Đôi điều khi xem bộ phim "Ranh giới" - Góc nhìn của Lê Lợi

Ngày đăng: 11:15 12/09/2021 Lượt xem: 636

GÓC NHÌN 

ĐÔI ĐIỀU KHI XEM BỘ PHIM “RANH GIỚI”

TTUT-BsCK1 Lê Lợi.

       Tối 08/9/2021, VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam phát phóng sự “Ranh giới” được quay trực tiếp tại khu cấp cứu đặc biệt dành cho các sản phụ bị mắc virus Wuhan ở Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh).

       Rất nhiều người đã xem và phản hồi đa chiều nhưng phần lớn là thương ngành Y tế bởi “Ranh giới” giúp người ta nhận ra, hiểu hơn là nhân viên y tế vất vả thế nào, phải hi sinh ra sao trong việc khám và điều trị cho bệnh nhân đặc biệt trong đại dịch Sars-Covy 2. Dù vậy, vẫn có ý kiến trái chiều, xin phép được trích dẫn trên Facebook, ví dụ như của Đ.T, nguyên văn “Nói lên dc 1 phần Cv của NVYT tuyến đầu nhưng lại phản khoa học vi phạm vô khuẩn Bv đặc biệt vác máy quay vào tận giường ICU ko chấp nhận dc, ngoài ta vi phạm đạo đức...Một CTrinh tồi tệ!” (Thứ Sáu, 10/9/2021, lúc 06h46).

       Hoặc ngay cả một Bác sĩ có đông người theo dõi trên mạng xã hội cũng cho rằng "không đúng, nên xem lại" bởi những thai phụ mắc COVID-19 đang đau khổ, hoảng sợ thì cần được bảo vệ…

       Một số người xem lo rằng khi phóng viên đưa máy quay vào phòng vô trùng để tác nghiệp là “phản khoa học” tuy nhiên chắc rằng trước khi đưa máy quay vào thì bệnh viện đã yêu cầu khử khuẩn để giữ vô trùng. Nếu không đưa máy quay vào để quay trực tiếp thì làm sao gần trăm triệu người dân Việt ta (có thể có cả lãnh đạo cấp cao nhất) được thấy không khí làm việc căng thẳng, áp lực nặng nề đến từ mọi phía đè nặng lên nhân viên Y tế, những Bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý…trên tuyến đầu chống dịch. Đây là cảnh thật, người thật, việc thật trong bầu không khí hối hả khác hẳn với từ trước đến giờ, chúng ta chỉ được xem những cảnh quay đã được dàn dựng trước theo chỉ đạo để phục vụ tuyên truyền.

       Thế còn việc có người cho rằng không làm mờ mặt nhân vật, là thiếu nhân văn, là vi phạm một số trong số các quyền nhân thân? Chắc là đạo diễn phim cũng chả dại gì để hứng gạch đá từ cộng đồng và từ chính người bệnh cũng như nhân thân của họ. Lưu ý rằng, trong phóng sự cả 4 thai phụ quay cận mặt đều tỉnh táo, nói chuyện với Bác sĩ và hẳn rằng họ mong mỏi những thước phim được phát sóng để góp phần phòng chống dịch Covid. Có thể nói đội ngũ Y, Bác sĩ, ê-kíp làm phim và đặc biệt là những người bệnh cận kề với cái chết thật sự dũng cảm trong “Ranh giới”.

       Có những cảnh quay mà tôi chắc rằng sẽ còn ám ảnh mãi với người xem, đó là lúc Bác sĩ điện thoại cho người nhà thai phụ báo phải phẫu thuật bỏ thai nhi mới 21 tuần để cứu người mẹ. Những khuôn mặt buồn bã, tiếc nuối, thẫn thờ, thất vọng và mỏi mệt của các thầy thuốc khi cảnh cô gái chết với bảng đo nhịp thở, huyết áp tụt xuống con số 0. Không thất vọng và tiếc nuối làm sao được khi mà đội ngũ Y tế thiếu cả phương tiện, dụng cụ thiết yếu, thiếu thuốc và vật tư y tế, thiếu cả nhân lực. Tính đến 1/9/2021, Bệnh viện Hùng Vương có 125 nhân viên Y tế nhiễm dịch. Tổ quản trị 12 người đã có 10 người phơi nhiễm, nhưng vẫn cố hoàn thành nhiệm vụ. Bác sĩ, điều dưỡng nhiễm bệnh, chỉ sau ba tuần điều trị và cách ly, họ đã trở lại vị trí của họ tiếp tục làm nhiệm vụ…

       Theo thống kê, khu K1 là tầng 4 trong thang điều trị 5 tầng (nơi thực hiện phóng sự) thì từ 30/5/2021 đến 1/9/2021, tiếp nhận 861 bệnh nhân, có 5 người tử vong, 57 người phải chuyển sang “tầng 5” (chăm sóc đặc biệt) do tình trạng nguy kịch còn lại 804 sản phụ vẫn “mẹ tròn, con vuông”, đây quả thật là kỳ tích của đội ngũ Y Bác sĩ, họ đã vượt qua mọi khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua trong việc giành lại sự sống cho những người sản phụ bị nhiễm Sars-Covy 2.

       Cũng theo thống kê hiện đã có hơn 2.000 nhân viên Y tế bị lây nhiễm COVID-19, ba người đã tử vong.

       Tại TP Hồ Chí Minh, nhân viên Y tế liên tục phải làm việc từ 8-10 tiếng/ngày và không có khoảng thời gian nào trống để tạm nghỉ ngơi, không ít người phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày! Tại các phòng hồi sức cấp cứu, nhân viên Y tế phải làm với công suất gấp từ 4-5 lần khoa khác, có nghĩa là cường độ làm việc như 24 giờ/ngày. Trung bình mỗi nhân viên Y tế phải phục vụ từ 140-150 bệnh nhân nhiễm COVID-19/người. Về chuyện ăn, uống thì các suất ăn là 120.000 đồng/ngày nhưng trên FB lan truyền những hình ảnh suất cơm hộp không có mấy thức ăn và không dễ ăn! Có nơi còn để nhân viên Y tế ăn suất ăn thiện nguyện. Có việc cần ra ngoài nhân viên Y tế còn bị lực lượng chốt chặn bên ngoài bệnh viện hoạch họe, khám xét cứ như là sợ họ chứa con virus corona trong túi mang ra ngoài phát tán?


Mẹ ơi về với con đi... (Ảnh minh họa)

       Vậy, lực lượng nào có nguy cơ nhiễm cao nhất?

       Cách đây mấy ngày, một bài viết trên FB của nhà báo NNP, một cây viết có nhiều người theo dõi có tiêu đề “Thấy gì qua con số này? 6 tháng 9 lúc 08:32. Ông cho rằng “Hơn 2000 cán bộ chiến sĩ Công an bị FO, 10 sĩ quan đã hy sinh vì con Cô-vít, đã hàng chục cán bộ CA bị thương vì những đối tượng chống người thi hành công vụ...lực lượng CA là sát dân nhất, gần dân nhất, và luôn phải có mặt ở những nơi nóng nhất, nguy cơ nhiễm cao nhất... cho nên tỷ lệ cán bộ chiến sĩ CA bị nhiễm có lẽ cũng cao nhất so với các lực lượng khác”. (Trích nguyên văn).

       Không cần bàn luận nhiều, có lẽ sau khi xem “Ranh giới” thì mọi người đã hiểu và nhận ra, nhân viên Y tế vất vả thế nào, phải hi sinh ra sao. Y, Bác sĩ cũng là con người, họ cũng có gia đình riêng, họ cũng muốn việc nhàn hạ mà thu nhập cao để lo cho bản thân và gia đình, họ cũng muốn ở tuyến sau để mà không bị nhiễm bệnh. Vậy mà chế độ đãi ngộ của ngành Y bao nhiêu năm nay vẫn ở tốp cuối. Thử so sánh thế này, cùng học đại học trong khi phần lớn chỉ học 4 năm thì muốn có bằng Bác sĩ phải 6 năm, nếu được tuyển dụng thì bậc lương khởi điểm như nhau, là 2,34 (bậc 1). Nhưng ngành Y lại có đặc thù của nó. Muốn được nhận vào làm phải học tiếp ít nhất 6-10 tháng gọi là chuyên khoa sơ bộ hoặc định hướng, sau đó phải học chuyên khoa 1 thêm hai năm nữa, chuyên khoa 2 thêm 2-3 năm mới làm tốt công việc, hoặc học thêm hai năm Thạc sĩ, 3-4 năm Tiến sĩ…Đối tượng của Bác sĩ cũng đặc biệt, đó là con người. Khám, điều trị khỏi bệnh 999 người ít được khen mà mọi người sẽ nói: đấy là việc của Bác sĩ phải làm thế nhưng nếu sa sẩy 1 trường hợp có thể phải vào tù…Vậy mà nói về chính sách đãi ngộ cho ngành Y, lời phát biểu của vị đại biểu Quốc hội, Gs Đào Trọng Thi “Bác sỹ không phải là thiên tài mà đòi hỏi đãi ngộ đặc biệt” cách đây ít năm như gáo nước lạnh dội vào nhân viên Y tế…

       Là người trong nghề, tôi cho rằng, thực tế ở khu K1, bệnh viện Hùng Vương và ở hầu hết các cơ sở Y tế của chúng ta còn khốc liệt hơn thế bởi sự thiếu thốn cả vật tư trang thiết bị Y tế và cả nhân lực ngành Y mà chưa thể hoặc không thể đưa vào những thước phim đến được người xem. Chúng ta mới chỉ xem được phần nổi của tảng băng trôi mà thôi.

       Bộ phim còn đặc biệt ở chỗ, không có lời bình như thường thấy ở các bộ phim khác mà chỉ có tiếng nhân viên Y tế hối hả và gấp gáp trao đổi trong những phút chạy đua giành lại sự sống. Monitor, máy đo nhịp tim, huyết áp, tiếng chuông báo động… hình ảnh người bệnh dần tới phút xa rời bỏ sự sống trong không gian căng thẳng, bức bối đến nghẹt thở. Và hình ảnh cuối là nụ cười của một nữ bệnh nhân khi ước mong được về gặp chồng con cùng với đó là cảnh chiếc xe đẩy hai đứa bé sinh đôi làm chúng ta tin vào ngày mai tươi sáng.

       Gần 40 năm trước, vào năm 1982 bộ phim tài liệu xuất sắc “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy người Nam Định ra đời nhưng bị cấm chiếu đến tận năm 1987 mới được chiếu rộng rãi nhờ sự can thiệp của những người lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước. Bộ phim như quả bom, mở đầu cho thời kỳ “đổi mới” của Việt Nam. Sau gần 40 năm, tôi tin rằng phim tài liệu “Ranh Giới” của đạo diễn Tạ Quỳnh Tư sẽ tiếp nối “Hà Nội trong mắt ai” để lại nhiều ám ảnh cho người xem bởi đưa được hình ảnh chân thực nhân viên Y tế ở ranh giới của sự chịu đựng, ranh giới của sự cố gắng tột cùng, ranh giới của sự chia ly và ranh giới của sinh tử ở thời điểm cả thế giới đang vật lộn với đại dịch Sars-Covy2.

       Năm 2003 có 6 nhân viên y tế ở bệnh viện Việt-Pháp (4 Y, Bác sĩ người Việt và 2 Bác sĩ người Pháp) tử vong, đây là những người trực tiếp tiếp xúc, khám và điều trị cho các bệnh nhân trong đại dịch Sars. Từ 2020 đến nay, đã có rất nhiều nhân viên Y tế bị nhiễm virus Wuhan, có người ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ. Và còn hàng trăm ngàn nhân viên Y tế ở các cơ sở điều trị đang ngày đêm trực tiếp tiếp xúc với người bệnh để khám, điều trị cho họ, nhằm giảm thiểu thấp nhất tử vong do Sars-Covy2. Có thể khẳng định, họ-nhân viên Y tế dám chết cho nhân loại được sống.

       Ps: Viết đến đây nhận được thông tin từ người đồng nghiệp ở TP.HCM qua FB, xin được coppy nguyên văn và chia sẻ:

       Huỳnh Thu Sang

        “Lại 1 đồng nghiệp nữa của mình đã ra đi vì Covid, anh ấy cùng tên mình (BS Võ Nguyên Trường Sang) chỉ hơn mình 2 tuổi thôi, 1 người Bs vui nhộn hoà đồng, lúc mình nhảy múa anh ấy cũng nhiệt tình ra nhảy chung và cũng chụp cho mình nhiều ảnh lắm, giờ anh đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 60 vẫn đang ngời ngời sức sống. Bs tự điều trị tại nhà, diễn biến nhanh quá, gọi nhờ đồng nghiệp không được, anh tự chạy xe máy đến sân Bv thì ngã gục, đơn thuốc anh tự đặt mua bên dưới. Anh để lại cho gia đình bạn bè và người ở lại những giọt nước mắt buồn đau, cầu mong anh siêu thoát”.
 

Lê Lợi
Hội viên Tường Sơn Sư đoàn 968
Hội viên Hội VHNT Trường Sơn VN

 


tin tức liên quan