lý.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (Thái Nguyên) chất vấn vai trò chủ quản của cơ quan báo chí ra sao để báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích. Trong khi đó, Bộ trưởng Hùng nói, tình trạng này chủ yếu xảy ra với các báo của hội. "Thậm chí có tình trạng báo chí phải nộp tiền cho cơ quan chủ quản, trong khi theo luật thì cơ quan chủ quản phải đảm bảo đủ điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí", ông nói.
Về việc báo chí sách nhiễu doanh nghiệp, năm 2019, Bộ này đã xử lý các vi phạm hành chính có bốn trường hợp liên quan đến nội dung này. Nhưng người đứng đầu ngành cho rằng vẫn cần phải xử lý việc này bằng cả đạo đức chứ không chỉ pháp luật.
Riêng về thông tin đời tư, theo ông, bản thân mỗi người cũng chưa ý thức bảo vệ. Ông lấy ví dụ, khi đi mua hàng ở các siêu thị thường hay đề nghị khách hàng điền thông tin để làm thẻ khách hàng... "Chúng ta dễ dãi trong chuyện đưa thông tin cá nhân của mình", ông nói.
Về pháp lý, ông thừa nhận chưa có chế tài quy định việc doanh nghiệp sử dụng thông tin cá nhân và việc bảo mật... Vì thế Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành về xây dựng Nghị định về vấn đề này.
Chưa hài lòng, bà Hương Thuỷ tranh luận và cho rằng nguyên nhân Bộ trưởng Hùng nêu ra "có vẻ như rất đơn giản". Bà muốn Bộ trưởng cho ý kiến về hành lang pháp lý trong quản lý khi đưa thông tin cá nhân bí mật đời tư lên mặt báo. "Có cần luật bảo vệ thông tin đời tư cá nhân trong thời đại bùng nổ thông tin trên mạng xã hội", bà hỏi. Đồng tình với ý kiến đại biểu Thuỷ, ông Hùng nói "chắc chắn Việt Nam cần có luật về bảo vệ thông tin cá nhân như các nước", nhưng trước mắt sẽ ban hành Nghị định quản lý vấn đề này.
Theo kế hoạch, giải trình cùng ông còn có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng các Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, Khoa học Công nghệ, Tài chính, Nội vụ, Công an, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Hoài Thu - Hoàng Thùy - Viết Tuân