Đâu là lối thoát cho Nga trước "bão" trừng phạt từ phương Tây?

Ngày đăng: 03:21 18/03/2022 Lượt xem: 204

         Đâu là lối thoát cho Nga trước "bão" trừng phạt từ phương Tây?

                                                                        Nguồn: Báo Điện tử VTC

Nga đang là quốc gia hứng chịu nhiều biện pháp trừng phạt nhất trên thế giới, vậy Moskva làm gì để khắc chế các đòn cấm vận này?

 

Mới đây, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov phải thừa nhận rằng nền kinh tế Nga đang trải qua cú sốc do tác động của cuộc chiến kinh tế từ loạt biện pháp trừng phạt “phủ đầu” từ phương Tây. Đây là lần hiếm hoi phía Moskva thừa nhận kinh tế Nga bị ảnh hưởng bởi “bão” trừng phạt.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự Ukraine, Mỹ và phương Tây cũng ngay lập tức kích hoạt cuộc chiến khác trên bình diện kinh tế, với mục tiêu gây thiệt hại lớn nhất cho nền kinh tế xứ Bạch Dương. Dù dự báo hậu quả từ đòn trừng phạt này là rất lớn song Ngoại trưởng Sergei Lavrov cho rằng, Nga có thể tự xử lý các vấn đề kinh tế phát sinh bởi Moskva cũng từng trải qua các giai đoạn bị cô lập, đối mặt muôn vàn khó khăn.

Kinh tế Nga sụp đổ?

Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, phương Tây liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moskva. Tuy nhiên, các biện pháp kinh tế mà Mỹ và đồng minh đang thực hiện sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine là chưa từng có, có thể gây ra hậu quả tàn khốc đối với kinh tế Nga.

Đâu là lối thoát cho Nga trước ''bão'' trừng phạt từ phương Tây? - 1
Mỹ và đồng minh liên tiếp tung đòn trừng phạt mạnh tay lên Nga sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Loạt lệnh trừng phạt lớn của phương Tây về thương mại, tài chính và du lịch, đóng băng dự trữ của ngân hàng trung, “cắt đứt” khả năng tiếp cận của Nga với đồng USD… khiến Nga phải quay cuồng đối phó. Đặc biệt, quyết định loại bỏ một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán liên ngân hàng toàn cầu SWIFT, giới hạn khả năng của ngân hàng trung ương Nga trong việc thực hiện giao dịch với các ngân hàng phương Tây là chưa từng có tiền lệ và sẽ tác động quy mô "khủng" đến hệ thống đến nền kinh tế Nga.

Giới kinh tế quốc tế bắt đầu đưa ra dự báo không mấy lạc quan cho kinh tế Nga trong năm 2022. Theo đó, các nhà kinh tế của JPMorgan cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ giảm 7% trong năm nay, trong khi Bloomberg Economics dự báo giảm khoảng 9%. Nga đang phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ kinh tế được cho là sẽ sánh ngang hoặc thậm chí vượt cả quy mô cuộc suy thoái năm 1998 vốn kéo theo tình trạng vỡ nợ.

Làn sóng trừng phạt của phương Tây đang khiến kinh tế Nga co lại đột ngột, đẩy quốc gia này vào nguy cơ suy thoái sâu rộng. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva khẳng định Nga vỡ nợ là kịch bản có thể xảy ra, nhất là khi quốc gia này không thể tiếp cận nguồn dự trữ ngoại hối của họ.

Hiệu ứng có thể nhìn thấy ngay sau đòn trừng phạt của phương Tây đó là lạm phát ở Nga tăng phi mã. Số liệu do Cục Thống kê quốc gia Nga (Rosstat) công bố cho thấy lạm phát giá tiêu dùng ở Nga đã tăng nhanh trong nhiều tháng qua và đạt mức cao nhất trong 6 năm vào tháng 2/2022 ở mức 9,15%. Trong khi đó, giá lương thực tăng gần 11,5%. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây có khả năng đẩy giá nhiều hàng hóa tại Nga lên cao hơn nữa trong thời gian tới.

Trong khi đó, đồng ruble mất giá kỷ lục, mất khoảng 40% giá trị kể từ đầu năm nay. Có thời điểm, đồng ruble xuống mốc còn 155 ruble đổi 1 USD. Điều này khiến bất kỳ hàng hóa nào mà Nga nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng. Trước bối cảnh đó, ngân hàng trung ương Nga đã tăng gấp đôi lãi suất lên 20% và chính phủ nước này đã triển khai các biện pháp hỗ trợ.

Đáng chú ý, giới chuyên gia cảnh báo, những biện pháp trừng phạt hiện nay đối với Nga nhiều khả năng vẫn được duy trì trong một thời gian dài sau khi chiến sự kết thúc, khiến Moskva không thể tiếp cận nguồn đầu tư, thương mại và tài chính của phương Tây trong nhiều năm hay thậm chí là nhiều thập kỷ tới. Nếu càng kéo dài, Nga sẽ càng chịu nhiều thiệt hại. Theo tính toán, các lệnh trừng phạt có khả năng làm suy giảm nền kinh tế Nga hàng năm tới gần 10%.

Đâu là lối thoát cho Nga trước ''bão'' trừng phạt từ phương Tây? - 2
Nga chuẩn bị các phương án dự phòng để đối phó với đòn trừng phạt từ phương Tây.

Sự chuẩn bị của Nga

Trước khi quyết định chiến dịch quân sự đặc biệt tấn công Ukraine, chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin dường như đã lường trước được viễn cảnh nước này phải hứng loạt biện pháp trừng phạt phủ đầu từ phương Tây. Nga đã rút ra bài học từ những đòn trừng phạt của phương Tây sau khi Moskva sáp nhập Crimea năm 2014, chuẩn bị sẵn các giải pháp đối phó.

Ngay từ thời điểm đó, Moskva đã xây dựng cho mình “pháo đài” phòng thủ về kinh tế, giúp nền kinh tế nước này miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt. Điều đó có nghĩa là Nga đã và đang ở thế chủ động, đón trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo giới chuyên gia kinh tế, các biện pháp trừng phạt bây giờ phải có tính toàn diện và sâu rộng hơn rất nhiều thì mới có thể tác động đến nền kinh tế của Nga.

Nga cũng tuyên bố, nước này có đủ nguồn lực tài chính cho sự ổn định của hệ thống trước các lệnh trừng phạt và các mối đe dọa từ bên ngoài. Theo đó, Moskva mô phỏng về hậu quả của việc áp dụng các hạn chế của phương Tây, giúp đảm bảo hoạt động bền vững của các công ty nằm trong danh sách trừng phạt, bảo toàn việc làm và tiền lương, đồng thời phát triển các kế hoạch bảo vệ thị trường tài chính và doanh nghiệp.

Nền kinh tế Nga phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt. Nước này là một trong những quốc gia giàu có nhất về nguyên liệu thô, đứng vị trí thứ nhất trên thế giới về sản xuất và xuất khẩu khí đốt tự nhiên, thứ 3 về xuất khẩu dầu thô sau Mỹ và Ả Rập Xê-út. Với sản lượng dầu thô sản xuất ở mức 5 triệu thùng/ngày, Nga hiện chiếm 7% nguồn cung toàn cầu.

Trong bối cảnh hiện nay, lợi thế năng lượng đang được xem là vũ khí có sức nặng để Moskva đối phó với cuộc chiến kinh tế mà Mỹ và đồng minh phát động đối với Nga. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, nền kinh tế Nga vẫn đủ sức chịu đựng những đòn trừng phạt kinh tế, miễn là dầu thô được bán với giá không dưới 44 USD/thùng.

Lợi thế về dầu mỏ và khí đốt đang được Nga sử dụng triệt để, chính sự phụ thuộc vào “vàng đen” của Moskva mà châu Âu không dám theo chân Mỹ tung đòn cấm vận dầu và khí đốt Nga. Khoảng 1/2 trong số 5 triệu thùng dầu mà Nga sản xuất mỗi ngày được xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU). Và nếu chặn đường xuất khẩu khí đốt từ Nga, châu Âu chỉ trụ được vài tháng. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 45% lượng khí đốt từ Nga. Năm 2020, nhập khẩu dầu của Nga chiếm khoảng 25% lượng dầu thô mua của khối.

Thế nhưng, Nga đã có những nước cờ khôn ngoan để không quá lệ thuộc vào thế mạnh từ năng lượng. Theo đó, từ sau sự kiện Crimea năm 2014, kinh tế Nga đã được đa dạng hóa để tránh tình trạng quá phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt. Moskva tăng cường các điểm mạnh của nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu quặng mỏ, nhôm, niken, vàng, kim cương và lúa mì, qua đó giúp nước này có nhiều lợi thế trong thương mại với thế giới.

Chưa hết, các biện pháp trừng phạt tài chính đang áp đặt đối với Nga dường như cũng chỉ mang tính biểu tượng. Kể từ năm 2014, các công ty tài chính Mỹ đã bị cấm mua các khoản nợ mới bằng đồng USD của Nga. Mặc dù các lệnh trừng phạt mới mở rộng lệnh cấm sang thị trường trái phiếu thứ cấp, nhưng Nga đã không phát hành trái phiếu bằng đồng USD kể từ năm 2019. Nước này tự bảo vệ, không phụ thuộc vào thị trường vốn phương Tây bằng cách giảm tỷ trọng nợ chính phủ về ngoại tệ và tích lũy dự trữ ngoại hối lớn.

Đâu là lối thoát cho Nga trước ''bão'' trừng phạt từ phương Tây? - 3
Nga được cho sẽ tăng cường hợp tác chặt chẽ về kinh tế đối với Trung Quốc để tránh tác động, ảnh hưởng từ các biện pháp cấm vấn của phương Tây.

Dự trữ ngoại tệ của ngân hàng trung ương được xem là lớp phòng thủ kiên cố về kinh tế của Nga. Kể từ năm 2015, Moskva đã nâng dự trữ ngoại tệ lên mức 631 tỷ USD, tương đương với 1/3 giá trị toàn bộ nền kinh tế Nga - kho dự trữ ngoại tệ lớn thứ tư trên thế giới. Tuy nhiên, điều quan trọng trong khối dự trữ khổng lồ này, đồng USD chỉ còn chiếm 16%. Đồng tiền của Mỹ dần được thay thế bằng đồng euro, nhân dân tệ, và vàng.

Nga và Trung Quốc đã cố gắng thanh toán các trao đổi song phương bằng đồng tiền quốc gia của mình. Đến nay, chỉ 20% hàng xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc được thanh toán bằng đồng USD. Ở chiều ngược lại 60% hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga vẫn phải thanh toán bằng USD.

Việc Mỹ và đồng minh loại Nga khỏi hệ thống tài chính SWIFT giờ cũng không phải là vấn đề quá quan ngại với Moskva. Để đối phó với hệ thống được dùng như là công cụ gây sức ép của Washington, năm 2018, Nga đã tung ra công cụ riêng của mình là hệ thống chuyển tiền (SPFS), hiện nay được kết nối với mạng liên ngân hàng Trung Quốc CIPS (hệ thống thanh toán quốc tế của Trung Quốc).

Đòn trừng phạt hiện nay của Mỹ và EU chủ yếu dựa vào hoạt động kiểm soát của các ngân hàng, định chế tài chính để thực thi các quy tắc. Tuy nhiên, tiền điện tử được xem là lối thoát cho các dòng giao dịch của Nga, làm giảm hiệu lực các lệnh trừng phạt kinh tế. Bởi lẽ, tiền kỹ thuật số có khả năng, bằng cách cho phép các cá nhân, tổ chức nắm giữ và giao dịch bên ngoài hệ thống tài chính truyền thống. Các hoạt động này được thực hiện trên một hệ thống gọi là “darknet”, trong đó thị phần lớn nhất (chiếm đến 75% vào năm 2020) là cộng đồng sử dụng tiếng Nga có tên Hydra.

Nga là quốc gia rộng nhất thế giới với rất nhiều tài nguyên khoáng sản, nước này có trong tay nhiều nguồn lực để đối phó với các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo của Mỹ và phương Tây. Vấn đề giờ đây là có chiến lược rõ ràng, xây dựng cơ chế vận hành để nước Nga có thể khai thác nguồn lực, phát huy các thế mạnh sẵn có nhằm đối phó hữu hiệu hơn trước các lệnh trừng phạt.

Có lẽ, những biện pháp trừng phạt cứng rắn mà Mỹ và đồng minh áp đặt đối với Nga sẽ chưa kết thúc. Diễn biến trên thực địa ở Ukraine sẽ quyết định liệu phương Tây có mở rộng, bổ sung đòn trừng phạt lên Moskva hay không. Tuy nhiên, cần phải khẳng định, ảnh hưởng đối với kinh tế Nga sẽ là lâu dài bởi các lệnh cấm vận này không kết thúc “một sớm một chiều”, mà cần có quá trình đàm phán, tháo gỡ để có sự đồng thuận từ hai phía.

Thế khó của phương Tây hiện nay là phản ứng của Nga sau các đòn trừng phạt mạnh tay. Họ có thể thúc đẩy sự trả đũa kinh tế từ Nga, dưới hình thức chiến tranh mạng hoặc hạn chế bán khí đốt cho châu Âu. Hóa đơn năng lượng ở châu Âu có thể sẽ tăng mạnh. Hơn nữa, để có hiệu quả, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đồng minh phải được thực thi trên phạm vi toàn cầu. Có nghĩa là có sự tham gia, hưởng ứng từ các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Điều này là không dễ, bởi mối quan hệ ràng buộc, tính toán về lợi ích của các quốc gia của các bên.

( C.H sưu tầm)

tin tức liên quan