Chuyến đi nghĩa tình
Nguồn:Báo Điện tử Cựu chiến binh Việt Nam
Đặng Văn Dũng là chiến sĩ quân khí, tôi là y tá của Tiểu đoàn 9, Sư đoàn 320. Sau này là Tiểu đoàn 9, được phong Anh hùng LLTND. Vào những năm 1970-1971, sau ngày rời huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa để vào tỉnh Quảng Trị, Dũng có điều phân tâm, thường tâm sự cùng tôi về Hoàng Thị Phương, cô gái của xóm Cứu - nơi đơn vị chúng tôi huấn luyện, rồi từ đó ra đi. Phương và Dũng đã trao gửi cho nhau một mối tình sâu nặng.
Những ngày hành quân chiến đấu, Dũng có nói: “Chiến tranh còn dài, sống chết chẳng biết ra sao, không may tao có hy sinh mà Vinh sống trở về thì cố tìm Phương xem cô ấy thế nào?”. Năm 1971, đơn vị tôi tham gia chiến dịch Đường 9 - Nam Lào. Khi đánh tới đồi Không Tên - Bản Đông thì Dũng hy sinh. Lời nhắn gửi của Dũng được giữ kín theo tôi vào miền Đông Nam Bộ, bởi nhiệm vụ còn quá bộn bề. Hòa bình lập lại trở về quê hương, lời nhắn gửi của Dũng vẫn da diết trong tôi.
Dũng nhập ngũ năm 1967, từ Đan Phượng nay thuộc T.P Hà Nội. Dũng hơn tôi 3 tuổi; nếu còn đến nay thì cũng đã 65 tuổi rồi. Từ ngày chúng tôi tìm lại với nhau thành lập Ban liên lạc Cựu quân nhân Tiểu đoàn 9 tôi mới có dịp nói ra. Từ bác Phạm Văn Khương, quê huyện Hoài Đức lúc đó là Chính trị viên đại đội, anh em chúng tôi biết Đặng Văn Sử là em trai Dũng. Lần gặp mặt năm 2009, chúng tôi mới quyết định tổ chức chuyến đi về huyện Tĩnh Gia. Để chuyến đi thành công, qua mạng viễn thông, tôi xin được số máy của huyện Tĩnh Gia. Qua huyện Tĩnh Gia lại xin được số máy của xã Anh Sơn. Gọi về xã Anh Sơn thì may mắn gặp được người nhà của cô Phương trực máy hôm đó. Qua hỏi thăm, chúng tôi biết Phương đã sinh cháu gái tên Đông năm 1970. Ít năm sau Phương lấy chồng cùng quê đang có một gia đình hạnh phúc. Cháu Đông cũng đã lấy chồng và có con 1 trai, 1 gái.
Tháng 4-2011, chúng tôi mới thực hiện chuyến đi gặp Phương. Lúc đầu dự định 6 anh em sau chỉ còn 5 (từ Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Tây cũ, Hà Nội và tôi Bắc Giang). Tập kết tại Hà Nội khởi hành lúc 8 giờ, mãi tới 20 giờ chúng tôi mới tới xã Anh Sơn bằng xe máy. Tới nhà ông bà Miền chỗ tôi đóng quân năm 1969. Cơm nước xong, bọn tôi sang nhà Phương, chồng cô đi làm xa. Phương cho gọi cháu Đông. Nhìn thấy Đông, anh Hòa đã ồ lên và bảo: “Đúng là con bố Dũng đây rồi”. Cháu Đông kể với chúng tôi: “Mẹ cháu có nói bố là người Bắc nhưng không biết ở đâu. Bố cháu ở đây (chú dượng) cũng quý cháu lắm”. Trong không khí cởi mở, chúng tôi thổ lộ tình hình nhà Dũng với Phương và cháu Đông. Cung cấp địa chỉ, số điện thoại và định hướng cho cháu tìm về quê bố.
Một ngày tháng 5, tôi nhận được điện thoại của cháu Đông từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) báo cháu đang ở đó. Tôi mừng vui báo cho anh Hòa từ Yên Phong ra ngay. Bằng điện thoại, chúng tôi gặp được mẹ con cháu Đông cùng em rể của cháu. Thấy vậy, tôi lại điện cho Đặng Văn Sử đón. Tới nhà Sử. Không khí cuộc hội ngộ đông vui, làm chúng tôi như mới trút đi gánh nặng người lính tâm tình đã 40 năm đeo đuổi.
Chuẩn bị chia tay gia đình, chúng tôi thắp tuần nhang lên bàn thờ anh Dũng để nói lời tạ lỗi. Cháu Đông bỗng bật khóc trước nghĩa cử tình người của chúng tôi. Chúng tôi ra về trong niềm thanh thản như một học sinh bước ra phòng thi với kết quả bài làm mỹ mãn!