Trong điện thoại của tôi vài tháng nay thêm nhiều nhóm chat. Một nhóm tôi được đưa vào của các doanh nghiệp có phân xưởng tại Long An. Câu hỏi thường xuyên đặt ra là làm sao để có giấy xét nghiệm cho công nhân từ TP HCM có thể về Long An làm việc.
Tôi hỏi kỹ hơn, ngoài việc phải khai báo y tế, có giấy chứng nhận công tác, người lao động còn phải xuất trình giấy xét nghiệm 'âm tính' hàng ngày để qua các chốt giữa hai thành phố. Yêu cầu này khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, phải hỗ trợ chi phí cho công nhân làm xét nghiệm, mất rất nhiều thời gian hàng ngày khi họ phải đợi xét nghiệm và qua những chốt chặn.
Nhưng quan trọng nhất là doanh nghiệp mất nguồn lao động, khoảng 50% nhân công của họ từ TP HCM do không làm được xét nghiệm nên không thể đến xưởng. Nhiều doanh nghiệp đành phải nghỉ vì không thể thực hiện các yêu cầu trong đó có xét nghiệm liên tục hai lần mỗi tuần.
Công ty của bạn tôi vừa khai trương tại Long An đầu năm, suốt ba tháng nay không làm gì được vì nhân công đòi nghỉ gần hết. "Hai, ba ngày ngoáy mũi một lần, giờ con sưng lỗ mũi hết rồi, không đi làm được sếp ơi" có người nói. Chị còn sợ các công xưởng tại TP HCM sẽ thu hút hết nhân công, vì nếu họ xin vào khu công nghiệp tại TP HCM thì không phải xét nghiệm hàng tuần để đi Long An.
Quy định mới nhất đang là, công nhân, công chức, chuyên gia, người đi khám bệnh từ các tỉnh đến TP HCM và ngược lại phải đáp ứng điều kiện: đã tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày hoặc đã khỏi Covid-19; kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV còn hiệu lực trong 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.
Các doanh nghiệp kể với tôi, người của họ hầu hết đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, nhưng cán bộ chấp pháp tại địa phương nhất quyết: "Hoặc anh có giấy hoặc không đi. Giấy này sẽ đảm bảo cho tỉnh tôi không có người nhiễm Covid".
Điều ấy có thực sự đạt được không? Tôi xin nêu ra vài khía cạnh.
Quy định yêu cầu dù đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi Covid-19 vẫn cần giấy thông hành xét nghiệm Covid -19 âm tính trong 72 giờ. Ta đều biết rằng, mẫu xét nghiệm nào cũng chỉ có giá trị tại thời điểm lấy mẫu. Việc xét nghiệm âm tính hôm nay chưa chắc ngày mai chúng ta thử lại vẫn âm tính. Ví dụ, hôm nay tôi tiếp xúc với F0, nếu tôi bị nhiễm virus thì khả năng dương tính được xác định vào khoảng từ ngày ba đến bảy ngày sau khi tiếp xúc. Nhưng vấn đề là không thể biết được người đang di chuyển đã tiếp xúc với F0 vào ngày nào. Do đó, khi người di chuyển nộp giấy xét nghiệm cách đó 72 giờ, rõ ràng không loại trừ được khả năng người đó âm tính với Covid-19 vào thời điểm họ đi vào tỉnh, và rõ ràng cũng không xác định được họ vẫn tiếp tục âm tính sau đó.
Ngoài ra, không phải có kết quả xét nghiệm âm tính nghĩa là người đó âm tính. Độ nhạy, độ chuyên của xét nghiệm test nhanh kháng nguyên chỉ trung bình tầm 80%. Vẫn có 20% dương tính giả hoặc âm tính giả, do đó vẫn có những trường hợp âm tính nhưng có thể có dương. Cách lấy mẫu không đúng cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, có thể cho âm tính giả nếu lấy mẫu sai, nhất là trong những trường hợp lấy mẫu cho quá đông người trong một thời gian ngắn như nhiều nơi đang làm.
Lợi điểm của xét nghiệm như vậy chưa rõ ràng, nhưng nguy cơ lại khá nhiều. Ngoài việc gây phiền hà và tốn kém cho người lao động, khả năng lây nhiễm virus do phải lấy mẫu xét nghiệm rất cao.
Bình thường Sars Cov 2 chủ yếu lây qua giọt bắn và tiếp xúc gần, nhưng thao tác lấy mẫu xét nghiệm giúp cho virus có thể phát tán trong không khí, tạo nguy cơ cho những người đến lấy mẫu ngay cả khi đảm bảo khoảng cách hai mét. Nếu một người bị nhiễm trong khu vực lấy mẫu rất có khả năng lây lan cho những người xung quanh nhanh chóng.
Ngoài ra, áp lực phải lấy mẫu quá nhiều trong thời gian ngắn nên nhân viên lấy mẫu không thể tuân thủ đúng việc thay găng, rửa tay giữa mỗi lần lấy mẫu. Theo đúng quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, mỗi nhân viên y tế khi lấy mẫu phải mang găng và sau đó tháo găng, rửa tay trước khi chuyển qua lấy mẫu cho người kế tiếp. Tuy nhiên, đa phần các điểm xét nghiệm đều không thể thực hiện được yêu cầu này. Do đó, nguy cơ lây nhiễm cho người đến lấy mẫu hàng tuần hay mỗi ba ngày rất cao.
Có ý kiến cho rằng người tiêm vaccine rồi vẫn có khả năng nhiễm Covid-19 và lây cho người khác, nên tiêm rồi vẫn cần giấy xác nhận 'âm tính'. Khả năng bảo vệ của vaccine cao nhất chỉ khoảng 80%, nghĩa là có xác suất đã chích ngừa vẫn bị nhiễm. Tuy nhiên, nghiên cứu tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và các nghiên cứu quốc tế khác trên người đã chích ngừa hai mũi cho thấy tải lượng virus của những người này rất thấp, gần như không có khả năng lây nhiễm.
Mỗi giai đoạn dịch phải có một chiến thuật khác nhau, dù chiến thuật nào, cần chọn phương án hiệu quả và ít tốn kém cho dân nhất. Tôi hy vọng chúng ta sẽ tinh gọn chiến lược chống Covid bằng mục tiêu phủ vaccine càng nhanh, càng nhiều càng tốt. Nguồn vaccine đang về dồi dào hơn, nếu quyết liệt, sẽ sớm thôi để Việt Nam đạt được đa số dân được tiêm mũi một vaccine.
Chính quyền cũng làm sao để quản lý tốt người tiêm vaccine, F0 đã khỏi để cấp giấy đủ chứng nhận cho họ. Vì đến nay, vẫn còn rất nhiều người đã tiêm đủ nhưng trên hệ thống không cập nhật, nhiều ca nhiễm Covid đã khỏi nhưng không được xác nhận.
Riêng với giấy thông hành xét nghiệm 'âm tính', như đã phân tích, chỉ làm tăng thêm gánh nặng kinh tế, tăng nguy cơ lây nhiễm cho người có nhu cầu phải đi lại. Theo tôi, đây là lúc cả nước dần sử dụng chứng nhận tiêm vaccine như một giấy thông hành mới.
Lê Thị Anh Thư
(PS st theo VnExpress)