Bộ trưởng Lao động truy, TPHCM 400.000 người mất việc, sao hỗ trợ chỉ 200?
Bộ trưởng Lao động truy, TPHCM 400.000 người mất việc, sao hỗ trợ chỉ 200?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu câu hỏi đó khi chủ trì cuộc họp với các địa phương trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động sáng 3/11.
Lao động ngoại tỉnh về quê nằm ở đâu?
Trao đổi với đầu cầu TPHCM, Bộ trưởng yêu cầu đại diện Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất thông tin cụ thể về mức độ phục hồi sản xuất, thực trạng thiếu hụt lao động tại khu vực này.
Thông tin báo cáo cho thấy, tính tới 30/10, có hơn 1.300 trên tổng số 1.400 doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố đã có thông báo phục hồi sản xuất với hơn 216.000 người lao động đăng ký hoạt động trở lại, đạt 75% so với thời điểm trước dịch Covid-19. Theo đánh giá của vị đại diện Ban quản lý, do các DN vẫn đang phải thích ứng từng bước theo bộ tiêu chí sản xuất an toàn của TPHCM, các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa trở lại sản xuất 100% mà phổ biến mới đạt 50-70%. Thành phố cũng hết sức thận trọng với việc chấp nhận DN đăng ký sản xuất trở lại nên chưa đánh giá được cụ thể mức độ phục hồi hoạt động.
Về tình hình lao động, vị này khái quát, số lao động làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố về quê không cao, chỉ chiếm khoảng 11% tổng số lao động. Trở ngại lớn nhất chỉ là trong thời gian giãn cách, lao động ở các tỉnh lân cận TPHCM như Long An không thể qua lại, đi làm được, số lượng tới 23.000 người. Sau thời điểm TPHCM mở cửa, lưu thông, hầu hết số lao động này đã trở lại. Con số lao động về quê ở miền Bắc chỉ khoảng 1.300 người, miền Trung là 3.500 người. Với số lao động này, dù đã kêu gọi, bố trí xe đón trở lại nhưng số đăng ký chưa nhiều.
Kết luận đưa ra, hầu hết DN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đều chăm lo khá tốt để giữ chân người lao động. Qua 4 tháng giãn cách tại TPHCM, hầu hết các DN hoặc vẫn giữ nguyên mức lương cơ bản với công nhân không thể đi làm hoặc hỗ trợ tiền ăn 100.000 đồng/người/ngày.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị đại diện công ty Pouyuen (đóng tại quận Bình Tân) thông tin cụ thể về tình hình doanh nghiệp. Các con số đại diện doanh nghiệp đưa cơ bản tương thích với báo cáo của đại diện Ban quản lý khu công nghiệp. Cụ thể, tại công ty này, tháng 4/2021 có khoảng 56.000 người lao động, đến tháng 8, số lượng giảm khoảng 1.500 người. Số giảm không cao nên DN tuyển lại được ngay. Sau 1 tháng TPHCM mở cửa trở lại, số lao động hoạt động lại đã đạt 75-80%.
Khó khăn với DN là số lao động từ Long An hàng ngày đi lại, làm việc ở TPHCM khá lớn, khoảng 11.000 người mà việc đưa đón chưa vận hành lại được. Hôm nay, 3/11 là ngày đầu tiên xe đưa đón công nhân ở Long An được cấp phép chạy lại, DN đang cố gắng sắp xếp để đón số người lao động này trở lại làm việc.
Thực tế, theo đại diện Pouyuen, doanh nghiệp chưa ghi nhận đánh giá nghiêm trọng về việc thiếu hụt lao động. Tới đây, thêm số lao động tại Tiền Giang, Bến Tre… trở lại thì việc khôi phục hoàn toàn sản xuất của DN khá khả quan.
"Tôi rất nghi ngờ con số này"
Từ những con số cụ thể đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mới trao đổi với lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM. Phó Giám đốc Sở Trần Ngọc Sơn báo cáo con số đồng nhất về số DN tại các khu công nghiệp, khu chế xuất sản xuất lại. Về tình hình lao động, ông thông tin, thời điểm tháng 6/2021, thành phố có 2,3 triệu người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, đến tháng 8, số đóng bảo hiểm chỉ còn 1,9 triệu người, giảm hơn 414.000 người.
Bộ trưởng Dung hỏi lại ngay: "Số người đóng bảo hiểm giảm lớn thế chính là số có quan hệ lao động nhưng sao thống kê về chính sách hỗ trợ người phải chấm dứt hợp đồng lao động do dịch chỉ ở mức 197 người, số lao động nghỉ việc vỏn vẹn… 1 người? Số tiền cho các doanh nghiệp vay trả lương người lao động cũng chỉ đạt 38 tỷ đồng. Tôi rất nghi ngờ con số này".
Lúng túng, vị Phó Giám đốc Sở xin thêm thời gian để kiểm tra, giải trình với Bộ trưởng về những con số chênh lệch này. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung hạn định, đến đầu giờ buổi làm việc chiều, Sở Lao động TPHCM cần có câu trả lời cụ thể về vấn đề này.
Chốt lại nhận định về tình hình tại thành phố lớn nhất cả nước, đại diện các cơ quan của TPHCM và người đứng đầu Bộ Lao động kết luận, có hiện tượng thiếu lao động cục bộ tại thành phố sau dịch Covid-19 nhưng tình trạng không trầm trọng. Lực lượng lao động tại khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), DN trong khu công nghiệp, khu chế xuất không biến động lớn. Số lao động ngoại tỉnh về quê hầu hết rơi vào nhóm lao động tự do, nằm ngoài 2 khu vực sản xuất cơ bản nói trên.
( C. H sưu tầm)