Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Vụ việc lãnh đạo 2 Sở không đến dự buổi tái giám sát của Đoàn Đại biểu HĐND TP.HCM nếu không nghiêm túc khắc phục sẽ trở thành tiền lệ xấu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN.
Thông tin ngày 14/4, Đoàn Đại biểu HĐND TP.HCM do Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Cao Thanh Bình hủy buổi làm việc với 3 Sở Y tế, Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội về việc tái giám sát một số chế độ chính sách phục vụ công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch Covid-19 khiến dư luận quan tâm và băn khoăn về sự thiếu thiện chí của ba cơ quan được giám sát.
Về lý, HĐND các cấp là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân ở địa phương, thay mặt nhân dân bầu ra những người thực thi quyền lực ở các cơ quan thuộc UBND. Cùng với đó là giám sát các cơ quan này về việc thực hiện các nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng bộ trên thực tế.
Tuy nhiên, qua sự việc trên cho thấy giữa quyền lực được Hiến định và quyền lực thực thi (thực quyền) trên thực tế của hệ thống chính trị còn có nhiều khoảng cách, chưa thực sự ăn khớp để thực hiện các nhiệm vụ chung.
Hiến pháp 2013 của nước ta đề cập về nguyên tắc quyền lực Nhà nước có sự phân công, phối hợp và kiểm soát lẫn nhau. Hiện nay, Đảng ta cũng thường xuyên nhấn mạnh vai trò của việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước nhằm tránh quyền lực bị khu trú, bị lạm dụng và tha hóa. Vì vậy những hành xử như vậy của 2 sở Y tế và Tài chính cho thấy sự thiếu thiện chí chính trị đối với các Đại biểu của HĐND TP.HCM.
Có thể thấy người dân luôn trông chờ, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng của mình vào các đại biểu dân cử. Họ sẽ là người thay mặt cho nhân dân giám sát, phản biện việc thi hành các chính sách đã đề ra. Vì vậy, vụ việc lãnh đạo Sở không đến dự buổi tái giám sát của Đoàn Đại biểu HĐND TP.HCM nếu không nghiêm túc khắc phục sẽ trở thành tiền lệ xấu và làm ảnh hưởng đến hình ảnh cũng như quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Nguyên tắc quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là người thực hiện các quyền tự do, dân chủ của mình thông qua Mặt trận Tổ Quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, là thông qua các đại biểu đã được họ bầu ra trong các kỳ bầu cử theo nhiệm kỳ.
Bác Hồ đã từng khẳng định “Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Như vậy, có thể thấy mỗi người dân của thành phố mang tên Bác đã nhượng một chút quyền, gom góp một ít quyền của mình để ủy nhiệm cho các đại biểu của họ, thay mặt họ giám sát các công việc của cơ quan nhà nước tại địa phương. Tất nhiên, ở đâu không tôn trọng các đại biểu HĐND tức là không tôn trọng cử tri ở đó. Sự việc lãnh đạo 2 Sở tại TP.HCM không đến dự họp buổi tái giám sát của Đoàn Đại biểu HĐND rất dễ được nhìn nhận như là họ đang coi thường người dân.
Mặc dù, trong quá trình hoạt động của các sở ban ngành hàng năm vẫn có các cuộc thanh, kiểm tra của các cơ quan cấp trên như Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ… nhưng đây đều là những giám sát của nhánh hành pháp và thuộc quy trình kín trong sự vận hành quyền lực của bộ máy Nhà nước.
Do đó, không thể là lý do trình bày trong lá thư xin lỗi của Sở Y tế như là một việc quan trọng hơn so với cuộc họp của Đoàn Đại biểu HĐND TP.HCM. Suy cho cùng quyền lực nhà nước là thống nhất, sự giám sát, thanh, kiểm tra của các cơ quan nhà nước cũng đều vì dân.
Tuy vậy, mức độ thực hiện dân chủ trong nhánh ngành dọc bị gián tiếp đi nhiều. Và dân chủ mang tính đại diện cao nhất, có hơi thở của cuộc sống nhất chính là việc các Đại biểu dân cử thể hiện một cách trực tiếp nhất trong các cơ quan nhà nước tại địa phương.
Cách đây không lâu vào tháng 11/2021, Quốc hội tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022, Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đã phát biểu: “Giám sát là chức năng cơ bản của Quốc hội, được quy định trong Hiến pháp”. Trong khi ở Trung ương luôn “nóng” thì bên dưới vẫn đang “lạnh”, trong khi bên trên có “chính sách” thì bên dưới vẫn có “đối sách”.
Sự việc vừa qua chắc chắn sẽ khiến “bên trên trông xuống, người ta trông vào”, “trông vào” ở đây chính là người dân, cử tri tại địa phương sẽ nhìn nhận như thế nào về tính ưu việt chưa triệt để của hệ thống chính trị thành phố.
Trong giai đoạn hiện nay, nhà nước đang nỗ lực tạo mọi điều kiện để các cơ quan dân cử, các diễn đàn chính thống, các cơ quan báo chí truyền thông thực sự là nơi “nương náu” cho người dân. Nơi đó là chỗ để họ thể hiện những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình.
Do vậy, nếu các diễn đàn dân chủ không được coi trọng, các cơ quan dân cử không được đề cao và các cơ quan báo chí truyền thông không phải là nơi bày tỏ và thể hiện tiếng nói, cũng như các quan điểm phản biện chính sách của người dân, thì vô tình chúng ta để “hở không gian” này cho các thế lực khác lợi dụng.
Đặc biệt, nếu lơ là vấn đề này thì chủ trương của Đảng về thực hành dân chủ trong đời sống kinh tế - xã hội không được coi trọng. Bởi đây là một chủ trương lớn được Đảng ta nhấn mạnh, bổ sung lần đầu tiên trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu lần thứ XIII về mối quan hệ giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, đảm bảo kỷ cương xã hội.
Đảng ta ngày càng nhận thức sâu sắc về vai trò của dân chủ và thực hành dân chủ. Nói một cách dễ hiểu đó là dân chủ phải được thực hành như các hoạt động hàng ngày, người dân tham gia và được hướng dẫn để thực tập, thực hiện trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật.
Qua sự việc trên, các cấp chính quyền tại TP.HCM chắc hẳn sẽ nhìn nhận lại vấn đề đó như một bài học về sự kết hợp chưa nhịp nhàng trong hệ thống chính trị của mình. Việc giải trình của các sở ngành là bắt buộc theo luật định và tự thân lãnh đạo các sở ngành cũng nên coi đây là công việc thường xuyên, tất yếu trong công tác quản lý nhà nước của ngành. Chúng ta tin chắc với một hệ thống chính trị vững mạnh của một thành phố đầu tàu về kinh tế của cả nước thì vấn đề như vừa qua sẽ được khắc phục một cách nhanh chóng.
( C.H sưu tầm)