Họ thần tượng ông, gọi ông bằng "thầy Park", cách gọi của những cầu thủ Đội tuyển Quốc gia. Tại mỗi mốc kỷ niệm hoặc một thành tích nào đó của đội tuyển do ông Park dẫn dắt, người hâm mộ lại có xu hướng bàn về chiến thuật hay về một thứ triết lý bóng đá đã giúp ông thành công và được yêu mến đến vậy.
Nếu muốn nói đến triết lý bóng đá, cần minh định hai loại khác nhau. Thứ nhất là triết lý chơi bóng đá và thứ hai là triết lý làm bóng đá. Thường thì triết lý làm bóng đá mang tính phổ quát, và nó phục vụ cho triết lý chơi bóng. Tuy vậy, triết lý chơi bóng đá lại thường được đặt ra bởi chủ thể làm bóng đá, ví như chủ tịch một CLB hay chủ tịch một liên đoàn. Các chủ thể này muốn đội bóng đại diện cho mình chơi theo cách nào, họ sẽ đặt hàng một HLV hoặc tìm kiếm HLV có triết lý tương đồng. Số ít vẫn có những chủ thể không định hình triết lý chơi bóng và phó mặc toàn bộ cho HLV, miễn sao hiệu quả.
Triết lý bóng đá của Đội tuyển Việt Nam qua ông Park Hang-seo thể hiện ngay trong cách chơi ở cả sân khu vực lẫn châu lục. Đó là chơi phòng ngự phản công, dựa trên sự chắc chắn của hàng phòng ngự và sự tinh tế, khôn ngoan của các tiền vệ. Gần như 100% người hâm mộ nhận ra diện mạo này. Nó được duy trì chắc chắn, bền bỉ, ổn định bởi ông Park cùng một thế hệ tuyển thủ trẻ trung suốt bốn năm rồi.
Còn triết lý làm bóng đá của Việt Nam là gì? Đây là câu hỏi không ai trả lời được hoặc nếu trả lời được họ cũng không nói. Những người làm nghề bình luận, phân tích bóng đá lâu năm cũng chỉ có thể đoán ra triết lý làm bóng đá ở Việt Nam là gì thông qua tổng kết những sự việc, hiện tượng họ nhìn thấy mà thôi. Họ không dám quả quyết. Vì giới bóng đá Việt Nam không có triết lý. Khi họ không tuyên ngôn về một triết lý thì càng đồng nghĩa rằng không có một triết lý nào được thừa nhận cả.
Cách đây 9 năm, trong một lần trò chuyện với HLV trưởng ĐTQG Pháp, ông Diddier Deschamps, tại trụ sở của LĐBĐ Pháp, tôi được ông chia sẻ quan điểm dựa trên một sự kiện của làng bóng đá Pháp. Đại ý, ông nói rằng tuyển thủ của ông không chỉ là một nhà thể thao chuyên nghiệp, chất lượng mà còn phải là tấm gương cho thế hệ thanh niên Pháp cùng thời. Tôi nhận ra, đó chính là một dạng triết lý của những người làm bóng đá Pháp. Và khi liên tưởng tới biệt danh "Black, Blanc & Beur" của họ, tôi càng nhận thấy triết lý của bóng đá Pháp rất rõ ràng. Black: Đen, ám chỉ những người gốc Phi. Blanc: Trắng, những người châu Âu bản địa. Beur: Màu bơ, ám chỉ những người gốc bắc Phi từ các quốc gia thuộc địa cũ của nước Pháp. Họ cấu thành không chỉ ĐTQG Pháp mà cả một xã hội Pháp đương đại.
So sánh triết lý bóng đá Việt Nam với nền bóng đá Pháp là một sự khập khiễng. Họ là người mang bóng đá sang Việt Nam. Họ có nền tảng kinh tế, xã hội khác hẳn Việt Nam. Văn hoá của họ khác hẳn với văn hoá của ta.
Nhưng kể chuyện ấy ra cũng chỉ để muốn xác định một quan điểm. Đó là không chỉ bóng đá mà trong cả ngàn vạn ngành nghề khác, khi một triết lý được đặt ra, nó chính là phản chiếu rất chính xác của diện mạo xã hội ấy. Và nếu hệ thống lại những gì xảy ra trong làng bóng đá Việt Nam, có thể nói rằng "không một triết lý nào được tuyên ngôn nhưng trong cách làm của những người quản lý bóng đá hiện nay, có những triết lý rất rõ rệt đã được thể hiện và phóng chiếu chính những gì đang là tập quán của xã hội Việt đương đại".
Đó là triết lý thời vụ, triết lý vị thành tích. Mục tiêu quyết thắng một trận cầu, một giải đấu to hơn bất kỳ mục tiêu lâu dài nào khác. Hãy thử nhìn vào Nguyễn Quang Hải. Khi đã là trụ cột của ĐTQG, cậu vẫn bị triệu tập cho U23 để phục vụ mục đích đoạt bằng được tấm HCV SEA Games. Và kết cục là Hải có một năm phải đá hơn 60 trận chính thức, con số mà những danh thủ hàng đầu thế giới cũng hiếm khi đạt tới.
Ở các nền bóng đá khác, cực kỳ hiếm trường hợp đưa một cầu thủ trụ cột ở hệ ĐTQG xuống đá phục vụ một giải U (giải trẻ), trừ phi đó là Olympic. Họ làm thế là vì hai việc: đầu tiên, không vắt kiệt sức các cầu thủ trụ cột; thứ hai, tạo không gian phát triển cho thế hệ kế cận. Chỉ khi nào cả quốc gia không kiếm đủ nhân lực dàn trải nhiều cấp độ đội tuyển thì mới có sự tận dụng (nhưng khéo léo) nhân sự ở đội tuyển chính cho tuyến dưới.
Còn ở Việt Nam, dù rằng tình hình đào tạo bóng đá trẻ vẫn khá èo uột nhưng nhân sự cho các tuyến đội tuyển là không thiếu. Nhưng sự ám ảnh thành tích đã khiến lứa tuyển thủ tốt bị tận dụng triệt để. Từ đó, nảy sinh cách làm bóng đá theo "triết lý tận dụng, triết lý cơ hội, triết lý vị thành tích, triết lý thời vụ" đầy manh mún.
Sự ám ảnh về thành tích, thành quả ngắn hạn ấy có thể sinh ra nhiều hệ luỵ. Chẳng hạn như chủ nghĩa công thần. Người Việt thích "du di cho người có công". Theo tôi sai là sai, đúng là đúng, không thể vì có công mà có quyền sai. Chính tư duy này làm gãy đổ mọi hành vi phản biện tích cực và tâm huyết dành cho bóng đá Việt Nam.
Vì vậy, sau bốn năm ông Park có mặt, ngoài thành tích bề nổi chúng ta đã thấy, sâu bên trong, triết lý của nền bóng đá Việt Nam vẫn vậy.
Dẫu thế, tôi cho rằng, phải cảm ơn ông Park vì trong bốn năm gắn bó ông mang lại quá nhiều điều tích cực, thăng hoa cho bóng đá Việt Nam. Cảm giác thăng hoa nhờ ông mà có đã truyền cảm hứng cho những người yêu bóng đá chân chính bật ra câu hỏi và mong muốn được trả lời thấu đáo: Triết lý đúng đắn cho bóng đá Việt Nam là gì?
Hà Quang Minh
(PS st theo VnExpress)