Ba nước có lượng khí phát thải lớn nhất thế giới cam kết chống biến đổi khí hậu

Ngày đăng: 09:15 02/11/2021 Lượt xem: 197

Ba nước có lượng khí phát thải lớn nhất thế giới cam kết chống biến đổi khí hậu

                                                                    Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới

Ba nước có lượng khí phát thải gây ô nhiễm môi trường lớn nhất thế giới là Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã có các cam kết mạnh mẽ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu tại COP26.


 

Tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ngày 1/11 tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh), Mỹ và Trung Quốc, Ấn Độ đã có những cam kết thể hiện quyết tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

COP26 được kỳ vọng là cơ hội sau cùng để các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, tìm cách thúc đẩy các nỗ lực nhằm không chế mức tăng nhiệt toàn cầu ở hơn 1,5 độ C trong thế kỷ này so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ba nước có lượng khí phát thải lớn nhất thế giới cam kết chống biến đổi khí hậu
Một cuộc biểu tình kêu gọi hành động để chống biến đổi khí hậu trước thềm COP26 tại Dusseldorf, Đức. Ảnh: BBC

Mỹ thể hiện quyết tâm đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, đây sẽ là thập kỷ mang tính quyết định trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Do đó, hội nghị tại Glasgow lần này chính là thời điểm kích hoạt thập kỷ tham vọng những mục tiêu về giảm khí phát thải.

Ba nước có lượng khí phát thải lớn nhất thế giới cam kết chống biến đổi khí hậu
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại COP26. Ảnh: CNN

Tổng thống Biden khẳng định, Mỹ sẽ không tụt hậu trong cuộc chiến này mà sẽ thể hiện vai trò dẫn dắt và những cam kết khí hậu không chỉ dừng ở lời nói mà được thể hiện bằng hành động. Theo đó, tới năm 2030, Mỹ sẽ hoàn thành mục tiêu giảm từ 50 đến 52% lượng khí phát thải so với năm 2005.

Quốc gia này cũng sẽ có thêm nhiều hành động để hỗ trợ các nước đang phát triển thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh.

Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn

Không tham dự hội nghị, song Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã gửi bài phát biểu kêu gọi tất cả các bên có hành động mạnh mẽ hơn để cùng giải quyết thách thức khí hậu.

Ông kêu gọi các nước phát triển không chỉ cần làm nhiều hơn nữa trong công cuộc chống biến đổi khí hậu, mà còn hỗ trợ các quốc gia đang phát triển trong cuộc chiến này.

Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định, quốc gia này đã có chiến lược tăng cường phát triển trong lĩnh vực năng lượng xanh, quy hoạch xây dựng các trang trại gió quy mô lớn và các dự án quang điện, trong nỗ lực giảm khí phát thải.

Ấn Độ đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2070

Phát biểu tại COP26, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đưa ra 5 cam kết. Trong đó, cam kết đầu tiên là đến năm 2070, Ấn Độ sẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Ba nước có lượng khí phát thải lớn nhất thế giới cam kết chống biến đổi khí hậu
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: CNN

Ấn Độ là quốc gia phát thải carbon lớn cuối cùng trên thế giới công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Trung Quốc tuyên bố sẽ đạt được mục tiêu này vào năm 2060 và Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) là năm 2050.

Các cam kết còn lại được ông Modi đưa ra là Ấn Độ sẽ nâng mục tiêu đến năm 2030 đạt công suất lắp đặt "năng lượng không hóa thạch" - chủ yếu là năng lượng mặt trời - từ 450 lên 500 gigawatt; 50% nhu cầu năng lượng của nước này sẽ được đáp ứng nhờ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030; Ấn Độ sẽ giảm tổng lượng phát thải carbon dự kiến một tỷ tấn từ nay đến năm 2030; đến năm 2030 Ấn Độ sẽ giảm 45% cường độ carbon của nền kinh tế (mục tiêu trước đó là 35%).

Tuy nhiên, ông Modi nhấn mạnh các cam kết cắt giảm khí thải từ Ấn Độ và các quốc gia đang phát triển khác sẽ đòi hỏi nguồn tài chính từ các nước phát thải lâu đời và giàu có.

Hiện Ấn Độ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ ba thế giới sau Trung Quốc và Mỹ. Theo các nhà khoa học, thế giới phải giảm một nửa lượng phát thải toàn cầu vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu.

( C. H sưu tầm)

 


tin tức liên quan