Thăm Cồn Tiên -Dốc Miếu
Dốc Miếu, Cồn Tiên đều thuộc địa phận Gio Linh (Quảng Trị). Năm 1947, Dốc Miếu là nơi Pháp đóng chốt quân sự để án ngữ quốc lộ 1A và được gọi là Ba Dốc.
Bất khả xâm phạm
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời đó đã tự tin khẳng định rằng, căn cứ Dốc Miếu - Cồn Tiên là khu vực bất khả xâm phạm, nên dù là con chuột bé tí cũng không thể chui lọt qua hàng rào điện tử McNamara.Minh chứng cho điều này, sau năm 1954, đặc biệt từ khi đế quốc Mỹ đổ quân vào miền Nam, địch đã đầu tư 800 triệu USD xây dựng, biến Dốc Miếu thành một căn cứ quân sự quan trọng về pháo binh để đánh vào các mục tiêu của miền Bắc Việt Nam.
|
Di tích Dốc Miếu. Ảnh tư liệu |
Nhằm tạo thế cho tứ giác chiến lược Dốc Miếu - Quán Ngang - Cồn Tiên - Bái Sơn, căn cứ Dốc Miếu - Cồn Tiên được địch xây dựng khá công phu, với những hệ thống lô cốt bê tông, cốt thép vừa di động vừa cố định. Từ trung tâm đến tận mép vĩ tuyến 17 là hàng rào thép gai, chằng chịt hệ thống đường hầm, giao thông hào dày đặc. Lực lượng chốt giữ tại chỗ chủ yếu là các đơn vị quân Mỹ thuộc sư đoàn American, sư đoàn 3 lính thủy đánh bộ và các lữ đoàn của sư đoàn kị binh bay số 1. Chưa kể, xung quanh căn cứ, còn lắp đặt hệ thống máy móc báo động chống xâm nhập.Thiết kế chuẩn của lớp ngăn chặn của hàng rào điện tử McNamara ở căn cứ Dốc Miếu - Cồn Tiên có độ sâu 600 mét, đặc biệt có chỗ lên đến 1.000 mét. Cứ sau mỗi lần hàng rào bị pháo ta phá hủy thì ngày hôm sau lính Mỹ làm lại. Một số tài liệu nói có 12 lớp hàng rào mỗi lớp cao 3 mét. Có lẽ gần đúng như vậy nhưng không phải hoàn toàn đúng. Thường chỉ có hàng rào bùng nhùng “ba” thì cao khoảng 2 mét, hàng rào bùng nhùng “năm” cao gần ba mét. Các hàng rào khác như hàng rào mái nhà, hàng rào cũi lợn, hàng rào đơn cũng thấp như bình thường. Có thể các lớp hàng rào được bổ xung liên tục sau thiết kế ban đầu...Ngoài ra, theo một tài liệu, căn cứ pháo binh Cồn Tiên của lính thủy đánh bộ Mỹ đồ sộ hơn nhiều Dốc Miếu. Ở đây, luôn thường trực khoảng 500 lính thủy đánh bộ Mỹ, với rất nhiều lô cốt, hầm chỉ huy được dựng kiên cố. Nóc hầm và lô cốt đều lót đà sắt và ghi sân bay, bên trên chất bao cát dày đặc, ít nhất cũng khoảng một mét, có chỗ đến hai mét. Nhìn cái lô cốt thấy ngán ngẩm vì muốn đánh sập chắc phải cần đến bom. Ước tính, pháo từ bờ bắc hàng ngày giã vào Cồn Tiên, có ngày lên đến 3.000 quả, còn phía Mỹ đáp trả bờ bắc có ngày lên đên 20.000 quả. Dần bị vô hiệu hóaTuy là một căn cứ hiện đại nhưng hàng rào điện tử này đã bị dần dần vô hiệu hóa bởi những hoạt động của ta. Liền trong hai trận ngày 27/7/1966 và 20/3/1967, quân ta tập kích 1.000 quả đạn pháo 100 ly, 1,5 ly, 1.500 quả đạn kachiusa, 400 quả cối vào căn cứ Dốc miếu, diệt 1.370 lĩnh Mỹ, phá hủy 3 kho xăng, 4 kho đạn, 11 khẩu pháo, 40 xe, 5 máy bay lên thẳng… tiếp đó, hàng rào điện tử liên tục bị đánh tơi tả. Đến năm 1972, chiến dịch tấn công nổi dậy mạnh mẽ trên chiến trường Quảng Trị - Dốc Miếu - Cồn Tiên, du kích Trung Giang, Trung Hải, Trung Sơn đã vây chặt và bắn hàng trăm quả đạn DKB, A2 và bom phóng vào căn cứ trong suốt 3 ngày, buộc địch phải tháo chạy vào đêm 31/3/1972, kéo theo sự tan rã của căn cứ Quán Ngang.
|
Cựu chiến binh Hải Phong thăm di tích Cồn Tiên. Ảnh tư liệu |
Suốt 5 năm, từ 1967 đến 1972, du kích Gio Linh và bộ đội bắc Quảng Trị bám sát "con mắt thần" của hàng rào điện tử từng ngày. Khi bao vây lỏng, khi khép chặt vòng quay, khi đánh lẫn giữ hành lang, thả cốt vào lon bò sữa, treo trên hàng rào, quấy rối không cho địch ngủ yên, tẩm xăng vào chuột, đốt cháy thành ngọn lửa, thả vào hàng rào địch gây những đám cháy làm rối loạn đối phương. Ngoài ra, lực lượng súng bắn tỉa phục kích, bất cứ lúc nào cũng có thể nhả đạn, biến cuộc sống trên hàng rào điện tử trở nên không bình thường... Cuối cùng, quân địch đã tháo chạy, bỏ lại hàng rào “bất khả xâm phạm” vào lãng quên.
Di tích kêu cứu
Dốc Miếu - Cồn Tiên đã được xếp hạng di tích cách mạng. Giờ đây, dọc hai bên đường quốc lộ san sát nhà cửa, những dải rừng cao su, những vạt đồi bạch đàn, những vườn hồ tiêu bạt ngàn ngút tầm mắt. Địa phương và nhiều công ty du lịch đã khai thác triệt để nơi đây để phục vụ mục tiêu kinh tế. Du khách trong nước và nước ngoài rất thích ghé căn cứ chiến trường xưa này trong chuyến hành trình về thăm các di tích lịch sử của vùng đất Quảng Trị. Hơn nữa, nó còn là điểm đến của sinh viên quốc tế để chụp ảnh, làm tư liệu cho những đề tài nghiên cứu khoa học về cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Tuy nhiên, một điều đáng buồn hiện nay là hiện trạng và cấu trúc của hệ thống lô cốt ở Cồn Tiên đang bị biến dạng do người dân địa phương vô thức, đem bộc phá nổ lấy cốt thép. Nghiêm trọng hơn, vì không được quản lý và bảo vệ, nhiều lô cốt bị trẻ chăn trâu khắc, vẽ bậy, đốt lửa làm lem nhuốc; rồi kết hợp yếu tố thời gian, thời tiết làm cho di tích lịch sử xuống cấp nhanh chóng.
Vậy, phải làm gì để "cứu" di tích Cồn Tiên? Xin dành câu trả lời cho các cơ quan ban ngành liên quan, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là ý thức của mỗi người dân.