Từ cái áo đẫm mồ hôi của Thủ tướng, nghĩ về những quyết sách gần dân
Từ cái áo đẫm mồ hôi của Thủ tướng, nghĩ về những quyết sách gần dân
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Hình ảnh Thủ tướng áo đẫm mồ hôi thị sát nhiều địa điểm khác nhau ở các vùng tâm dịch tạo hẳn một sự khác biệt so với hình ảnh lãnh đạo được che ô. Nhưng điều quan trọng hơn mà người dân mong ở tất cả các cấp lãnh đạo, là phải gần dân hơn nữa để có quyết sách phù hợp thực tiễn.
Chỉ trong hơn 2 tháng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã vào TP.HCM và các tỉnh phía nam tới 3 lần, kể cả chuyến công tác hôm 26-27/8. Lần thứ 3 này, ông vào giữa tâm đại dịch ở thời điểm khắc nghiệt nhất, chỉ sau đúng 2 ngày Thủ tướng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Bộ Chính trị, giao thêm trọng trách mới: Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Nhìn ông nhiều lúc với chiếc áo ngắn tay ướt đẫm mồ hôi không hề có ô che, lúc thì mặc bộ đồ chống dịch của ngành y tế vào tận bệnh viện dã chiến mà thấy thật trân trọng và cảm động.
Hình ảnh vị Thủ tướng áo đẫm mồ hôi thị sát nhiều địa điểm khác nhau rất đáng suy ngẫm và tạo hẳn một sự khác biệt so với hình ảnh lãnh đạo được che ô. Nhưng có lẽ theo tôi, đây cũng chỉ là việc rất nhỏ. Vấn đề mà tôi muốn nói đến trong bài viết này, đó là phong cách lãnh đạo của người đứng đầu Chính phủ đã khiến đội ngũ công chức, viên chức của chúng ta từ trung ương xuống địa phương phải xem lại chính mình, nhất là hiện nay, việc chống dịch được Đảng và Nhà nước ta xác định như chống giặc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng có lần khẳng định, người dân vừa là trung tâm vừa là chủ thể trong phòng, chống dịch: "Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, đơn vị là một pháo đài chống dịch". Trong cuộc "chiến tranh" đẩy lùi dịch bệnh như hiện nay, chắc rằng, phong cách cần phải thay đổi rất nhiều: Phải gần dân và hiểu dân hơn nữa để có những quyết sách gần với đời sống. Từ thực tiễn đi cơ sở, người lãnh đạo sẽ phát hiện ra những điểm nghẽn cần tháo gỡ.
Tuy nhiên, trong lần vi hành vừa qua ở TP.HCM, khi Thủ tướng đi thị sát cơ sở, ông đã nhận ra nhiều bất cập. Thủ tướng hỏi lãnh đạo một phường, nếu có bệnh nhân cần đưa đi cấp cứu thì anh sẽ liên lạc với những cơ sở nào, bệnh viện nào? Thế nhưng lãnh đạo phường khi bị " điểm huyệt" lại tỏ ra lúng túng.
Sau khi kiểm tra trực tiếp một vài nơi như vậy, Thủ tướng yêu cầu phải có một bản thông báo soạn sẵn gửi đến từng hộ dân để khi dân đói, khi trở bệnh nặng thì họ biết mà gọi cho ai. Tất cả đều phải có một sự chủ động cần thiết để không vào thế bị lúng túng, bị động.
Đến khi sang thăm và kiểm tra công tác chống dịch tại tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị một người dân gọi số điện thoại hỗ trợ lương thực của xã nhưng số điện thoại đã tắt. Có trường hợp ông đứng ngay đó để theo dõi cuộc trao đổi, thậm chí hướng dẫn cách hỏi thày thuốc, thì thấy người bệnh có gọi được và thái độ hướng dẫn điều trị của thày thuốc cũng đáng hài lòng.
Rõ ràng người lãnh đạo phải xuống tận cơ sở để tường tận thực tế cuộc sống. Tôi rất sẻ chia với đội ngũ cán bộ phường xã đang căng mình chống dịch tại nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt là phía Nam. Lúc này, họ đã và đang bị quá tải đến độ rất nghiêm trọng chứ có lẽ cũng không phải hoàn toàn do thiếu trách nhiệm. Nhưng hệ thống là để phục vụ người dân, nhất là trong khủng hoảng. Thủ tướng yêu cầu khi dân thiếu ăn, thiếu mặc, khi họ cần trợ giúp y tế và gọi điện thì phải đáp. Chỉ có như vậy mới tạo dựng được lòng tin cho người dân và phòng chống dịch hiệu quả hơn nữa.
Tôi được các đồng nghiệp cho hay, có những cơ quan phường, xã có đến già nửa số người F0 . Người ở thể nhẹ, chưa có triệu chứng, tuy phải ngồi nhà cách ly, vậy mà công việc không thể dứt ra nổi vì bộ máy neo người quá… Điều này đã được chính Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận hôm 24/8 mới đây, ông cũng đề cập trước tập thể lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước khi nhìn nhận đội ngũ cán bộ địa phương đã hết sức cố gắng…
Chính trong thời gian Thủ tướng còn đang đi thị sát các điểm nóng của đại dịch tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai hôm 27/8,ông đã thấy có những vấn đề nổi cộm cần xử lý sớm. Vì thế nên Thủ tướng đã ký ngay Công điện về thu dung, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người lang thang, cơ nhỡ.
Nội dung công điện nêu rõ, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tại một số địa phương đã xuất hiện người lang thang, cơ nhỡ không có việc làm, không có chỗ ở, không được chăm sóc y tế và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, gây nguy cơ mắc và lây lan Covid-19.
Quan tâm đến những người này là thể hiện sâu sắc điều chính chúng ta đã nói: Đất nước không bỏ ai lại phía sau! Tôi nhìn trên báo, đài, trên mạng xã hội đưa những cảnh người lạng thang, cơ nhỡ, nghèo khổ được y tế địa phương tiêm vaccine, họ đã khóc trong niềm sung sướng, đến cả người xem, người đọc cũng nghẹn ngào theo, với cảm giác đã ngăn chặn được những mối đe dọa với người yếu thế.
Nếu như các cấp lãnh đạo, các công chức, viên chức nói chung trong hệ thống chính trị của chúng ta không thường xuyên xuống tận cơ sở và từ những thực tiễn như vậy để làm chính sách, đưa ra quyết định thì thật đáng trách. Phải ghi nhận rằng chúng ta đã có rất nhiều nỗ lực trong tất cả các lĩnh vực, kể cả trong đại dịch, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc thì mới có một năm bình yên như năm ngoái, hay kiềm chế được dịch ở phần lớn các tỉnh thành. Nhưng chỉ có qua thực tế, chúng ta mới phát hiện ra những vướng mắc, bất cập để giải quyết hoặc báo cáo lên cấp cao hơn đưa ra những điều chỉnh để chỉ đạo chuẩn xác. Từ đó hệ thống chính trị của chúng ta mới có thể làm tốt hơn công tác phòng chống dịch.Rồi khi thăm siêu thị, bệnh viện, nhà máy, Thủ tướng tiếp tục ghi nhận những điều tốt và chưa tốt, để có những chỉ đạo kịp thời, nhất là chính sách bồi dưỡng vật chất thêm cho cán bộ, nhân viên y tế phục vụ chống dịch, và phải làm sao để đảm bảo đủ sức khỏe lâu dài cho anh chị em trong cuộc chiến với Covid-19.
Từ chuyến đi của Thủ tướng, từ thực tiễn trong cuộc chiến chống "giặc Covid-19" thời gian qua, cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp nên nhìn lại những gì dân còn băn khoăn, thắc mắc, thiếu hụt. Nào là việc lưu thông hàng hoá, việc chăm sóc điều trị y tế, các nhiệm vụ an sinh xã hội nhất là nơi tâm dịch, kể cả đi chợ hộ… Chúng ta không thể chỉ ngồi phòng lạnh để làm chính sách. Luôn luôn, không chỉ trong đại dịch, thực tiễn cuộc sống sẽ giúp nhiều chính sách điều hành phù hợp hơn, tích cực hơn và bền vững hơn.
( C. H sưu tầm)