Nghị định này chính thức có hiệu lực từ ngày 11/1/2021.
Vậy Tết Nguyên đán 2021 có thực sự được đốt pháo hoa?
Trao đổi với Dân Việt về việc được sử dụng pháo hoa trong dịp lễ tết, luật sư Trần Tuấn Anh – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: "Quy định này đang gây ra sự phấn khích cho một bộ phận nhân dân khi trên các diễn đàn chia sẻ nội dung tại khoản 1 Điều 17.
Điều này sẽ rất nguy hiểm nếu không được phân tích và hiểu đúng về khái niệm đâu là "pháo hoa" và đâu là "pháo hoa nổ", đâu là hành vi được phép, đâu là hành vi bị cấm và thậm chí cái giá của sự thiếu hiểu biết có thể lên đến 10 năm tù với hành vi tàng trữ, vận chuyển hàng cấm".Trên hàng loạt các tài khoản mạng xã hội, thậm chí là trên các trang báo chính thống đã có những bài giật tile kiểu như: Tết năm nay sẽ được "đốt pháo" thoải mái; Xuân này lại giống các xuân xưa; Chính phủ cho phép nổ pháo hoa trong các dịp kỷ niệm…. kèm theo là những hình ảnh minh họa về cả pháo hoa lẫn pháo nổ, cùng sự háo hức của người dân.
Luật sư phân tích, hành vi được phép theo khoản 1 Điều 12 Nghị định 173/2020/NĐ-CP chỉ giới hạn ở việc sử dụng "pháo hoa", còn hành vi sử dụng "pháo hoa nổ" và "pháo nổ" vẫn bị cấm sử dụng.
Theo khái niệm về pháo hoa trong Nghị định này đưa ra thì: "Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ".
Như vậy, chúng ta cần để ý, những loại pháo hoa này đã, đang và vẫn được dùng phổ biến trong xã hội mà không bị cấm hay xử phạt gì, cụ thể như những loại que khi đốt phát ra các tia sáng hay nến khi châm lửa sẽ phụt ra các loại tia sáng đủ màu sắc thường được bán kèm trong các tiệm bánh sinh nhật hoặc các loại pháo bông được sử dụng phát sáng, làm hiệu ứng trong các đám cưới hay hội nghị.
Còn các loại pháo hoa mà khi đốt (sử dụng) phát ra tiếng nổ, theo Nghị định này được định nghĩa là "pháo nổ", cụ thể: "Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ" .
Đây là loại pháo cấm tuyệt đối người dân không được thực hiện các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng.
Trong trường hợp người dân thực hiện các hành vi như sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng các loại "pháo hoa nổ" này trái phép, nhẹ thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm hoặc tội gây rối trật tự công cộng với mức hình phạt có thể lên đến 10 năm tù.
Cần phải lưu ý người dân là đa số những loại pháo hoa theo quan niệm của mọi người dân (loại khi đốt có tiếng nổ và tạo ra hiệu ứng ánh sáng, bắn lên cao) được bán trôi nổi trên thị trường, không có nguồn gốc, xuất xứ thì đa số là "pháo hoa nổ", loại này vẫn bị pháp luật nước ta nghiêm cấm người dân tự ý sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng.
Theo quy định tại Nghị định 137, mặc dù cho phép người "đủ năng lực hành vi dân sự" được phép sử dụng pháo hoa, tuy nhiên, phải là những loại pháo hoa được phân phối bởi các đơn vị, tổ chức được phép sản xuất, kinh doanh hợp pháp đối với những mặt hàng này.
Cụ thể, Nghị định quy định: "Chỉ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa", sau khi đã đáp ứng hàng loạt các điều kiện về an ninh trật tự, an toàn phòng cháy, chữa cháy….
"Nếu có nhu cầu sử dụng thực sự, người dân cũng cần phải lựa chọn những cơ sở kinh doanh đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên. Trong trường hợp chúng ta mua pháo hoa từ những cơ sở không được phép kinh doanh, pháo hoa không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng là không hợp pháp và có thể phải đối mặt với những rủi ro pháp lý như bị tịch thu, tiêu hủy hoặc mua nhầm phải "pháo hoa nổ" - Luật sư đưa ra lời khuyên.