Đối thoại Thiên Tân: Mỹ - Trung trong tâm thế giằng co
Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet
Cuộc họp cấp cao Mỹ - Trung lần thứ hai diễn ra mới đây tại Thiên Tân (Trung Quốc) giữa Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và các quan chức của Trung Quốc.
Trước đó, giới chức Mỹ nhấn mạnh rằng chuyến công du của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman đến thành phố cảng Thiên Tân để gặp gỡ Ngoại trưởng Vương Nghị và các quan chức ngoại giao khác của Trung Quốc là cơ hội để đảm bảo rằng, cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt giữa hai đối địch địa chính trị không biến thành một cuộc xung đột.
Tuy nhiên, những tuyên bố và lời lẽ cứng rắn xuất hiện trước và trong các cuộc đối thoại lần này mang "âm hưởng" của đối thoại Mỹ - Trung đầu tiên diễn ra hồi tháng 3 tại Alaska (Mỹ).
|
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp tại Thiên Tân ngày 26/7. Ảnh: THX |
Mặc dù bầu không khí gặp gỡ tại Thiên Tân không "nảy lửa" như tại Alaska, song hai bên dường như trong tâm thế "giằng co", bám chặt vào danh sách những vấn đề mà hai bên đòi hỏi nhau, thay vì thương lượng bất kỳ vấn đề gì với nhau.
Trung Quốc cảnh báo
Sáng 26/7, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman có cuộc gặp với Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong. Giới truyền thông nước ngoài không được tiếp cận khách sạn nơi hai bên hội đàm, nhưng báo chí Trung Quốc lại được phép vào từ trước.
Truyền thông Trung Quốc tại hiện trường đưa tin, cuộc đàm phán bắt đầu vào khoảng 9 giờ và báo chí có thể ghi hình trong 2 phút trước khi khai mạc, trong đó không bên nào phát biểu. Theo một đoạn video ngắn được công bố, phía Trung Quốc và Mỹ mỗi bên có 7 người, bao gồm các quan chức và phiên dịch, nhân viên tham dự cuộc họp.
Tại cuộc gặp này, nhân vật "số 2" trong ngành ngoại giao Trung Quốc nói rằng, một số người Mỹ coi Trung Quốc là một "kẻ thù giả định" và đây chính là nguyên nhân cơ bản khiến quan hệ song phương căng thẳng. Tại cuộc gặp chiều 26/7, Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, hai bên cần quản lý tốt hơn những khác biệt, đồng thời nhấn mạnh, những nỗ lực của Washington nhằm ngáng đường Bắc Kinh trong công cuộc hiện đại hóa sẽ "tất phải thất bại".
Ông Vương Nghị cũng cảnh báo Mỹ không "can thiệp" vào vấn đề chủ quyền của Trung Quốc, kêu gọi Washington gỡ bỏ các đòn trừng phạt và biện pháp hạn chế ngày càng gia tăng đối với lĩnh vực chuyển giao công nghệ.
Trong một tuyên bố sau cuộc gặp, ông Vương Nghị khẳng định: "Bóng đang ở sân Mỹ" khi đề cập đến vấn đề tôn trọng luật lệ quốc tế và rằng "chính Mỹ mới phải suy xét lại".
Mỹ thẳng thắn bày tỏ
Phía Mỹ thì cho biết tại các cuộc gặp, bà Sherman đã thẳng thắn trao đổi với Bắc Kinh về những hành động mà Washington cho là hủy hoại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Bà còn bày tỏ quan điểm về điều mà Washington cho là Bắc Kinh không sẵn sàng hợp tác với Tổ chức Y tế thế giới trong giai đoạn 2 cuộc điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19.
Về những vấn đề khu vực khác, bà Sherman quan ngại về những hành động gây căng thẳng của Bắc Kinh tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. Quan chức ngoại giao "số 2" của Mỹ cũng nói rằng, Washington hoan nghênh sự cạnh tranh mạnh mẽ. Bà bày tỏ tin tưởng việc Trung Quốc phát triển, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân là điều quan trọng song sự phát triển này cần đi theo cách thức phù hợp với luật lệ quốc tế và không ảnh hưởng đến bất kỳ nước nào khác.
Từng chịu trách nhiệm vấn đề Triều Tiên và Iran dưới thời chính quyền Barack Obama, bà Sherman nhấn mạnh, Trung Quốc và Mỹ có thể hợp tác về biến đổi khí hậu và những vấn đề khu vực như Triều Tiên, Iran, Afghanistan và Myanmar.
Một quan chức Mỹ miêu tả các cuộc đối thoại diễn ra "chuyên nghiệp", trực tiếp và cởi mở khi bà Sherman không ít lần đề cập "hết sức thẳng thắn" những vấn đề liên quan đến Trung Quốc.
Khả năng hợp tác vẫn mờ mịt
Một quan chức cấp cao chính quyền Mỹ nhận định sau các cuộc đối thoại: "Sẽ là sai lầm nếu cho rằng Mỹ đang tìm cách nào đó hoặc đang níu kéo sự hợp tác của Trung Quốc", ám chỉ đến những quan ngại toàn cầu như biến đổi khí hậu, Iran, Afghanistan và Triều Tiên.
Một quan chức khác trong chính quyền Mỹ nói: "Tùy thuộc vào phía Trung Quốc để xác định mức độ sẵn sàng của họ cũng như cách thức họ sẽ xúc tiến bước đi tiếp theo".
Gần đây, Bộ Ngoại giao Trung Quốc phát tín hiệu, bất kỳ hình thức hợp tác nào với Mỹ sẽ phụ thuộc vào những điều kiện tiên quyết đối với Washington. Sau các cuộc đối thoại tại Thiên Tân, hai bên dường như không đưa ra bất kỳ sự nhất trí hoặc cơ chế nào để duy trì cơ chế đối thoại hiện tại hoặc thúc đẩy các cuộc gặp tiếp theo.
Theo đánh giá của ông Eric Sayers, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu, một lĩnh vực ưu tiên của chính quyền Biden, cho dù đặc phái viên về vấn đề biến đổi khí hậu của Mỹ John Kerry đã nỗ lực thuyết phục Bắc Kinh. Ông bình luận: "Cuộc đối thoại ở Thiên Tân cho thấy cả hai vẫn rất khác biệt sâu sắc về cách thức họ nhìn nhận giá trị và vai trò của can dự ngoại giao".
Ông Scott Kennedy, chuyên gia Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế nhận định, không có bất kỳ triển vọng nào, dù thấp, để mỗi bên có thể thúc đẩy hợp tác hơn nữa.
Ông giải thích: "Bất kỳ động thái nào tiến tới hợp tác sẽ phải đi kèm với sự trả giá to lớn, liên quan cả đến những vấn đề nội bộ và chiến lược". Chuyên gia này cũng cho rằng không có nhiều kỳ vọng về việc hai bên sẽ tìm được tiếng nói chung và có thể ổn định mối quan hệ trong tương lai gần.
Cơ hội cho cuộc gặp thượng đỉnh
Mặc dù đối thoại tại Thiên Tân không có kết quả khả quan, song hai bên có thể đang thận trọng thúc đẩy một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 10. Phía Mỹ được cho là đang tìm kiếm khả năng xúc tiến một sự kiện như vậy khi hai nhà lãnh đạo cùng tham dự hội nghị thượng đỉnh G20 tại Italy tháng 10 tới.
Bắc Kinh vẫn chưa hé lộ quan điểm về vấn đề này. Mặc dù vậy, trên thực tế, họ không muốn quan hệ song phương với Mỹ tụt dốc hơn nữa. Tuy nhiên, theo một số quan chức Mỹ, tại cuộc đối thoại giữa Sherman và Tạ Phong, hai bên không đề cập đến khả năng tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Biden và ông Tập.
Cuộc đối thoại Thiên Tân của bà Sherman diễn ra sau chuyến công du tuần trước của bà đến Nhật Bản, Hàn Quốc và Mông Cổ.
Quan hệ Mỹ - Trung lao dốc dưới thời chính quyền tiền nhiệm Donald Trump. Chính quyền của ông Biden duy trì sức ép đối với Bắc Kinh dựa trên sự hậu thuẫn của lưỡng đảng.
( C. H sưu tầm)