Trong bài phát biểu dài gần một giờ, Putin vạch rõ quan điểm rằng Ukraine là sự cố lịch sử mà Mỹ dùng làm bàn đạp để đe dọa Nga.
"Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bắt đầu quá trình biến đổi trơ trẽn nhằm đưa lãnh thổ Ukraine trở thành nơi diễn ra các hoạt động quân sự", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trên truyền hình hôm 21/2.
Những bình luận này của Putin đi kèm thông báo công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk, hai vùng ly khai tại miền đông Ukraine. Trước đó, ông chủ Điện Kremlin đã ký thỏa thuận hợp tác với lãnh đạo hai khu vực này, giúp Nga có quyền xây dựng căn cứ quân sự tại Donetsk và Luhansk, đồng thời chỉ đạo Bộ Quốc phòng Nga triển khai quân đội tới đây để "gìn giữ hòa bình".
"Tôi cho rằng cần đưa ra quyết định đáng lẽ phải làm từ lâu, đó là lập tức công nhận độc lập, chủ quyền của Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Cộng hòa Nhân dân Luhansk", Putin nói.
Mặc dù không nêu rõ ý định chính xác đối với Ukraine, Putin giải thích quan điểm của Nga là biên giới Ukraine hiện nay chỉ tồn tại do sự tan rã vội vã của Liên Xô vào năm 1991, chưa xét đến mối quan hệ sâu sắc về văn hóa giữa Nga và Ukraine, thậm chí đặt câu hỏi về tính hợp pháp của một nhà nước Ukraine độc lập.
"Đối với chúng tôi, Ukraine không chỉ là quốc gia láng giềng, mà là một phần không thể thiếu trong lịch sử, văn hóa và tinh thần", Putin gửi thông điệp không chỉ đến người Nga, mà còn đề cập tới "những người đồng bào ở Ukraine". Ông cho rằng "miền đông Ukraine là lãnh thổ Nga trong quá khứ" và tin người dân Nga sẽ ủng hộ quyết định công nhận độc lập của Donetsk và Luhansk.
Ukraine tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô vào năm 1991, sau khi đại đa số người dân nhất trí với điều này trong một cuộc trưng cầu dân ý và Nga cũng nhanh chóng công nhận. Tuy nhiên, theo các bình luận viên James Marson, Evan Gershkovich và Alan Cullison của WSJ, bài phát biểu làm bộc lộ nỗi lo của Putin suốt những năm qua rằng phương Tây đang cố gắng chia rẽ Kiev và Moskva.
Các bình luận viên đánh giá nỗi lo ngại của Putin trở nên sâu sắc kể từ Cách mạng Cam tại Ukraine năm 2004, khi làn sóng biểu tình trên diện rộng giúp đưa một ứng viên thân phương Tây trở thành tổng thống thay vì đồng minh của Putin. Cuộc cách mạng 10 năm sau đó cũng lật đổ một tổng thống thân Nga.
Cũng trong năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine và hậu thuẫn phong trào ly khai bùng nổ ở miền đông nước láng giềng, vùng lãnh thổ mà Putin khi đó gọi là Novorossiya, có nghĩa là "nước Nga mới".
Ngoài phong trào ly khai ở Donetsk và Luhansk bùng phát thành cuộc chiến dai dẳng, các cuộc biểu tình ủng hộ Nga cũng được tổ chức tại những khu vực khác ở Ukraine hồi năm 2014, nhưng bị lực lượng thực thi pháp luật địa phương hoặc các nhà hoạt động theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine dập tắt, như cuộc biểu tình ở Odessa khiến hàng chục người ủng hộ Nga thiệt mạng. Trong bài phát biểu hôm 21/2, Putin thề sẽ trả đũa.
"Những tên tội phạm thực hiện hành vi tàn bạo đó chưa bị trừng phạt. Chẳng ai truy lùng chúng, nhưng chúng tôi biết tên của chúng và sẽ làm mọi cách để trừng phạt", ông tuyên bố.
Các bình luận viên của WSJ đánh giá bài phát biểu của Putin mang thông điệp thách thức rõ rệt đối với trật tự quốc tế hậu Chiến tranh Lạnh do phương Tây chiếm ưu thế. Tổng thống Nga cáo buộc "những thế lực bên ngoài" đang thúc đẩy giới chức Ukraine cắt đứt sợi dây liên kết truyền thống giữa Nga và Ukraine, "bóp méo ý thức và ký ức lịch sử của hàng triệu người, toàn bộ những thế hệ đang sinh sống ở Ukraine".
"Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi xã hội Ukraine phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, rồi sau đó nhanh chóng mang hình thức chủ nghĩa bài Nga gay gắt", Putin nêu quan điểm.
Trên thực tế, các chính phủ Ukraine đã theo đuổi quan hệ an ninh, chính trị và thương mại gần gũi hơn với phương Tây, chính sách mà Putin coi là chống lại Nga. Bất chấp Putin nỗ lực khơi gợi sự gắn bó về văn hóa, từ ngôn ngữ đến tôn giáo, gọi Ukraine và Nga là "những quốc gia anh em", người dân Ukraine được cho là ngày càng nỗ lực tìm kiếm bản sắc riêng biệt với Nga, đặc biệt kể từ năm 2014.
Các cuộc thăm dò cho thấy hơn một nửa dân số Ukraine ủng hộ đất nước gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU), thay vì tham gia bất cứ tổ chức nào do Nga dẫn dắt. Tên các con đường và thành phố trên khắp đất nước cũng được thay đổi, dường như nhằm xóa những dấu vết thời Liên Xô. Putin cho rằng những thay đổi này do những người theo chủ nghĩa dân tộc được Mỹ hậu thuẫn áp đặt lên Ukraine, biến đất nước thành "con rối" của phương Tây.
"Tôi không rõ các nhà ngoại giao và giới chính trị gia châu Âu đã nhận thức được đầy đủ mức độ phức tạp trong vấn đề mà họ gặp phải khi Putin thúc đẩy chương trình nghị sự của ông ấy hay chưa", Aleksei Chesnakov, cựu cố vấn chính sách đối ngoại cho Điện Kremlin, đặt câu hỏi.
"Putin muốn tiến hành những động thái quyết liệt hơn về quân sự, chính trị và kinh tế. Ông ấy đã sẵn sàng", Chesnakov đánh giá.