Bà Trần Tố Nga: Hãy bền lòng bước tiếp cùng công lý
Nguồn: Báo Điện tử Thời Đại
Bà Trần Tố Nga, người phụ nữ gần 80 tuổi, hơn 10 năm qua đấu tranh cho các nạn nhân da cam, đối đầu với hàng chục tập đoàn hóa chất hàng đầu thế giới đã phát biểu như trên với Thời Đại và lương tri nhân loại nhân dịp Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 - 10/8/2021).
- Xin bà cho biết những thông tin mới nhất về vụ kiện chất độc da cam với các công ty hoá chất Mỹ?
Hiện nay, luật sư đã chuẩn bị hồ sơ kháng cáo. Pháp đang trong thời gian nghỉ hè nên tất cả các cơ quan không làm việc. Toà kháng án của Paris yêu cầu dời lịch sang ngày 6/9, nên tới đây chúng tôi mới nộp được hồ sơ kháng cáo, sau đó mới có quyết định của toà án.
|
Bà Trần Tố Nga cùng với người dân Pháp đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam. |
- Cảm xúc và dự báo của bà hiện thế nào, thưa bà?
Tôi năm nay đã 80 tuổi, nhưng còn sống đến phút nào thì tôi vẫn sẽ tiếp tục đòi công lý cho nan nhân da cam.
Có thể vì sức khỏe không cho phép tôi theo đuổi đến cuối cùng cuộc đấu tranh này, nhưng thế hệ trẻ của Pháp và các nơi trên thế giới sẽ tiếp tục chiến đấu vì vụ kiện. Mục đích vụ kiện để nhân dân thế giới hiểu được thảm hoạ da cam và lên án thảm hoạ đó, để đồng cảm giúp đỡ nạn nhân da cam Việt Nam. Mục tiêu đó sẽ có người tiếp nối tôi cũng yên tâm.
- Trong quá trình đấu tranh bà đã nhận được sự ủng hộ từ dư luận quốc tế và sự đồng hành, chung sức của Chính phủ và người dân Việt Nam như thế nào?
Vụ kiện đã kéo dài 11 năm, trong đó 7 năm chính thức. Lúc đầu tôi chiến đấu một mình, nhưng đến nay dư luận khắp nơi trên thế giới đều lên tiếng ủng hộ và họ gọi đây là vụ kiện lịch sử. Thế giới biết về thảm hoạ da cam và lên tiếng ủng hộ nạn nhân da cam hiện rất đông. Điều đó làm nên sức mạnh cho cuộc đấu tranh này. Sau phiên toà ngày 25/1/2021, số người ủng hộ vụ kiện lên đến hàng triệu người. Tất cả các đài, báo các nước trên thế giới như Anh, Pháp, Đức, Nga, Mỹ...đều đưa tin về vụ kiện.
Khi bắt đầu cuộc chiến kháng cáo, không như 7 năm trước tôi một mình, giờ đây là cuộc đấu tranh của tất cả mọi người trên thế giới. Có một thượng nghị sĩ Pháp đã hơn 90 tuổi nhưng bà hoạt động rất tích cực ủng hộ nạn nhân da cam. Một mình bà đã đi vận động hơn 200 chữ ký của bộ trưởng, thứ trưởng, thượng nghị sĩ Pháp ủng hộ vụ kiện.
Quê hương Việt Nam là nguồn động viên rất lớn với tôi. Trong 7 năm qua tôi nhận được sự thông cảm, động viên, ủng hộ rất lớn từ Việt Nam. Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đã chính thức lên tiếng không tán thành kết luận của toà án Pháp và mong muốn cuộc chiến công lý vẫn tiếp tục. Những lời động viên, ủng hộ từ đất nước là sự tiếp sức thiêng liêng nhất để tôi có nghị lực tiếp tục vụ kiện.
|
Bà Trần Tố Nga (thứ ba từ trái sang) tuần hành cùng nạn nhân da cam Việt Nam tại TP.HCM. |
Quan hệ hai nước Việt Nam và Mỹ ngày càng tốt lên. Tôi hoan nghênh chính phủ Mỹ đã có dự án khắc phục hậu quả chiến tranh như giải độc sân bay Đà Nẵng, Biên Hoà và hỗ trợ nạn nhân da cam. Tuy nhiên, qua Hội nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin tôi được biết, những hỗ trợ nạn nhân da cam hiện vẫn còn hạn chế. |
- Vậy cụ thể người dân Việt Nam cần làm gì để cùng với bà đưa công lý đến với nạn nhân da cam?
Cuộc đấu tranh này sẽ lâu dài và khó khăn. Vậy nên, 4 triệu nạn nhân da cam Việt Nam là những người trong cuộc phải cùng đồng lòng nói lên tác hại của chất độc màu da cam như thế nào, truyền từ đời này sang đời kia ra làm sao. Ngoài ra, truyền thông báo chí của Việt Nam cần làm như truyền thông báo chí Pháp hay một số nước là không ngừng nói về cuộc đấu tranh này để thức tỉnh lương tâm của mọi người. Thế giới càng biết đến thảm hoạ da cam thì những người yêu công lý họ sẽ quay lại hỗ trợ cho Việt Nam.
Ngoài chuyện đấu tranh pháp lý, tôi còn hướng đến những việc làm cụ thể. Khi hết dịch Covid-19, tôi sẽ bàn chuyện xây dựng trung tâm dạy nghề cho nạn nhân da cam và người khuyết tật.
Tôi rất muốn người dân Việt Nam hỗ trợ giúp đỡ tôi thực hiện giấc mơ cuối cùng này. Đó là giúp cho nạn nhân da cam có cuộc sống bình thường và được làm việc, được đào tạo nghề để có thể sống bằng chính sức lao động của họ.
- Ngày 10/8 là ngày Kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Bà có thông điệp gì muốn gửi đến công luận quốc tế cũng như Việt Nam?
Hàng năm, vào ngày 10/8 sẽ có những cuộc diễu hành, mít tinh kỉ niệm. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên mọi hoạt động đều đã bị huỷ. Bên Pháp đang có những bức thư gửi về Việt Nam động viên các nạn nhân da cam và nói lên sự ủng hộ của người dân Pháp.
Tôi nghĩ rằng, với bản thân tôi, dù kết luận cuối cùng của toà án Pháp như thế nào đi chăng nữa thì việc làm cho cả thế giới biết về thảm hoạ da cam, lên án chiến tranh hoá chất và hành động để đưa công lý đến với các nạn nhân da cam, đem lại cho những người bị hại cuộc sống an lành, tốt đẹp hơn mới là quan trọng. Xin mọi người đừng nản lòng. Hãy bền lòng bước tiếp cùng công lý.
Trân trọng cảm ơn bà!
Hằng ngày, tôi đều cập nhật tình hình Covid-19 tại Việt Nam, đặc biệt là TP.HCM. Đây là thành phố có người thân của tôi đang sống. Trong thời điểm khó khăn hiện nay, tôi xin chia sẻ với nỗi đau của những người dân đã bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tôi trân trọng và cảm phục những cá nhân đã và đang làm việc, nỗ lực hết mình để đảm bảo sự bình yên, an toàn cho người dân Việt Nam.
Tôi mong Việt Nam sẽ vượt qua đại dịch Covid-19!
|
( C . H sưu tầm)