"Covid hôm nay - mấy lời bàn". TG: Hoàng Kiền (Bài số 6)

Ngày đăng: 10:16 17/08/2021 Lượt xem: 313
COVID HÔM NAY - MẤY LỜI BÀN
CCB Hoàng Kiền

 

Bài số 6
NHÌN XUNG QUANH, NHÌN ĐẾN TA
       Đợt dịch covid lần thứ tư này (covid 4) diễn ra kéo dài đến nay đã gần 4 tháng, gấp đôi ba lần trước, giãn cách cũng kéo dài. Tuần trước chị gái con bác ruột bên mẹ tôi mất không về được, hôm nay chị dâu con bác ruột bên bố tôi mất cũng không về được, do thực hiện giãn cách xã hội. Huyện Giao Thuỷ quê tôi có Quyết định của Chủ tịch UBND huyện lập 10 chốt kiểm soát, ngay đầu đường vào làng tôi có 1 chốt, có về cũng phải cách ly ngay..
       Đêm chả ngủ được, xem báo mạng, mạng xã hội cũng thấy có vấn đề cần viết ra về nhìn nhận của mình cũng như rất nhiều người đã nêu trên trang Facebook cá nhân và các nhóm .
A. Thế giới
       Mỹ đã tiêm vắc xin trên 51 % dân số nhưng hiện nay người mắc bệnh đang bùng phát trở lại với trên dưới 120.000 ca/ ngày, 600 người chết mỗi ngày. Vắc xin chưa thể ngăn chặn ngay được covid.
Nhiều nước châu Âu, Đông nam Á vẫn rất phức tạp.
Hiện nay do biến thể đen ta, rồi đang có bê ta, sắp đến ga ma, an pha, như là lập trình toán học vậy... kỳ lạ lắm. Phải nhìn nhận vấn đề " Cuộc đại chiến thế giới bằng vũ khí sinh học " đang diễn ra này vô cùng nguy nan, sẽ còn kéo dài .
B. Trung Quốc
       Con vi rút Corona từ Vũ Hán một thành phố có 10 triệu dân sinh ra thành đại dịch rồi lan ra toàn cầu. Trung Quốc đã xử lý thành công, Vũ Hán không tái phát. Đợt dịch này cả Trung Quốc lan ra mấy chục tỉnh với dân số 1,4 tỷ người, đến nay theo tivi đưa tin đến ngày 15 tháng 8 năm 2021 mới có 1.297 người mắc bệnh, không có tử vong. Một điều không nước nào làm được .
       Tại sao vậy?
       Kinh nghiệm của Trung Quốc cần thiết cho toàn thế giới nghiên cứu.
C. Việt Nam
       Số ca nhiễm tăng lên rất nhanh, hiện nay từ 8.500 đến 9.700 ca/ ngày. Tổng số gần 280.000 ca mắc. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến 16 - 8 là 6.141 ca, chiếm tỉ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỉ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới. Tập trung chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương. Đã tiến hành nhiều đợt giãn cách nhưng số ca nhiễm và tử vong vẫn còn cao.
       Tuy vậy so với các nước, Việt Nam vẫn là nước có số người nhiễm bệnh và tử vong thấp hơn nhiều, nhưng vẫn đang mắc cao hàng ngày. Hệ thống y tế quá tải như Bộ trưởng Bộ y tế đã phát biểu: "Hệ thống khám, chữa bệnh đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn chưa từng có trong lịch sử”. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế thành lập kho dã chiến trang thiết bị, vật tư tiêu hao tại TP. Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ.
       Trong khi ở Mỹ: Theo nghiên cứu của Đại học Johns Hopkins, thông thường, Mỹ trang bị đủ số máy thở cho khoảng 160.000 người...
       Tiêm chủng Vắc xin: Tình hình diễn biến vừa qua cho thấy khi có vắc xin về Chính phủ đã công bố đến giai đoạn chuyển từ phòng thủ sang tấn công, khi ấy bệnh nhân trên dưới 1.000 ca/ ngày, nay đã lên trên dưới 8.500 ca/ ngày. Thực tế từ đó đến nay covid vẫn đang tiến công ta đúng như Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu. Trong phiên họp Chính phủ về Phòng chống dịch covid - 19 vừa qua, Chính phủ vẫn công bố ta chuyển sang tấn công. Tôi cho là vẫn sớm. Nước Mỹ đã tiêm chủng cho hơn 51 % dân số mà hiện nay vẫn bị covid tấn công.
       Tổng số liều Vaccine đã được tiêm là 14.666.708 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 13.287.434 liều, tiêm mũi 2 là 1.379.274 liều. Việt Nam đến nay mới tiêm đầy đủ 2 liều được khoảng 1,4 % dân số.
       Bao giờ Việt Nam có đủ Vắc xin tiêm cho trên 50 % dân số hãy nói đến tiến công. Nói bây giờ dễ dẫn đến chủ quan ảnh hưởng đến các biện pháp phòng chống khác.
       Hàng đầu là "Đánh giặc" bằng mọi biện pháp ngăn chặn đà tiến công của covid - 19, "Bao vây", "Tiêu diệt".Tư tưởng chỉ đạo " Tác chiến" cần là: CÁCH LY + 5K + VẮC XIN . Song song với "Đánh địch" là tập trung cứu chữa "Thương binh", giảm tử vong đến mức thập nhất.
       Không bằng mọi biện pháp ngăn chặn, mỗi ngày cứ thêm trên 8 nghìn ca mới kéo dài thì sẽ vỡ trận. Toàn dân tích cực đẩy mạnh Phòng - Chống dịch Covid - 19 mới giành thắng lợi.
       Các ổ dịch phía Bắc đã xử lý tốt, như Bắc Giang, nhưng TPHCM, Bình Dương diễn ra phức tạp, dịch bùng phát lên cao kéo dài. Có khách quan là do vi rút biến thể. Chủ quan vẫn là tổ chức quản lý cách ly, triển khai chậm, chủ quan, không kiên quyết. Nói và làm còn rất xa .
       Các khu dân cư tự do thuê trọ là phức tạp nhất, nhà cách ly với nhà làm được. Người cách ly với người làm sao thực hiện được khi năm sáu người thuê trong một phòng trọ. Đây là một thực tế, cần phải đi "vi hành" mới thấy.
       Công tác điều hành "tác chiến " chưa hợp lý, khi công bố cách ly 15 ngày lần thứ nhất tại TP Hồ Chí Minh, đã gây ra một làn sóng người dân lao động tự do tìm đường về quê làm cho dịch lan ra khắp các tỉnh phía Nam. Lần này đột ngột công bố cách ly thêm 1 tháng, làn sóng chạy về quê lại diễn ra không thể nào ngăn cản được. Một làn sóng dịch mới sẽ lan ra. Việc hỗ trợ tiền, cung cấp lương thực thực phẩm cho các đối tượng này chưa bảo đảm cho họ ở lại, đây là một thực tế. Cách ly một tháng nữa họ sẽ ra sao? Niềm tin của họ vào lời hứa đã suy giảm nên họ mới liều lĩnh ra về. Họ không chấp hành ở đâu ở yên đó là do Chính quyền cơ sở chưa gần dân, chưa hiểu hết tình hình dân lao động tự do ra sao.
       Sáng nay tôi hỏi cô giúp việc cho nhà con trai tôi ở Hà Nội:
- Các cháu nhà cô thế nào?
- Hai thằng đang cách ly cả, không về quê được, kêu hết tiền ăn, mẹ nhờ anh Hoàn bắn cho mỗi thằng một triệu.
- Thế nó có làm đơn xin tiền trợ cấp không.?
- Bốn năm thằng ở trọ chung có biết gì đâu mà làm, chẳng đứa nào được đồng nào.
- Thế thì cách ly người với người như chỉ đạo của trên ra làm sao?
- Chịu bác ạ, có nhà trọ còn đông hơn, gần chục người dải chiếu ra nền nhà nằm kín cả....
       Chiều 15-8, UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết trong 2.000 người Ninh Thuận từ Đồng Nai về quê tránh dịch vào ngày 31-7, có tới 400 người bị nhiễm COVID-19, nên tỉnh này có văn bản hỏa tốc nhờ hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận hợp tác.
       Đợt dân tự do ồ ạt về quê lần này sẽ còn phức tạp hơn nữa. Cả thành phố Hồ Chí Minh có thể khoảng vài ba triệu người lao động từ các tỉnh đến, số lao động tự do là rất lớn, hàng triệu người , tình hình hình sẽ còn phức tạp khi chỉ thị cách ly thêm 1 tháng (đến 15 tháng 9). Việc đưa ra chỉ thị cách ly luôn một tháng là một việc chưa hợp lý. Nhìn cảnh "dòng người tháo chạy" khỏi TPHCM, ai cũng đau lòng. Qua đó sẽ nghĩ đến hậu quả, hãy xem lại quyết định của "người chỉ huy" đúng hay sai.


Ồ ạt dòng người từ TP Hồ Chí Minh chạy dịch về quê
 
       Có thể còn phải cách ly dài hơn, nhưng chỉ đưa ra từng bước từng đợt tránh hoang mang cho người dân dẫn đến ồ ạt rời TP Hồ Chí Minh bất chấp khó khăn nguy hiểm.
       Quảng Trị đã thuê một chuyến xe lửa đưa 500 người dân từ TP Hồ Chí Minh về quê là một làm đúng đắn, rất trách nhiệm và nhân văn. Cần có sự chỉ đạo ở cấp quốc gia cho phù hợp, thống nhất. Ở đâu ở yên đấy, muốn về đâu các tỉnh đón về đấy rồi ngồi yên đấy trong khu cách ly.
       Vấn đề chỉ đạo, điều hành. Là một cuộc chiến, chống dịch như chống giặc, phải tổ chức chỉ đạo, chỉ huy đáp ứng yêu cầu thực tế.
       Thủ tướng nói Bí thư cấp ủy là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid ở các cấp. Với Trung ương như thế nào, cần nghiên cứu thêm cho phù hợp trong tình hình cuộc chiến đang lan rộng. Đây là vấn đề cấp bách đặc biệt quan trọng trong thời điểm này.
Xin nêu vấn đề để xem xét:
       Khi xảy ra tình hình tranh chấp các bãi đá ngầm trên quần đảo Trường Sa năm 1988, Bộ Tư lệnh Hải quân đã quyết định di chuyển Sở chỉ huy từ Hải Phòng vào Cam Ranh. Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương kiêm Chỉ huy trưởng Vùng 4, Chỉ huy trưởng Vùng 4 xuống chỉ huy Lữ đoàn 146, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 trực tiếp ra Trường Sa chỉ huy chốt giữ đảo. Có như vậy, chiến dịch Bảo vệ chủ quyền CQ 88, mới ngăn chặn được sự lấn tới của đối phương, giữ được các "đảo chìm", đảo nổi như hiện nay. Cần nghiên cứu vận dụng.
       Vừa qua cứ thấy nghe các cấp thực hiện kịch bản 1, kịch bản 2... kịch bản để diễn, nay hết kịch bản rồi đã chuyển sang xây dựng kế hoạch. Coi chống dịch như chống giặc là một cuộc chiến thì cần xem phương pháp điều hành cuộc chiến cho phù hợp.
       Mặt trận chính của cuộc chiến hiện nay là khu vực TP Hồ Chí Minh - Bình Dương, cần được tăng cường về chỉ huy điều hành.
       Hiện nay khó nhất cho cách ly dài ngày là vẫn đề hậu cần. Thành phố Hồ Chí Minh với 10 triệu dân giãn cách một tháng nữa sẽ bảo đảm ra sao? Đặc biệt là những người lao động tự do, cần có tính toán tầm "chiến lược, chiến dịch". Các hoạt động từ thiện không giải quyết được vấn đề vô cùng to lớn khó khăn phức tạp này.
. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước hậu cần chúng ta không đủ phải nhờ các nước viện trợ. Nay các thứ đều chất đống không tiêu thụ được, nhiều thứ phải bỏ đi. Vấn đề là vận chuyển phân phối đến người dân đang thực hiện cách ly là vô cùng khó khăn phức tạp. Cơ chế thị trường không còn thực hiện được trong thời chiến. Cần vận dụng một số mặt cơ chế bao cấp trong giai đoạn cấp bách này. Cần huy động Quân đội và Quân đội cần chủ động tham gia " Bảo đảm Hậu cần cho cuộc chiến" ở các cấp.
       Đây là "thời chiến", Dự trữ quốc gia cần được đưa ra ứng cứu những thứ cần thiết.
       Tiếp tục thực hiện quan điểm chiến tranh nhân dân, toàn dân đánh giặc. Từ thực tế phân vùng, có "vùng tự do, vùng giáp ranh, vùng địch tạm chiếm" để điều hành "vừa sản xuất vừa chiến đấu " chỉ đạo, tổ chức thực hiện linh hoạt cụ thể, bao vây cô lập "địch", rào làng chiến đấu không cho "địch thâm nhập".
       Dưới sự lãnh đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước, toàn dân đoàn kết một lòng, xông pha tuyến đầu là các chiến sĩ Áo trắng, các lực lượng Quân đội và Công an, kiên cường "Phòng thủ", đầy mạnh mua, sản xuất Vắc xin tiêm chủng; Bình tĩnh, kiên cường, sáng tạo, linh hoạt, giữ vững niềm tin, nhất định chúng ta giành thắng lợi trong Cuộc chiến chống đại dịch Covid- 19.
 
Ngày 17 tháng 8 năm 2021
Cựu chiến binh Hoàng Kiền

tin tức liên quan