Có nên sớm mở cửa lại trường học?
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Hà Nội và TPHCM đã nới lỏng nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, tuy vậy, việc mở cửa lại trường học vẫn còn nhiều lo ngại.
Một số trường đại học tại TPHCM từng bước thận trọng đón một phần sinh viên đến trường học trực tiếp, trong khi đó trường học tại Hà Nội vẫn còn e dè hơn.
Tại TPHCM, một số trường đại học đã mở cửa đón sinh viên năm cuối, sinh viên các lớp thực hành đến trường học tập. Trong tháng 11, nhiều trường tính toán sẽ dần mở rộng đối tượng đến trường trên tinh thần thận trọng.
Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TPHCM là trường đầu tiên tại TPHCM cho phép sinh viên quay trở lại trường từ 21.10. Sinh viên đã được tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 sẽ được phép vào trường để học tại thư viện, phòng thực hành và làm việc với Phòng Đào tạo, Phòng Công tác Sinh viên. Các học phần của trường vẫn đang được triển khai bằng hình thức trực tuyến.
Tương tự, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng cho sinh viên cần hoàn thành học phần thực hành, đồ án để tốt nghiệp đến học trực tiếp hồi cuối tháng 10. ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của trường cho hay, mỗi lớp chỉ có vài sinh viên đi học trực tiếp. Giảng viên và sinh viên đến trường phải tiêm đủ vaccine COVID-19 và đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn.
Còn PGS Nguyễn Trường Thịnh - phụ trách Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM - cho biết, trong tuần đầu của tháng 11, có khoảng 300 sinh viên đăng ký tới trường làm đồ án, thực hành, thí nghiệm. Sinh viên năm cuối và kỳ cuối được ưu tiên xếp lớp trong tuần đầu tiên.
PGS-TS Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM - cho hay, trường tiếp tục giảng dạy và học tập trực tuyến thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin đến hết ngày 31.12. Từ ngày 1.1.2022, trường dự kiến tổ chức giảng dạy và học tập trực tiếp tại trường đối với học viên và sinh viên đã tiêm vaccine COVID-19.
Trường hợp học viên, sinh viên chưa tiêm vaccine COVID-19 sẽ tiếp tục học tập theo hình thức trực tuyến để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch theo quy định của UBND TPHCM.
Trong khi đó, tại Hà Nội, dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn nhưng đến nay, các trường vẫn e dè trong đón sinh viên trở lại. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thông báo, sinh viên năm cuối và năm thứ tư sẽ được bố trí lịch đến trường sau ngày 25.11, sinh viên năm thứ ba và thứ hai sau ngày 15.12. Riêng sinh viên năm thứ nhất chưa được xếp lịch tới trường. Tuy nhiên, cấp THPT và tiểu học, mầm non vẫn chưa có kế hoạch cho học sinh trở lại trường học.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, cho rằng nhiều nghiên cứu có thấy ở trường học nguy cơ lây nhiễm thấp. Ông dẫn lại một nghiên cứu lớn nhất về Covid-19 tại các trường học ở Mỹ. Nghiên cứu này xem xét hơn 90.000 học sinh và giáo viên ở Bắc Carolina trong 9 tuần vào mùa thu năm 2020.
Theo dự báo ban đầu của các bác sĩ, có khoảng 900 trường hợp lây truyền trong cộng đồng. Nhưng khi các nhà nghiên cứu theo dõi liên hệ để tìm hiểu các trường hợp lây truyền liên quan trường học, họ chỉ xác định được 32 ca.
Ở UAE, khi còn chưa tiêm vaccine cho học sinh, người ta cho lớp học chuyển sang trực tuyến khi có trên 2 em học sinh trong lớp mắc Covid-19. Toàn trường sẽ chuyển sang học trực tuyến nếu phát hiện 24 học sinh F0.
Từ các tài liệu khoa học, PGS Dũng nhận định nếu địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine chưa cao, khi mở cửa trường, người có nguy cơ cao nhất là thầy, cô giáo. Các địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine cao sẽ rất an toàn cho học sinh và giáo viên.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho biết việc mở cửa trường học cho trẻ đến trường cần được cân nhắc dựa trên mức độ dịch tại địa phương, không chờ đợi đến khi trẻ được tiêm vaccine.
"Không thể dựa vào số trẻ em chưa tiêm vaccine mà chần chừ mở lại trường học, kể cả về lâu về dài, điều này cũng không nên", ông nói.
Chuyên gia này cho rằng đa số tỉnh, thành phố hiện nay ở cấp độ 1, 2 (bình thường mới và nguy cơ trung bình). Ở cấp độ dịch này, địa phương có thể mở lại trường học. Bởi trẻ em vốn có tỷ lệ nhiễm bệnh, nguy cơ chuyển nặng thấp hơn người lớn.
Trước đó, trong phiên trả lời chất vấn từ đại biểu Quốc hội sáng 10/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết cơ quan này đề nghị các địa phương không vì lo lắng dịch bệnh quá mà hạn chế việc học tập trực tiếp và không thể đợi chờ vaccine mới cho trẻ đến trường.
Giải thích cho quan điểm này, Bộ trưởng cho rằng hiện nay mới chỉ có vaccine tiêm cho trẻ từ 12 tuổi trở lên, còn rủi ro về nguy cơ dịch đối với lứa tuổi 6-11 không lớn, nên không nhất thiết chờ có vaccine mới đi học lại.
Theo ông Long, Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT khuyến cáo các địa phương mạnh dạn cho trẻ em đi học, nhất là ở những vùng, xã, huyện, tỉnh được xác định dịch ở cấp độ 1, 2.
Với địa phương ở cấp độ 2, chỉ khi dịch bắt đầu ở cấp độ 3 mới hạn chế học sinh đến lớp, kết hợp giữa học trực tiếp và trực tuyến. Người đứng đầu ngành y tế bày tỏ hy vọng các địa phương sẽ triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả hơn việc cho trẻ em đến trường.
( C. H sưu tầm)