Kinh nghiệm ‘hóa rồng’ từ phép màu Singapore

Ngày đăng: 07:17 31/08/2021 Lượt xem: 219

                  Kinh nghiệm ‘hóa rồng’ từ phép màu Singapore


                                                              Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet

Từ một làng chài nghèo đói bị trục xuất khỏi Malaysia trở thành quốc gia độc lập năm 1965, Singapore đã trở thành con rồng châu Á chỉ trong vòng vài chục năm.

 
Singapore nghèo đói giai đoạn những năm 1960. Ảnh tư liệu

Khi bị trục xuất khỏi Malaysia, ngoài cảng biển, Singapore chẳng có gì đáng kể, thiếu thốn đủ thứ, tài nguyên nghèo nàn, diện tích nhỏ bé, dân số ít, phải nhập khẩu từ lúa gạo đến nước sạch... Bằng những chính sách mang tính đột phá, Thủ tướng Lý Quang Diệu đã đưa Singapore vươn lên, nhanh chóng thăng hạng trên bản đồ thế giới ở hầu hết các lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội cho tới giáo dục…

Theo các chuyên gia nghiên cứu trong và ngoài nước, hành trình hóa rồng của Singapore chỉ trong vòng 30 năm, đã để lại cho nhiều quốc gia trong khu vực những bài học đắt giá, trong đó có Việt Nam. Việc nghiên cứu và ứng dụng những bài học kinh nghiệm này có thể giúp các quốc gia như Việt Nam giảm bớt những trở ngại trên con đường phát triển, xây dựng nên kỳ tích của riêng mình.

Trừ diệt tham nhũng

Theo Tiến sĩ Phạm Mạnh Hùng thuộc Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, khi Đảng Nhân dân hành động (PAP) lên nắm chính quyền vào năm 1959, Thủ tướng Lý Quang Diệu bắt đầu xây dựng một bộ máy chính quyền trong sạch. Ông khẳng định với thế giới rằng: Chính phủ Singapore là một trong nhưng cơ quan quyền lực “thật thà”, năng động và làm việc có hiệu quả nhất thế giới. Ông Lý Quang Diệu cũng nhấn mạnh một chính phủ yếu kém là sự cáo chung đối với Singapore.

 
 
 
 
Kinh nghiệm ‘hóa rồng’ từ phép màu Singapore
Năm 2015, Singapore được xếp hạng là nước ít tham nhũng thứ 8 toàn cầu. Ảnh: Tổ chức Minh bạch quốc tế

Singapore đã tập trung thực hiện biện pháp giảm thiểu cơ hội tham nhũng và tăng thật nặng hình phạt đối với hành vi tham nhũng. Singapore trao cho cục điều tra tham nhũng nhiều quyền hơn trong bắt giam, khám xét, kiểm tra tài khoản ngân hàng… Nước này cũng liên tục sửa đổi, bổ sung để đạo luật chống tham nhũng luôn hiệu quả, khắc phục lỗ hổng luật pháp và những vấn đề chưa lường tới.

Từ đầu thập niên 1970, sau nhiều năm kinh tế tăng trưởng tốt, ngân sách khấm khá hơn, Singapore thực hiện cả biện pháp giảm thiểu động cơ tham nhũng với tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ. Nhờ đó, họ đã đảo ngược tình hình, tham nhũng không còn nghiêm trọng. Tổ chức Minh bạch Quốc tế xếp Singapore là nước tham nhũng ít nhất châu Á từ 1995-2009, xếp thứ 3 thế giới năm 1995 và thứ 4 thế giới năm 2019.

Cũng chung quan điểm này, Tiến sĩ Đặng Văn Huấn từ Đại học Portland State (Mỹ) cho rằng, nhìn vào mô hình phát triển của Singapore, có thể thấy động lực làm việc và sự tuân thủ luật pháp của công chức là yếu tố mấu chốt. Chỉ có đột phá trong chính sách tiền lương kết hợp với đổi mới trong đánh giá công chức mới giải quyết được bất cập trong xây dựng và thực thi chính sách, từ đó tạo chuyển biến.

 
 
 
 
Kinh nghiệm ‘hóa rồng’ từ phép màu Singapore
Viện Quản lý phát triển (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ công bố bảng xếp hạng thường niên các nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2020. Singapore dẫn đầu lần thứ hai liên tiếp, nhờ đầu tư và thương mại sôi động, nền giáo dục và cơ sở hạ tầng công nghệ vững chắc. Ảnh: AMF

Phát triển nhân lực và đào tạo

Theo phân tích của Tạp chí Tài chính, Singapore đặc biệt coi trọng nhân lực, nhân tài. Nhờ có cơ chế đào tạo, đãi ngộ và điều kiện sống, làm việc tốt, Singapore đã thu hút được rất nhiều hiền tài từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây sống và làm việc. Người dân Singapore được đầu tư học hành đến nơi đến chốn, có thể nhìn thấy điều đó trên những gương mặt trẻ sáng láng, thông minh và lịch lãm.

Có nhiều nguyên nhân làm nên sự thành công của giáo dục Singapore, như phương pháp giáo dục, trình độ giáo viên, các chính sách hỗ trợ, khích lệ của chính phủ… Một nguyên nhân quan trọng là việc đầu tư cho hệ thống cơ sở vật chất, xây dựng môi trường học tập năng động, sáng tạo, đáp ứng khả năng nghiên cứu, thực hành. Các trường học đều được đầu tư bài bản, từ hệ thống lớp học, các phòng chức năng đến các khu vui chơi, phòng trưng bày, phòng nghệ thuật…

Singapore không tiếc công sức để tạo nên một thế hệ "vàng", một nguồn nhân lực có thể tiếp tục đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa. Việt Nam có quan điểm: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội cần có con người xã hội chủ nghĩa”, Singapore cũng có quan điểm tương tự: Con người là nhân tố tạo dựng thế giới, là yếu tố quyết định mọi thành bại. Thủ tướng Diệu đã khẳng định, “ai chiến thắng trong chiến lược về con người, sẽ chiến thắng trong chiến lược về kinh tế”.

 
 
 
 
Kinh nghiệm ‘hóa rồng’ từ phép màu Singapore
Bảng xếp hạng PISA toàn cầu 2018, phản ánh 3 kỹ năng về Toán, Khoa học và Đọc hiểu của học sinh, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra. Singapore xếp vị trí thứ 2 trong số hàng chục quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát. Ảnh: Factmaps

Báo cáo năm 2018 của Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá nguồn nhân lực của Việt Nam chưa sẵn sàng cho thời đại 4.0, xếp thứ 70/100 nước sau Philippines. Cũng do kỹ năng thấp và tính chất của lao động nên nhân lực của Việt Nam dễ bị tổn thương trước những đột phá về công nghệ, bị mất việc và thay thế bởi tự động hóa, người máy thông minh, trí tuệ nhân tạo. Do đó, mô hình phát triển nhân lực của Singapore thực sự rất đáng học hỏi.

Một yếu tố nhỏ, nhưng cũng góp phần quan trọng làm nên thành công trong chiến lược phát triển nhân lực của Singpore là tiếng Anh. Người Singapore giỏi tiếng Anh phần lớn nhờ vào tầm nhìn và chính sách song ngữ của Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông Diệu tin rằng, việc sử dụng tiếng Anh rộng rãi là chìa khóa để xây dựng nền kinh tế và phát triển khả năng cạnh tranh toàn cầu. Từ những năm 1960, giáo dục song ngữ đã được Singapore đưa vào chương trình học bắt buộc.

Theo bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh năm 2019 của Tổ chức giáo dục EF Education First, Singapore đứng thứ năm trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ. Năm 2018, quốc gia này đứng thứ ba, vượt qua Na Uy, Đan Mạch để xếp sau Thụy Điển, Hà Lan.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan