Cả khoa vây quanh cái test nhanh, nhìn dung dịch đang bò lên trên cửa sổ hiển thị, cười nói ồn ào, dọa nhau "dương tính rồi". Khi dịch bò qua khu vực chữ T, vạch đỏ hiện ra, dương tính thật, tiếng cười nói im bặt, mọi người nhanh chóng tản ra. Khoa Cấp cứu Hồi sức của chúng tôi đã có người dương tính với nCoV.
Từ nửa tháng nay, mỗi ngày chúng tôi phát hiện vài ca dương tính trong số người đến khám. Cả khoa bảo nhau tăng cường phòng thủ tránh lây nhiễm, đeo khẩu trang, rửa tay liên tục, hạn chế tiếp xúc không cần thiết. Ngày nào chúng tôi cũng làm test gộp cả khoa, chưa phát hiện ca nhiễm. Tôi có chút tự đắc. Nhưng bây giờ đã có người đầu tiên, tức là không tránh được.
Cách đây ba tháng, bệnh viện tôi phát hiện ca F0. Lúc đó rất căng thẳng, chính quyền đến ngay, chăng dây phong tỏa cứng toàn bệnh viện, công an lập chốt gác ngay cổng ra vào, nội bất xuất ngoại bất nhập. Bây giờ tư duy đã thay đổi, kiến thức về Covid đã nhiều, thuốc điều trị đầy đủ hơn. Ai bị nhiễm về nhà tự cách ly, còn công việc vẫn tiến hành đều. Tinh thần đã bình tĩnh hơn nhiều.
Tuy nhiên thực tế không hẳn vậy, khuyên người khác bình tĩnh thì dễ, giữ được bình tĩnh khi virus đã bám lấy mình lại là chuyện khác. Cô điều dưỡng sau khi về nhà liền nhờ người ra hiệu thuốc mua một túi thuốc to. Trong ảnh cô chụp "khoe" trên mạng, tôi thấy hoa cả mắt vì đủ mọi loại thuốc: hạ sốt, vitamin, nhỏ mũi, xịt họng, súc miệng, kháng sinh, chống dị ứng, xuyên tâm liên, medrol.
Nhìn túi thuốc, tôi buồn quá. Là điều dưỡng, tôi nghĩ cô đã nắm rõ cách điều trị F0 tại nhà, ai dè lúc bị bệnh cũng để nhà thuốc muốn bán gì thì bán. Một biểu hiện của sự hoảng loạn. Người trong ngành y còn như vậy thì sao trách được những người ngoài ngành.
Nhưng cô điều dưỡng khoa tôi không phải trường hợp cá biệt. Khi tôi chia sẻ câu chuyện này trên trang cá nhân, hàng trăm lượt người quan tâm, đưa ra những đơn thuốc khác nhau. Nhiều người hỏi tôi về phác đồ điều trị.
Sau hơn hai năm sống giữa Covid-19, dường như ai cũng trở thành chuyên gia, thành bác sĩ điều trị F0, ai cũng có thể kê đơn thuốc. Nhưng vì loạn đơn thuốc và phương cách, bệnh nhân cầm đơn nào cũng hoang mang, sợ uống sai, thậm chí uống không đủ.
Covid-19 đang lan rộng, gây sức ép lên hệ thống y tế. Người dân test dương tính, gọi năm lần bảy lượt ra trạm mới có người nghe máy, chỉ ghi nhận rồi thôi. Một trong những câu tư vấn cửa miệng là: "Không được tự ý dùng thuốc mà phải theo chỉ định của bác sĩ". Nhưng tìm bác sĩ ở đâu thì không ai nói. Khi người dân có nhu cầu mà y tế công không đáp ứng được, tất yếu người ta phải tìm đến nguồn thông tin khác: truyền miệng, người quen, bạn bè và... trên mạng.
Trên mạng, thông tin về chữa Covid đang rất phức tạp, lẫn lộn, mang lại hệ quả tích cực lẫn tiêu cực. Dưới các lời tư vấn hùng hồn là dòng chữ nhỏ nhẹ bán một món hàng gì đó. Tức một phần các bài tư vấn trên mạng hiện nay là bài bán hàng. Họ đã vận dụng tốt nguyên lý: Khó khăn của người này là cơ hội của người khác.
Hiện tượng tràn lan thông tin chữa Covid phản ánh sự lệch hướng của truyền thông: thừa thông tin bán hàng mà thiếu thông tin người dân cần. Bằng kinh nghiệm của bản thân cũng như tham khảo các nguồn tài liệu, theo tôi cần khắc phục ba bất cập.
Một là thông tin chính thống của Bộ Y tế quá hàn lâm, người dân khó hiểu và khó áp dụng. Trang web của Bộ Y tế (https://moh.gov.vn/) hay Cục khám chữa bệnh (https://kcb.vn/) đầy đủ thông tin chính xác về Covid 19, nhưng ngôn ngữ quá chuyên môn, người dân không hiểu, ngay cả bác sĩ cũng ngại vào đây đọc. Vì vậy rất cần các bệnh viện, các bác sĩ có kinh nghiệm diễn giải kiến thức chuyên sâu này ra ngôn ngữ dễ hiểu cho đại chúng.
Thứ hai là truyền thông điều trị Covid 19 chưa đánh trúng nhu cầu của người bệnh. Người dân nhận được kết quả dương tính, đã bàng hoàng hết cả người rồi, bây giờ lại bảo F0 không triệu chứng không cần uống thuốc, họ không yên tâm mà... tin tưởng. Cho nên lúc đó tư vấn của bác sĩ không linh nghiệm bằng mấy lời nói của hiệu thuốc. Càng nhiều thuốc, càng đắt tiền càng tin. Nhân viên y tế nhiều khi bất lực trước cảnh người bệnh tự mua thuốc uống, mới dương tính đã trang bị kháng sinh, corticoid, chống đông máu... Đấy là chưa kể khi F0 là trẻ em, mẹ bầu, người đang cho con bú, ông bà già lớn tuổi, người nhà càng dễ hoảng loạn và bám víu lấy những lời tư vấn nhiều khi sai lầm.
Còn một mảng kiến thức bị thả nổi, chưa có kết luận rõ ràng, là mảng chữa Covid bằng thực phẩm chức năng, bằng kinh nghiệm cổ truyền. Trong Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid 19 phiên bản mới nhất ngày 28/1, không một chữ nào đề cập đến lĩnh vực này. Nên lúc này trên mạng tràn ngập các quảng cáo bán Xuyên tâm liên, Liên hoa thanh ôn, Thymodulin, vitamin liều cao... chữa Covid mà không thấy nhà chức trách nào đứng ra hướng dẫn cho người dân biết có nên dùng hay không.
Với tình hình dịch mấy ngày nay đang lan ra dữ dội, nhà chức trách ngành y nên nhanh tay chấn chỉnh lại công tác tư vấn chữa bệnh kịp thời. Tôi, hoặc bất cứ bác sĩ nào, đều không thể đưa ra được một đơn thuốc đúng cho mọi F0. Vì vậy, tôi vẫn nhắn nhủ nên nghe theo lời khuyên của nhân viên y tế cơ sở, đừng hốt hoảng. Nếu y tế cơ sở quá bận, có thể tìm kiếm ý kiến tư vấn nhưng chú ý chỉ nên nghe theo những trang chính thống, ví dụ như trang web của Bộ Y tế, trang web của các bệnh viện lớn; hoặc của những bác sĩ mà mình biết chắc chắn về trình độ và đạo đức.
Bối cảnh thuận lợi của đợt dịch này là chúng ta đã phủ xong vaccine nên hầu hết diễn biến bệnh sẽ là nhẹ. Nếu các triệu chứng không đến mức nặng để phải vào bệnh viện, F0 hoàn toàn có thể chữa trị tại nhà nhưng cần bình tĩnh, tránh trở thành con mồi của kẻ bán thuốc, gây tiền mất, tật mang, bệnh nhẹ trở nên nặng.
Quan Thế Dân
(PS st theo VnExpress)