Thế khó của Trung Quốc trong khủng hoảng Nga-Ukraine
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Trung Quốc dường như đang cố cân bằng giữa việc ủng hộ Nga mà không gây căng thẳng thêm với Mỹ, nhưng các chuyên gia nhận định đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Tây Ban Nha hồi giữa tháng 3, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định nước này "không phải một phần của cuộc khủng hoảng và không muốn bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt".
Trên thực tế, Trung Quốc từng nhiều lần phớt lờ các lệnh trừng phạt đơn phương của phương Tây. Bắc Kinh từng cung cấp hỗ trợ tài chính lớn cho Moskva tại những thời điểm Nga đối đầu gay gắt với phương Tây, nổi bật là sau sự kiện Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014.
Nga và Trung Quốc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ trong những năm gần đây. Mới đây nhất, trong chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Bắc Kinh hồi tháng 2, hai quốc gia tuyên bố tình bạn của họ là không giới hạn.
Nhưng đó là trước khi Moskva mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Hiện được xem là thời điểm nhạy cảm với Trung Quốc khi Bắc Kinh phải đối mặt với tình trạng kinh tế suy thoái bởi các làn sóng dịch mới và cần bảo vệ lợi ích của chính mình bằng các liên kết tài chính của họ với phương Tây.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: Al Jazeera)
Việc hỗ trợ Nga có thể gây nguy hiểm tới khả năng tiếp cận vốn và công nghệ phương Tây mà nước này cần để phát triển.
Khả năng giúp đỡ nước láng giềng của Trung Quốc đang bị thử thách nghiêm trọng. Kể cả khi sẵn lòng, các chuyên gia cho rằng các lựa chọn của Bắc Kinh là có hạn.
"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang đi trên dây trong vấn đề Ukraine", Craig Singleton – nhà nghiên cứu Trung Quốc cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Quỹ Bảo vệ Dân chủ (Mỹ) phân tích.
Trung Quốc dường như đang cố cân bằng giữa việc ủng hộ Nga mà không gây căng thẳng thêm với Mỹ và đây không phải nhiệm vụ dễ dàng.
Thế khó của Trung Quốc
Trong chuyến thăm Trung Quốc gần nhất, Nga ký 15 thỏa thuận với Trung Quốc, trong đó có các hợp đồng mới với những tập đoàn năng lượng khổng lồ của Moskva là Gazprom và Rosneft. Trung Quốc cũng đồng ý dỡ bỏ tất cả hạn chế nhập khẩu đối với lúa mì và lúa mạch của Nga.
Năm ngoái, 16% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Nga khiến Moskva trở thành nhà cung cấp lớn thứ hai cho quốc gia láng giềng. Cũng trong năm 2021, khoảng 5% lượng khí đốt tự nhiên chảy vào Trung Quốc đến từ Nga.
Nga mua khoảng 70% chất bán dẫn từ Trung Quốc. Moskva nhập khẩu máy tính, điện thoại thông minh và linh kiện xe hơi của quốc gia tỷ dân. Xiaomi là một trong những thương hiệu điện thoại thông minh phổ biến nhất ở Nga.
Các ngân hàng của Nga cũng tham gia Hệ thống Thanh toán Liên ngân hàng Xuyên biên giới (CIPS) của Trung Quốc vốn được xem là giải pháp thay thế tiềm năng cho SWIFT.
Tuy nhiên, ông Neil Thomas - nhà phân tích về Trung Quốc tại Eurasia Group nhận định cho tới hiện tại, chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây để hỗ trợ Nga.
Hồi tháng 3, Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc nói nước này sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt, nhưng ông cũng không đưa ra bất kỳ biện pháp cứu trợ nào.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là đối tác thương mại số 1 của Nga, chiếm 16% giá trị ngoại thương. Nhưng với Trung Quốc, Nga ít quan trọng hơn nhiều.
Công nhân đứng gần cần cẩu dỡ các bao tải đậu nành nhập khẩu từ Nga tại cảng Heihe ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Thương mại giữa hai nước chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Liên minh châu Âu và Mỹ chiếm thị phần lớn hơn nhiều.
Các ngân hàng và công ty Trung Quốc cũng lo ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp nếu tiếp tục giao dịch với các đối tác Nga.
"Hầu hết nhà băng Trung Quốc không thể đánh mất quyền tiếp cận với đồng USD. Nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc cũng không thể để mất quyền tiếp cận với công nghệ của Mỹ", ông Thomas cho hay.
Theo Singleton, các thực thể này của Trung Quốc sẽ bị phương Tây giám sát chặt chẽ hơn nếu có ý định hỗ trợ Nga cố gắng lách các lệnh trừng phạt do Mỹ dẫn đầu.
"Nhận thấy việc nền kinh tế và sản lượng công nghiệp của Trung Quốc đã chịu áp lực rất lớn trong những tháng gần đây, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc sẽ tìm cách cân bằng giữa việc ủng hộ Nga mà không khiến giới chức trách phương Tây phản cảm", ông Singleton đánh giá.
Đầu tháng 3, xuất hiện thông tin nói 2 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc ICBC và Bank of China hạn chế cấp vốn cho việc mua hàng hóa của Nga do lo ngại vi phạm các lệnh trừng phạt. Reuters đưa tin hoạt động nhập khẩu than từ Nga sang Trung Quốc bị đình trệ do bên mua không thể đảm bảo nguồn vốn từ các ngân hàng nhà nước do lo ngại về những lệnh trừng phạt quốc tế.
Các chuyên gia cho biết, ngay cả khi Trung Quốc muốn hỗ trợ Nga trong các lĩnh vực Moskva không bị trừng phạt - chẳng hạn như năng lượng, Bắc Kinh cũng phải đối mặt với nhiều hạn chế.
CIPS của Trung Quốc từng được có thể là lựa chọn thay thế SWIFT cho Nga. Nhưng trên thực tế, mới chỉ có 75 ngân hàng tham gia trực tiếp hệ thống này, ít hơn rất nhiều so với 11.000 tổ chức của SWIFT. Khoảng 300 tổ chức tài chính của Nga đã tham gia SWIFT. Con số này với CIPS là 20.
Đồng NDT ít phổ biến hơn các loại tiền tệ khác trong thương mại quốc tế. Hồi tháng 1, đồng tiền này chiếm 3% thanh toán toàn cầu, so với 40% của USD. Chưa kể, thương mại Trung - Nga cũng bị chi phối bởi đồng USD và euro. Ngoài ra, Trung Quốc cũng không thể thay thế Mỹ trong việc cung cấp các công nghệ quan trọng cho nhu cầu của Nga.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang phụ thuộc vào nguồn cung chip cao cấp sử dụng cho hệ thống vũ khí tiên tiến từ Mỹ.
"Một mình Trung Quốc không thể cung cấp tất cả các nhu cầu thiết yếu của Nga cho quân đội", một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết. Điều này buộc công ty công nghệ Trung Quốc phải thận trọng hơn nữa trong các giao dịch với Nga.
"Các hãng công nghệ lớn sẽ thận trọng để tránh số phận tương tự như Huawei", ông Thomas nói.
Trung Quốc giảm hỗ trợ Nga
Giới phân tích cho rằng Trung Quốc đang cố gắng đạt được sự cân bằng mong manh giữa việc ủng hộ Nga mà không khiến Mỹ khó chịu.
"Hầu hết các doanh nghiệp lớn ở Trung Quốc đều không sẵn sàng chấp nhận rủi ro vi phạm lệnh trừng phạt của phương Tây. Nhìn chung, Trung Quốc có thể sẽ phàn nàn về các lệnh trừng phạt này, nhưng vẫn tuân thủ", Martin Chorzempa - nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson đánh giá.
Trên thực tế, dù Bắc Kinh và Moskva có chung lợi ích chiến lược trong việc đối phó với phương Tây, các ngân hàng Trung Quốc không thể để mất quyền tiếp cận với USD và nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc không thể thiếu công nghệ của Mỹ.
Cây viết Laura He của CNN đưa ra một số bằng chứng mà bà khẳng định là Bắc Kinh đang cố tạo khoảng cách với Nga trong những tuần gần đây.
Trước hết, Bắc Kinh để đồng rup giảm giá.
Hồi giữa tháng 3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) tăng gấp đôi biên độ giao dịch của đồng rúp, khiến đồng tiền này của Nga rớt giá nhanh hơn.
Đồng rup mất hơn 20% giá trị trước cả đồng USD và euro kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Việc để đồng rup tiếp tục giảm giá đồng NDT rõ ràng là hành động không có lợi cho Nga.
Người Nga sẽ phải trả thêm tiền bằng đồng rup để nhập các mặt hàng Trung Quốc như điện thoại thông minh và ô tô.
Việc Trung Quốc để đồng rup tiếp tục giảm giá đồng NDT là hành động không có lợi cho Nga. (Ảnh: AP)
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như Great Wall Motor và Geely Auto chiếm tới 7% thị trường ô tô Nga. Các hãng này bán được hơn 115.000 chiếc xe vào năm 2021. Tuy nhiên, do biến động tỷ giá hối đoái, Great Wall Motor thông báo ngừng cung cấp ô tô mới cho các nhà buôn bán ở Nga.
Thứ hai, Bắc Kinh hạn chế dự trữ bằng đồng NDT.
Theo Alicia García-Herrero – nhà kinh tế trưởng phụ trách châu Á-Thái Bình Dương tại ngân hàng Natixis, sự hỗ trợ đáng kể nhất mà Trung Quốc có thể cung cấp cho Nga là thông qua khoản dự trữ trị giá 90 tỷ USD mà Moskva nắm giữ bằng đồng NDT.
Trước đó, các lệnh trừng phạt đã đóng băng khoảng 315 tỷ USD tiền dự trữ của Nga do Mỹ và các nước phương Tây cấm giao dịch với Ngân hàng trung ương Nga.
Theo ông Herrero, nếu Trung Quốc cho phép Nga chuyển đổi dự trữ bằng NDT thành đồng USD hoặc euro, điều đó sẽ giúp giảm thế bế tắc hiện nay của Nga. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa PBOC sẽ phải chấp nhận không ít rủi ro về độ tín nhiệm khi vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Các lợi ích dài hạn từ việc xích lại gần Nga có thể khó tương xứng với tác động khi các nhà đầu tư phương Tây đột ngột mất sự quan tâm dành cho Trung Quốc”, chuyên gia này cho hay.
PBOC tới nay vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về khoản dự trữ nói trên.
Thứ 3, Trung Quốc hạn chế hỗ trợ linh kiện máy bay cho Nga.
Các lệnh trừng phạt từ Mỹ và EU buộc Boeing và Airbus phải ngừng cung cấp linh kiện cung cấp dịch vụ bảo dưỡng cho các hãng hàng không Nga. Điều này có thể khiến các hãng hàng không Nga hết linh kiện trong vài tuần hoặc phải cho máy bay cất cánh mà thiếu các thiết bị được thay thế thường xuyên theo khuyến cáo đảm bảo an toàn trong vận hành.
Đầu tháng 3, một quan chức Nga cấp cao nói Trung Quốc từ chối gửi linh kiện máy bay sang Nga khi Moskva tìm kiếm nguồn cung thay thế.
"Theo những gì tôi biết thì... Trung Quốc đã từ chối", Valery Kudinov – trưởng bộ phận điều kiện bay tại Cơ quan vận tải hàng không của Nga cho hay.
Liên quan tới vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc vẫn khẳng định nước này và Nga sẽ duy trì “hợp tác kinh tế và thương mại bình thường”.
Thứ tư, Trung Quốc đóng băng đầu tư cơ sở hạ tầng ở Nga.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Ngân hàng Thế giới ngừng tất cả các chương trình của mình ở Nga và Belarus. Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) có trụ sở ở Bắc Kinh cũng có động thái tương tự.
Trong thông báo vào đầu tháng 3, ngân hàng này cho biết họ đã tạm ngưng tất cả các hoạt động liên quan đến Nga và Belarus với lý do “phục vụ tốt nhất cho lợi ích” của mình.
Quyết định của AIIB ngưng các hoạt động ở Nga đồng nghĩa với việc khoản tín dụng 1,1 tỷ USD được phê duyệt cho Nga để nâng cấp hệ thống đường bộ và đường sắt hiện cũng tạm ngưng.
Trung Quốc sẽ không bỏ rơi Nga
Bất chấp tình thế ngặt nghèo hiện tại, các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ khó bỏ rơi đồng minh địa chính trị của mình.
Trong tuyên bố đưa ra hồi tháng 1/2021, Ngoại trưởng Vương Nghị mô tả quan hệ Nga-Trung là không có giới hạn, không có vùng cấm và không có trần.
Nga đóng vai trò đối tác quan trọng của Trung Quốc khi nước này phải đối phó với Mỹ trên hàng loạt các mặt trận. Bắc Kinh thừa hiểu cuộc đối đầu với Mỹ là lâu dài. Họ cần một đồng minh chính trị như Nga và sẽ không được hưởng lợi từ một nước Nga suy yếu.
Đó là lý do Bắc Kinh hờ hững trước lời kêu gọi gây áp lực buộc Nga dừng chiến dịch quân sự ở Ukraine của Mỹ.
Trước sức ép từ Mỹ và phương Tây ngày càng gia tăng, cả Nga và Trung Quốc đều đang muốn "chống lưng" và hỗ trợ nhau.
Bắc Kinh thời gian qua liên tiếp chỉ trích việc Mỹ phương Tây trừng phạt Nga.
"Chúng tôi phản đối các lệnh trừng phạt, tác động của các lệnh trừng phạt này cũng có nguy cơ lan sang phần còn lại của thế giới, dẫn đến chiến tranh tiền tệ, chiến tranh thương mại và tài chính, có nguy cơ gây nguy hiểm cho chuỗi cung ứng, chuỗi công nghiệp và toàn cầu hóa và thậm chí cả trật tự kinh tế”, ông Vương Lỗ Đồng – Vụ trưởng Vụ châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.
Với Bắc Kinh, việc Nga bị cô lập và tổn thất vì các lệnh trừng phạt sẽ chỉ giúp Mỹ rảnh tay và tập trung ưu tiên cho chiến lược đối phó với Trung Quốc.
Tại cuộc hội đàm giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin hồi tháng 12/2021, hai nhà lãnh đạo chia sẻ những lo ngại trước những nỗ lực của Mỹ nhằm điều chỉnh lại tình hình hiện tại tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có việc thành lập các liên minh mới như Bộ Tứ Kim cương và cơ chế AUKUS.
Các chuyên gia dự đoán, cùng với việc tránh vi phạm các lệnh trừng phạt từ phương Tây áp đặt lên Nga, Bắc Kinh vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ ở mức có thể.
Theo Jakub Jakobowski, chuyên gia cấp cao phụ trách Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm nghiên cứu phương Đông, trừ khi phương Tây áp đặt tổn thất hữu hình nhằm vào Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ vẫn hỗ trợ Nga dù có thể chỉ là âm thầm.
(C. H sưu tầm)