Cần nghiêm cấm những bộ phim cổ súy hành vi vi phạm pháp luật
Nguồn: Báo Điện tử Công An Nhân Dân
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới đề cập tình trạng, một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật, vô hình chung làm cho người xem nhận thức sai, có thể bắt chước, làm theo.
Sáng 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Vấn đề phổ biến phim trên không gian mạng (Điều 21) thu hút sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu, trong đó Cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án quản lý hình thức phổ biến phim trên không gian mạng: Phương án 1 là hậu kiểm và Phương án 2 là tiền kiểm.
Theo đó, phương án 1 quy định nhà phát hành, phổ biến phim thực hiện theo các quy định về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh và phân loại phim để tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại, cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.
"Đây là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý, tăng cường hội nhập quốc tế, thương mại điện tử xuyên biên giới", Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Tuy nhiên, Ban soạn thảo cũng nhận định, phương án này tạo ra sự phân biệt, thiếu công bằng giữa các phương thức phổ biến phim. Việc tự kiểm cũng tạo nên nguy cơ trong việc để lọt các sản phẩm phản ánh sai trái lịch sử, nội dung bạo lực, sử dụng ma túy, khiêu dâm, xâm hại trẻ em… gây nên hậu quả tiêu cực trong đời sống văn hóa - xã hội, khó xử lý kịp thời, triệt để.
Đối với phương án 2, dự thảo Luật quy định chỉ được phổ biến phim trên không gian mạng khi có giấy phép phân loại phim do Bộ VHTT&DL, UBND cấp tỉnh cấp hoặc quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Đối với phim chưa được cấp phép phải được phân loại trước khi phổ biến trên không gian mạng.
"Việc thẩm định, phân loại phim trên không gian mạng trước khi phổ biến sẽ bảo đảm kiểm soát nội dung phim và công bằng với phổ biến phim tại rạp và trên truyền hình. Tuy nhiên, với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng lý giải, đa số thành viên Chính phủ và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất phương án 1.
Thẩm tra dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban đề xuất phương án 3: kết hợp hậu kiểm và tiền kiểm một cách hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, và phải phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước. Do đó, Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục đề nghị trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội 3 phương án.
Thảo luận tại phiên họp về nội dung này, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới đề nghị cần quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, chịu trách nhiệm về bộ phim đó, nhất là những vấn đề liên quan đến QPAN, đến vấn đề nhạy cảm liên quan đến trẻ em, tôn giáo, dân tộc. Về Điều 9, tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp điện ảnh là vấn đề mới, cần đánh giá rõ hơn về tác động và sự cần thiết của quy định này, vì đây là vấn đề có liên quan đến hội nghề nghiệp, liên quan an ninh, trật tự của đất nước.
Liên quan Điều 11, nội dung và hành vi nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh, Chủ nhiệm UBQPAN đề cập tình trạng hiện nay một số bộ phim có tình tiết cổ súy cho hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ hành vi phạm tội nhưng không bị xử lý, lối sống ích kỷ; một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về "sự tự diễn biến", "tự chuyển hóa", vô hình chung làm cho người xem nhận thức sai, có thể bắt chước, làm theo. Ông lấy ví dụ, cách đây một thời gian VTV1 chiếu phim "Người phán xử" trong giờ vàng, sau đó tình hình các băng, ổ nhóm xã hội đen xảy ra rất nhiều...
Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, hậu kiểm là phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế, tuy nhiên trong một số trường hợp nếu chỉ áp dụng phương án hậu kiểm có thể xảy ra nguy cơ bỏ lọt các bộ phim ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, QPAN, đối ngoại. Do đó, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích rõ các ưu, nhược điẻm của tiền kiểm, hậu kiểm, trình xin ý kiến đại biểu Quốc hội, và chỉ nên trình 1 phương án.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp, phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, gửi tài liệu đúng quy định để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai.
( C. H sưu tầm)