Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà cách mạng Lê Quang Đạo (8/8/1921-8/8/2021), chúng tôi xin giới thiệu về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của ông.
Người con ưu tú của quê hương Bắc Ninh
Nhà cách mạng Lê Quang Đạo, tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu nước tại thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Trong những năm 1937 - 1939, ông đã tham dự Đoàn Thanh niên Dân chủ Hà Nội rồi Thanh niên Phản đế; tháng 8/1940 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Giữa năm 1941, ông lấy tên là Lê Quang Đạo.
Trong quá trình hoạt động cách mạng và kháng chiến chống Pháp, ông đảm nhiệm các chức vụ khác nhau. Từ tháng 9/1950, ông được phân công sang Quân đội, đến tháng 5/1955 là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, trực tiếp chỉ đạo công tác tuyên huấn, địch vận, đối ngoại. Năm 1958, được phong quân hàm Thiếu tướng; năm 1974 được thăng quân hàm Trung tướng.
Cuối năm 1978, ông rời Quân đội và được phân công là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội. Năm 1982, ông được cử giữ chức Trưởng ban Khoa giáo Trung ương; năm 1983, phụ trách công tác dân vận của Trung ương và tham gia Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tháng 6/1987, kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Đầu năm 1993, ông thôi giữ chức Chủ tịch Quốc hội để về công tác Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc và được bầu làm Chủ tịch của cơ quan này.
Dấu ấn trên cương vị Chủ tịch Quốc hội
Sinh thời, ông Vũ Mão (1939-2020), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thường hay nhắc tới Chủ tịch Quốc hội khóa VIII Lê Quang Đạo mỗi khi chúng tôi sang phỏng vấn về chủ đề đổi mới hoạt động của Quốc hội.
Ngoài lời kể, ông Vũ Mão còn tặng chúng tôi cuốn sách "Mãi còn tin yêu" của ông, sách do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành. Cuốn sách có bài viết "Lê Quang Đạo nụ cười nhân hậu".
Cuốn sách cho biết: Vào năm 1986, có lần ông Lê Quang Đạo phải đi bệnh viện cấp cứu. Lúc đầu, tưởng ông bệnh nặng nên Tiểu ban nhân sự của Đại hội VI dự định để ông nghỉ, không tham gia Trung ương khóa VI nữa. Nhưng với nghị lực phi thường, ông đã vượt qua được cơn bệnh hiểm nghèo.
Hội đồng Bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương sau khi xét nghiệm cẩn trọng đã kết luận, ông Lê Quang Đạo vẫn đủ sức khỏe để tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương khóa VI.
Nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII (1987-1992), việc lựa chọn chức danh Chủ tịch Quốc hội không dễ dàng chút nào. Lúc đầu dự kiến một vị Ủy viên Bộ Chính trị đảm nhận nhưng sau khi cân nhắc kỹ lưỡng thì phương án tối ưu cho chức danh Chủ tịch Quốc hội chính là ông Lê Quang Đạo.
Theo ông Vũ Mão, một trong những dấu ấn quan trọng của Chủ tịch Quốc hội khóa VIII Lê Quang Đạo, đó là:
Tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 1988, Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng mới (nay là Thủ tướng Chính phủ), thay cho ông Phạm Hùng vừa mới từ trần. Theo quy định của Hiến pháp năm 1980, Hội đồng Nhà nước giới thiệu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng để Quốc hội bầu.
Việc giới thiệu của Hội đồng Nhà nước trên cơ sở kết quả thảo luận và biểu quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ban Chấp hành Trung ương lúc đó đã giới thiệu ông Đỗ Mười (1917-2018) để Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Sau khi Hội đồng Nhà nước trình Quốc hội phương án trên, các Đoàn đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận. Ông Vũ Mão lúc đó là Trưởng Đoàn Thư ký kỳ họp có trách nhiệm chỉ đạo tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội.
Kết quả cho thấy, tất cả các Đoàn đều đồng ý giới thiệu ông Đỗ Mười, đồng thời có 37/53 Đoàn giới thiệu thêm ông Võ Văn Kiệt (1922-2008) để Quốc hội bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Cuộc họp Hội đồng Nhà nước để thảo luận vấn đề này rất sôi nổi. Đa số các thành viên Hội đồng Nhà nước nhất trí để hai ứng cử viên, coi đây là sự đổi mới tư duy, thể hiện tính dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) lúc đó là ông Võ Chí Công (1912-2011) đề nghị Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo và Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đến báo cáo Tổng Bí thư (khóa VI) Nguyễn Văn Linh.
Sau khi nghe, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đặt một số câu hỏi và những tình huống phải xử lý. Với tư duy mạch lạc và nghệ thuật trình bày mang tính thuyết phục của ông Lê Quang Đạo, ông Nguyễn Văn Linh đã đồng ý triệu tập cuộc họp Bộ Chính trị để bàn bạc vấn đề này.
Bộ Chính trị đã nhất trí với đề nghị của Hội đồng Nhà nước, có hai ứng viên để Quốc hội bầu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng..
Đây là lần đầu tiên Quốc hội nước ta đưa ra hai ứng cử viên để Quốc hội bầu. Kết quả, ông Đỗ Mười được 63% số phiếu bầu; ông Võ Văn Kiệt được 37% số phiếu bầu.
Theo ông Vũ Mão, Quốc hội khóa VIII còn làm được nhiều việc khác, trong đó có công lao đóng góp của Chủ tịch Lê Quang Đạo, đó là:
Sửa lời nói đầu của Hiến pháp năm 1980 cho phù hợp với chủ trương mới trong hoạt động đối ngoại là Việt Nam muốn làm bạn với các nước.
Tuyên bố rút quân tình nguyện Việt Nam ra khỏi Campuchia sau khi hoàn thành nhiệm vụ giúp nhân dân nước bạn thoát khỏi nạn diệt chủng.
Thông qua Hiến pháp năm 1992 với những đổi mới, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống đặt ra.
Theo ông Vũ Mão, ông Lê Quang Đạo có nhiều đống góp vào sự nghiệp đổi mới ở Quốc hội. Ông là người điều hành Quốc hội xuất sắc với tư duy sắc sảo, sự tinh tế, chất nhân văn và tính hiệu quả trong công việc.