Sáng 10/8, tại phiên họp thứ 47, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo một số vấn đề lớn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật cư trú (sửa đổi).
Theo đó, có 4 nội dung lớn được đưa ra xin ý kiến tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đó là: Về giải thích từ ngữ liên quan đến cư trú (Điều 2); Về điều kiện đăng ký thường trú (Điều 21); Về xóa đăng ký thường trú (Điều 25) và xóa đăng ký tạm trú (Điều 30); Về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp (Điều 39 và Điều 40).
Về thời điểm có hiệu lực của Luật và quy định chuyển tiếp (Điều 39 và Điều 40), đa số ý kiến tán thành việc thay đổi phương thức quản lý cư trú mới; có ý kiến không nhất trí việc thay đổi phương thức quản lý dân cư như đề xuất của Chính phủ; có ý kiến băn khoăn về tính khả thi của phương thức quản lý này và cho rằng quy định thời điểm của hiệu lực của Luật là từ ngày 01/7/2021 là không đủ thời gian để bảo đảm các cơ sở dữ liệu liên quan có thể hoàn thiện và vận hành ngay được trên thực tế.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo bổ sung vào dự thảo Luật quy định một thời kỳ chuyển tiếp, cho phép cơ quan nhà nước và người dân được sử dụng đồng thời cả thông tin, dữ liệu điện tử trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và giấy tờ, tài liệu chứng minh nơi cư trú (bao gồm cả Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp) trong các giao dịch hành chính, dân sự, nhất là tại những nơi chưa đáp ứng được hạ tầng kết nối với các cơ sở dữ liệu nói trên cho đến hết ngày 31/12/2025.
Nhiều ý kiến đề nghị trong Luật cần quy định về lộ trình chuyển tiếp phù hợp để bảo đảm việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới thực sự khả thi, trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.
Nêu quan điểm về vấn đề trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị giữ nguyên phương án Chính phủ trình ra để hiệu lực thi hành từ 1/7/2021.
Bộ trưởng Công an cho rằng ,tất cả bước đi, lộ trình, các cơ quan có sự phối hợp để thực hiện và có đủ điều kiện thời gian và các điều kiện khác. Tại Phiên họp này, Bộ Công an cũng đề nghị Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết thống nhất như vậy và mong muốn các cơ quan phối hợp.
"Chúng tôi là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật thấy rằng hoàn toàn có đủ khả năng, điều kiện thời gian thực hiện Luật từ 1/7/2021. Do đó đề xuất lưu lại sổ hộ khẩu cho đến năm 2025 là không phù hợp, không thực tế", Bộ trưởng Công an cho hay.
Trong phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh tinh thần cải cách của Bộ Công an. Bà ủng hộ việc quản lý dân cư theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ủng hộ quan điểm mới trong cải cách thủ tục hành chính.
Chủ tịch Quốc hội đã đặt câu hỏi, trên thế giới hiện có bao nhiêu quốc gia còn hộ khẩu? Chắc chỉ có Việt Nam còn tồn tại loại hình sổ hộ khẩu. Thế giới giờ đã có một thẻ căn cước công dân, chỉ quét là ra hết thông tin cá nhân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, quyền tự do cư trú đã được quy định, đến lúc cần bỏ những thủ tục giấy tờ cũ. Mấy chục thủ tục liên quan đến sổ hộ khẩu cần bỏ đi, những gì lạc hậu rồi thì bỏ đi. "Cái gì tiến bộ, thuận tiện, hiện đại cho dân thì phải làm, đừng luyến tiếc những thủ tục rườm rà. Tôi từng bị mất sổ hộ khẩu, đi làm lại rất vất vả, khai tới, khai lui", Chủ tịch Quốc hội nói.
Kết luận nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội (người điều hành phiên họp) cho biết, chúng ta muốn dùng luật này (Luật cư trú -sửa đổi) để quản lý tốt vấn đề cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; không phải bỏ quản lý mà thay phương thức từ sổ hộ khẩu bằng mã số định danh cá nhân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú. Tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú, giảm thủ tục hành chính nhưng bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước.
Vấn đề đặt ra, Bộ Công an, các cấp chỉ đạo quyết liệt xây dựng mã định danh cá nhân, cơ sở dữ liệu, đầu tư hạ tầng để đến tháng 7/2021 cơ bản xong.