Vậy vị thế, tâm thế mới đó là gì? Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh lý giải: Đầu tiên, đó là tình hình quốc tế và khu vực mà ở đó vai trò của các quốc gia càng ngày càng trở nên quan trọng với tiêu chí đầu tiên là lợi ích quốc gia, dân tộc của mình. Thứ hai là mối quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới bây giờ rộng hơn và sâu sắc hơn, tạo cho chúng ta nhiều diễn đàn đa phương để đặt vấn đề về lợi ích của chính mình. Thứ ba chính là vị thế, sức mạnh của đất nước đang lên.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, chúng ta không còn là một nước nhỏ hay nước nghèo, chúng ta có một vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi, có gần 100 triệu dân, có nền kinh tế đang phát triển, có mối quan hệ với quốc tế đáng tự hào.
Với vị thế như vậy, chúng ta phải chủ động đưa ra tiếng nói của mình để mong muốn xây dựng bảo vệ đất nước, bảo vệ quốc gia dân tộc. Đồng thời chúng ta phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn để góp phần bảo vệ trật tự quốc tế, luật pháp quốc tế; bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và thế giới.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh chia sẻ, vừa qua chúng ta đi tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế. Cũng có người đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta đưa người đến tận châu Phi, điều đó có lợi ích gì cho đất nước, nhân dân và quân đội mình. Nếu nhìn một cách ngắn hạn thì ở châu Phi rất xa xôi nhưng nhìn xa hơn có thể thấy trong khoảng 10 năm qua, tiếng nói Việt Nam trên các diễn đàn của Liên Hợp Quốc, các diễn đàn quốc tế mạnh mẽ hơn rất nhiều vì chúng ta đã chủ động đóng góp xứng đáng cho hòa bình thế giới.
Quay trở lại ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước hết chúng ta phải nhận thức được vị thế của đất nước; phải tự hào, tự tin vào vị thế của đất nước mình. Trên cơ sở vị thế đó, phải chủ động ý kiến, nêu quan điểm của mình về bảo vệ Tổ quốc cũng như đóng góp vào hòa bình thế giới. Chúng ta phải đặt ra những yêu cầu đối với thế giới trong quan hệ với Việt Nam, đó là tôn trọng độc lập, tự chủ; tôn trọng lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam; tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và luật pháp quốc tế một cách có chừng mực trên cơ sở hợp lý và tuân thủ luật pháp quốc tế. Từ đó chúng ta được thế giới đón nhận một cách tích cực và đó chính là những thế mạnh để bảo vệ Tổ quốc và tạo môi trường thuận lợi để phát triển đất nước.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, chúng ta cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn trong cộng đồng quốc tế đối với sự tham gia vào xây dựng hòa bình và phát triển nhưng với lợi ích cốt lõi của quốc gia dân tộc thì trước sau như một, không thay đổi. Đó là sự toàn vẹn lãnh thổ, là độc lập, tự chủ của đất nước, là con đường phát triển theo định hướng XHCN, là sự tham gia tích cực vào hòa bình ổn định của khu vực và thế giới, là mong muốn tạo môi trường hòa bình để phát triển. Đó chính là lợi ích cốt lõi. Tuy nhiên có thể rút gọn ở 3 điểm: Chủ quyền lãnh thổ, độc lập tự chủ, hòa bình. 3 lợi ích đó phải gắn vào nhau và không thể thiếu một trong 3 lợi ích nêu trên. Chính vì vậy phải nỗ lực không để xảy ra chiến tranh và phải bảo vệ những gì chúng ta có. Đó là nhiệm vụ lâu dài, liên tục, thường xuyên và mỗi ngày phải cố gắng nhiều hơn.
Đối ngoại nhân dân càng phải mạnh hơn trong thời bình
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021), Đảng ta lần đầu tiên xác định ba trụ cột cấu thành cơ bản của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam: "Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân". Đây là bước phát triển quan trọng khi vai trò của đối ngoại nhân dân được đề cao thành một trong ba cấu thành trụ cột của nền ngoại giao toàn diện.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, cần xác định nội hàm của đối ngoại nhân dân là gì và những lĩnh vực cụ thể đối ngoại nhân dân đảm trách trong tình hình mới hiện nay, chẳng hạn như tăng cường mối giao lưu giữa người dân Việt Nam với người dân các nước láng giềng, điều đó tạo nền tảng bền vững cho đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước phát triển, hay mở rộng đối ngoại với các nước trên thế giới bằng các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Không chỉ bây giờ mà ngay từ trong chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quan hệ đối ngoại nhân dân với Pháp, Mỹ rất tốt và chính người dân Pháp, Mỹ là những người đầu tiên cầm cờ chống chiến tranh ở Việt Nam và làm cho chính quyền của nước đó phải thấy rằng cần chấm dứt chiến tranh. Trong thời bình chúng ta càng phải làm mạnh hơn. Đối ngoại nhân dân cũng gồm nhiều lĩnh vực, về khoa học, công nghệ, văn hóa, du lịch, giáo dục đào tạo… và các lĩnh vực khác.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, nếu làm tốt công tác tuyên truyền về thế mạnh của Việt Nam; về bản sắc, thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam làm cho thế giới hiểu hơn về vẻ đẹp của Việt Nam, thì đó chính là bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước, chứ không chỉ đơn thuần là hoạt động tiếp thị thương mại thông thường. Do vậy đối ngoại nhân dân cần chỉ đạo chặt chẽ từ hệ thống chính trị, từ trên xuống dưới và đặc biệt là chính từ nhận thức của người dân bởi "làm đối ngoại nhân dân trước hết là cho chính mình, tiếp đến đóng góp cho sự phát triển của đất nước"./.
Kiều Liên – Hải Minh
(PS st theo Việt báo)