Vị chỉ huy ghi nhớ tên tuổi chiến sĩ hy sinh sau mỗi trận đánh

Ngày đăng: 12:36 27/03/2022 Lượt xem: 181

           Vị chỉ huy ghi nhớ tên tuổi chiến sĩ hy sinh sau mỗi trận đánh


                                         Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet

Tôi chưa bao giờ thấy một vị chỉ huy chiến trường sau mỗi trận đánh lại nhớ được tên tuổi, quê quán chính xác của các chiến sĩ hy sinh đầy đủ như Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu.

 

Hẹn hò với mấy người bạn văn thơ đến thăm Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi cứ mường tượng một vị tướng nghiêm nghị, chắc khó gần lắm.

 
Vị chỉ huy ghi nhớ tên tuổi chiến sĩ hy sinh sau mỗi trận đánh
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Vậy mà, khi tìm đến Văn phòng của Thượng tướng, người ngồi trong phòng vẫy tay thân mật gọi tôi lại là một trung niên, phong phanh cánh áo phông kèm nụ cười niềm nở trên môi.

Chờ giới thiệu xong, ông đứng dậy bắt tay, kéo tôi ngồi ghế cạnh mình. Giọng ông trầm ấm như của một thầy giáo trên bục giảng: Mình đang kể cho các bạn nghe về “Một thời Quảng Trị” nóng bỏng. Vừa nói, ông vừa nâng cuốn sách dày cộp bìa cứng trên tay tặng tôi.

Tôi lặng lẽ ngồi ngắm vị tướng lừng danh năm xưa. Ông quá trẻ so với tuổi. Nhìn ông say sưa kể về một thời Quảng Trị đạn bom khắc nghiệt, vừa như mang phong thái của một chính ủy đang vui sướng ngợi khen và chỉnh đốn hàng quân sau một trận huyết chiến thắng lợi, lại vừa như một sử gia từng phút nhớ lại thời khắc khốc liệt ven bờ sông Thạch Hãn… 

Cả căn phòng im phắc, mấy anh chị em lặng đi theo xúc cảm của người dẫn chuyện chính là người trực tiếp đương đầu với những thời khắc sinh tử giữa đạn bom giữa đất trời Quảng Trị ngày nào.

Tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi

Đọc cuốn hồi ký Một thời Quảng Trị, tâm trí tôi nhen lên những nghĩ suy về giai đoạn tuổi trẻ của một số mệnh binh nghiệp, được tôi luyện, thử thách trong một không gian chiến tranh khốc liệt cuối những năm 1960 đầu 1970. 

Một số mệnh đặc biệt mang danh Nguyễn Huy Hiệu, từ vị trí của anh lính binh nhì lần lượt kinh qua các cương vị tiểu đội trưởng, trung đội trưởng, đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng chỉ huy Trung đoàn 27 nằm trong đội hình Sư đoàn 320B Quân đoàn 1, là một trong 5 mũi tấn công vào Sài Gòn…

Lòng gan dạ của chàng trai Nguyễn Huy Hiệu vốn được hun đúc từ truyền thống quê hương và gia đình. Sinh ra trong dòng họ có bậc tiền nhân là tướng Nguyễn Bặc, thân tín của Đinh Bộ Lĩnh Hoàng đế, lại được nuôi dưỡng trong một gia đình gia giáo, cậu bé Hiệu đã sớm có ý thức tự lập, say mê lao động. Cuộc sống của con người vùng ven biển với sinh kế trực diện trùng khơi cũng là căn do hun đúc cho con người sức mạnh thể chất cũng như ý chí đương đầu với mọi thách thức của biển cả để làm ăn và sinh tồn.

Không phải ngẫu nhiên ngay từ khi mới chớm 17 tuổi đương sức “bẻ gãy sừng trâu”, chàng trai Hiệu đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ, mơ được trở thành người lính lục quân để có cơ hội trực tiếp chiến đấu với kẻ thù.

Giới khoa học quân sự Việt Nam chắc chắn không thể quên những trận đánh có ý nghĩa kinh điển do Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy khi tuổi đời còn rất trẻ. Đó là trận đánh ở Sáp Đá Mài (Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị). Chỉ sau 45 phút, quân ta đã tiêu diệt gọn đại đội cơ giới của Mỹ. Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu đã chỉ huy đưa lực lượng luồn sâu vào cụm cơ giới của địch, đánh địch từ bên trong đánh ra.

Sau trận đánh, ông được bổ nhiệm chức Tiểu đoàn trưởng. Chiến thắng này cũng góp phần vào việc đánh bại chiến thuật trâu rừng của tướng Mỹ Abram.

 
Vị chỉ huy ghi nhớ tên tuổi chiến sĩ hy sinh sau mỗi trận đánh
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu thắp hương tưởng niệm đồng đội Trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng tại khu văn bia Phương Ngạn, xã Triệu Phong, huyện Triệu Phong, Quảng Trị tháng 7/2019

Đó còn là trận đánh táo bạo giữa ban ngày, tiêu diệt 28 xe cơ giới của địch ở đường 9 Nam Lào, gần căn cứ Sa Mưu, cắt đứt đường tiếp tế của địch từ Đông Hà lên Khe Sanh và bản Đông. Hay trận đánh mở màn cho chiến dịch 1972 ở cao điểm 322, 288 Đông Nam cứ điểm 544 (địch gọi là Fulơ). 

Khi ấy, vị chỉ huy đưa một tiểu đoàn luồn sâu vào căn cứ phía sau của địch, chỉ sau 35 phút, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch, làm chủ chiến trường và bắt sống tiểu đoàn trưởng của địch là Hà Thúc Mẫn. Sau đó lại chỉ huy đánh vào cánh Đông giải phóng huyện Triệu Phong và Hải Lăng, góp phần vào giải phóng hoàn toàn Quảng Trị…

Từ mỗi trận chiến, chàng trai trẻ Nguyễn Huy Hiệu đều vắt óc và kinh nghiệm trước đó của mình bàn soạn cùng cấp chỉ huy tìm ra cách đánh thông minh nhất, phù hợp với khả năng binh sĩ và tiềm lực súng đạn của mình nhất, tốn ít xương máu nhất, được chiến sĩ đồng lòng và chắc thắng.

Nước mắt của vị tướng khi nhận danh hiệu Anh hùng

Quảng Trị là nơi một thời tôi luyện cho tình đồng đội và trí nhớ siêu phàm của chàng trai Nguyễn Huy Hiệu. Quả thật, tôi chưa bao giờ thấy một vị chỉ huy chiến trường, sau mỗi trận đánh lại nhớ được tên tuổi, quê quán cụ thể, chính xác các chiến sĩ hy sinh đầy đủ như vậy.

Sau khi nghe kể về trận đánh mở màn cho chiến dịch 1972 ở cao điểm 322, 288, nghe ông nhắc đến từng đồng đội đã hy sinh, tôi hỏi ông sao lại ghi nhớ siêu đến vậy. Ông cười đôn hậu: “Có lẽ một phần là do trí nhớ, nhưng cái căn cốt là trong đời sống binh nghiệp hàng ngày, mình phải thường xuyên gần gũi, tâm giao trò chuyện cùng chiến sĩ, có thế mới biết rõ về nhau, hiểu tâm tư tình cảm của nhau, thêm nữa là hiểu được khả năng cũng như sức khỏe, tâm trạng của từng chiến sĩ, nhờ đó mới có phương pháp ứng xử cho phù hợp, giao nhiệm vụ cho đúng người đúng việc, như vậy sẽ mang lại thành công”.

Tướng Nguyễn Huy Hiệu cho đến giờ phút này vẫn không thể quên được tên tuổi, quê quán những chiến binh đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời Quảng Trị oai hùng đó. Cái tình của ông dù với bất kỳ cương vị nào cũng luôn sâu nặng.

Vào dịp tháng 12/1973, chàng trai vừa tròn 26 tuổi Nguyễn Huy Hiệu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Trong hồi ký của mình, ông tâm sự: “Khi nhận danh hiệu Anh hùng, tôi đã khóc. Tôi nhớ đến hình ảnh của Đại đội trưởng Mai Xuân Tình, Chính trị viên Đặng Quang Hồng, Trung đội trưởng Phan Hữu Mỹ, Nguyễn Đình Cư, chiến sĩ Cao Như Thiêm, chiến sĩ B41 Phùng Văn Khoét, Trung đoàn trưởng Cao Uy và biết bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 27 - Mặt trận B5 thân yêu của tôi đã anh dũng ngã xuống… Nhờ họ tôi mới có được vinh quang này!”.

Với tôi, cuốn sách Một thời Quảng Trị còn là minh chứng của sự tin yêu và kính trọng đối với Thượng tướng Anh hùng Nguyễn Huy Hiệu, người con đất Thành Nam văn hiến, đặc biệt là minh chứng về những tháng năm trai trẻ, lấy những trải nghiệm đích thực của đời mình, tuổi trẻ mình trả lời cho một chặng đường binh nghiệp lừng danh. 

GS.TS Bùi Quang Thanh (Nguyên Viện trưởng Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan