Huỷ lô trái phiếu của Tân Hoàng Minh: Người mua liệu có mất tiền?
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Nhiều người đã mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh đang rất quan tâm đến quyền lợi của mình sau khi các lô trái phiếu bị huỷ bỏ và ông Đỗ Anh Dũng bị bắt.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng trái phiếu là một kênh đầu tư tốt nhưng sẽ rủi ro nếu không được ngân hàng bảo lãnh và tài sản bảo đảm nhưng chưa chắc đã “đảm bảo”.
Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang bị điều tra về hành vi gian dối trong phát hành trái phiếu. (Ảnh minh họa)
Đi vào trường hợp cụ thể là phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh, theo ông Nguyễn Trí Hiếu, việc cơ quan quản lý huỷ giao dịch 9 lô trái phiếu của nhà phát hành này chứng tỏ đây là các giao dịch bất hợp lệ, không hợp pháp. Khách hàng có quyền yêu cầu Tân Hoàng Minh trả lại tiền đã đầu tư.
Tuy vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, nhà đầu tư cần biết tiền của mình đang ở đâu, đã chuyển đến nhà phát hành và nhà phát hành đã sử dụng vào đâu? Trường hợp dòng tiền chưa đến tay nhà phát hành, việc lấy lại tiền của khách hàng sẽ đơn giản hơn. Nhưng nếu đã đến tay nhà phát hành, và nhà phát hành sử dụng số tiền này vào mục đích khác cam kết ban đầu, việc lấy lại tiền đầu tư sẽ khó hơn.
Nhà đầu tư cũng cần xem trái phiếu đó có được bên thứ 3 bảo lãnh không? Nếu trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thì không lo rủi ro vì sẽ được ngân hàng trả lại tiền. Nhưng thực tế có trường hợp nhiều trái phiếu được hỗ trợ bởi ngân hàng, nhưng chỉ là hỗ trợ về thủ tục. Tức trái phiếu được ngân hàng phân phối nhưng thực chất chỉ là cánh tay nối dài của nhà phát hành, ngân hàng không có trách nhiệm trong việc cam kết bảo lãnh trái phiếu.
“Nhà đầu tư nên có người đại diện, thay mặt thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định pháp luật để nhận lại tiền. Nếu nhà phát hành thu xếp được và đồng ý trả lại tiền thì tốt nhất. Nếu không sẽ phải sử dụng các biện pháp khác, thậm chí đưa ra tòa. Kịch bản này có thể kéo dài rất lâu. Trường hợp công ty phá sản, phải theo thủ tục phá sản. Nhà đầu tư sẽ lấy lại được tiền theo thứ tự ưu tiên, kịch bản này là xấu nhất cho các trái chủ”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nói.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, sau khi có quyết định huỷ các lô cổ phiếu trên, nhà phát hành đã cam kết với các hợp đồng đến hạn thanh toán, số tiền đầu tư của khách hàng sẽ được hoàn trả trong thời gian sớm nhất. Với các hợp đồng chưa đến hạn thanh toán, nhà phát hành sẽ khẩn trương phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, làm việc với doanh nghiệp phát hành, ngân hàng quản lý tài sản để xử lý và hoàn trả cho khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.
“Nhưng quan trọng là trái chủ có lấy được tiền cả gốc cả lãi hay không? Tất cả phải phụ thuộc vào năng lực tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp huy động hơn 10.300 tỷ đồng nhưng liệu rằng tài sản có khả năng thanh toán không? Phụ thuộc vào số tiền đó đã dùng vào việc gì, nguồn lực có khả năng đảm bảo không?” ông Long nói.
Vẫn theo ông Long, trường hợp trái chủ được nhận cả gốc và lãi sẽ gặp nhiều khó khăn bởi rõ ràng là doanh nghiệp “khát” tiền mới phải huy động kênh trái phiếu với lãi suất đến 11 - 12% mỗi năm.
“Khả năng trái chủ lấy lại là khó vì tiền đó nhà phát hành đã chi dùng vào việc khác. Tất nhiên, trong trường hợp không thể thanh toán theo tiến độ sẽ tính tới phương án đấu giá tài sản để trả nợ nhưng phương án này cũng mất nhiều thời gian”, ông Long nói và cho rằng đây là cảnh báo với nhà đầu tư, trước khi quyết định xuống tiền phải xem xét kỹ.
Lộ trình lấy lại tiền ra sao?
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, cơ sở pháp lý trong vụ việc này được quy định tại Nghị định 156/2020 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 128/2021.
Theo đó, với hành vi lập, xác nhận hồ sơ đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán riêng lẻ có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật có thể bị phạt tiền 400 - 500 triệu đồng.
Nhà phát hành cũng chịu biện pháp khắc phục là buộc thu hồi trái phiếu đã chào bán, phát hành; hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua, tiền cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức, cá nhân vi phạm mở tài khoản thu tiền. Thời hạn thu hồi chứng khoán, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư là tối đa 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này.
Tuy nhiên, khi cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố vụ án thì cần chờ kết luận cuối cùng vì vụ án đang trong quá trình điều tra.
Đồng quan điểm, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên VIAC cho rằng diễn tiến vụ việc tới đây phải chờ kết luận cuối cùng của cơ quan cảnh sát điều tra. Nếu không liên quan đến vấn đề phát hành trái phiếu thì nhà đầu tư có thể khởi kiện dân sự, nếu liên quan thì khả năng tất cả là bị hại trong vụ án hình sự.
“Toà sẽ tuyên ai phải đền, như thế nào, khắc phục ra sao”, ông Đức nói.
( C. H sưu tầm)