Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong 4 nội dung Chính phủ xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội có việc siết chặt công nhận liệt sĩ thời bình.
Sáng 11/8, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi).
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ xin ý kiến về 4 nội dung, trong đó có việc công nhận liệt sĩ thời kỳ đất nước hoà bình (thời bình).
Theo quy định hiện hành, người dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước và nhân dân chết thì được xem xét công nhận liệt sĩ. Nhiều trường hợp chết đuối nước khi cứu người, cứu tài sản hoặc tham gia phòng, chống bão lũ, chết do tai nạn khi làm nhiệm vụ… dù rất cần phải tuyên dương, ghi nhận trong xã hội song việc được công nhận liệt sĩ làm dư luận xã hội không đồng tình. Bởi việc cứu người là trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân theo quy định của Bộ luật Hình sự.
|
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung |
“Sau khi xem xét, Chính phủ sửa đổi tại Điều 14 của dự thảo Pháp lệnh theo hướng chỉ xem xét đối với những trường hợp chết do có hành động đặc biệt dũng cảm thực hiện các công việc đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, để cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, Nhân dân; là những tấm gương, có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục và lan tỏa rộng rãi trong xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng cho rằng, những trường hợp khác hướng chuyển sang khen thưởng theo pháp luật thi đua khen thưởng (Huy chương, Huân chương) và thực hiện trợ cấp mai táng hoặc hưởng chính sách tử tuất theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, Chính phủ đề xuất không tiếp tục công nhận bệnh binh mới là đối tượng người có công; trừ các trường hợp làm nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, cấp bách, làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Bệnh binh mới từ khi pháp lệnh sửa đổi có hiệu lực, hưởng chế độ theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội. Đối với các trường hợp là bệnh binh đang hưởng theo Pháp lệnh hiện hành thì tiếp tục được hưởng.
Bất cứ sự mất mát nào cũng đề nghị được công nhận liệt sĩ thì phải cân nhắc
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB về Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, có hai loại ý kiến về vấn đề này.
Ý kiến thứ nhất tán thành với đề xuất của Chính phủ, sửa đổi theo hướng quy định điều kiện chặt chẽ hơn. Còn ý kiến khác đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, công nhận liệt sĩ cả những trường hợp “dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và Nhân dân”.
Bà Thúy Anh cho biết, đa số ý kiến của UB tán thành loại ý kiến thứ nhất, vì cho rằng việc bổ sung tính chất công việc, hiệu ứng của hành động và nâng mức độ dũng cảm, cứu người, cứu tài sản, sẽ đảm bảo điều kiện chặt chẽ hơn, xứng đáng hơn.
|
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ủng hộ quy định chặt chẽ việc công nhận liệt sĩ |
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, thời bình có rất nhiều tấm gương điển hình, có công, cơ quan soạn thảo cần rà soát, tính toán thêm. Tuy nhiên, ông Hiển đề nghị dự thảo cần đưa ra những tiêu chuẩn cụ thể.
“Các đồng chí cho rằng “lan toả” thì căn cứ nào, phải có tiêu chuẩn cụ thể? Trong hành động cứu người, cứu tài sản, để “tôn vinh, giáo dục” thì phải ở cấp nào mới được công nhận, chẳng hạn được Chủ tịch nước trao tặng phần thưởng, chứ không phải ai cũng được”, Phó Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.
Theo ông, các tiêu chuẩn cần được rà soát chặt chẽ bởi đây là sự tôn vinh, không chỉ là vấn đề trợ cấp. Nếu tôn vinh không đúng thì có tác động ngược trở lại.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý, phải nghiên cứu cho kỹ việc này và ủng hộ quy định chặt chẽ việc công nhận liệt sĩ, bệnh binh trong thời bình: "Thời bình nếu không quy định chặt chẽ, bất cứ sự mất mát nào cũng đề nghị được công nhận là liệt sĩ thì phải cân nhắc”.
Dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) gồm 6 chương và 57 điều, cơ bản giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như hiện hành.
Dự thảo quy định 3 đối tượng áp dụng gồm: Người có công với cách mạng; thân nhân người có công với cách mạng; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện chính sách ưu đãi người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
|
Thu Hằng