“Soi tìm luật lệ quốc tế từ cuộc chiến ở Ukraina” – Góc nhìn sự kiện của Hoàng Văn Kính
-----------------------
SOI TÌM LUẬT LỆ QUỐC TẾ
TỪ CUỘC CHIẾN UKRAINA
Hoàng Văn Kính
Liên hợp quốc ( LHQ ) là một tổ chức liên Chính phủ, được thành lập ngày 24-4-1945 bởi 51 quốc gia, quá trình mở rộng số thành viên đến nay là 194 quốc gia và vùng lãnh thổ. LHQ có nhiệm vụ duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, thực hiện sự hợp tác quốc tế, làm trung tâm điều hòa các nỗ lực quốc tế và các mục tiêu chung.
Chiến sự ở Ukraina một lần nữa lại khiến cộng đồng quốc tế mong mỏi việc thúc đẩy thực thi hiệu quả pháp luật quốc tế, làm cho trật tự thế giới dựa trên luật lệ được thượng tôn và các nước lớn, nhỏ khác nhau đều phải tuân thủ.
Theo tôn chỉ từ ngày đầu thành lập, mục đích của tổ chức đa phương này là hướng đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển những quan hệ hữu nghị giữa các nước trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, dân tộc tự quyết. Trong đó, Hiến chương được xem là một văn kiện mang tính cách mạng, bao gồm một số nguyên tắc cơ bản của trật tự pháp lý quốc tế thời hậu chiến. Quy định tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều bình đẳng về chủ quyền. Nghĩa là, về mặt pháp lý, tất cả các quốc gia đều bình đẳng và được hưởng các quyền như nhau. Sự bình đẳng ấy được thể hiện ở chỗ mỗi quốc gia thành viên được quyền sở hữu một lá phiếu ( nhưng lá phiếu này lại chỉ mang tính biểu tượng )
Hiến chương LHQ cũng đặt ra quy định tất cả các quốc gia thành viên phải giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình. Vũ lực chỉ có thể được sử dụng tự vệ để chống lại các cuộc xâm lược từ bên ngoài.Ngoài ra còn quy định rõ tất cả các quốc gia thành viên không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của bất kỳ quốc gia thành viên nào khác.
Tôn chỉ, mục đích và kỳ vọng là vậy, song dường như các mục tiêu mà LHQ đặt ra về một trật tự dựa trên luật lệ không có tính khả thi. Bản thân cơ cấu của tổ chức này ngay từ đầu đã không thể hiện được sự bình đẳng, nó phản ánh sự dàn xếp quyền lực giữa các cường quốc là thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Nga, Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc). Đây là cơ quan có thực quyền nhất của LHQ. Chỉ các quyết định của Thường trực Hội đồng Bảo an mới có tính cưỡng chế thực hiện. Còn lại các nghị quyết khác của Đại hội đồng, Hội đồng Kinh tế - Xã hội, Hội đồng Quản thác, và cả Toà án Quốc tế chỉ có tính khuyến nghị và tạo sức ép dư luận. Bởi vậy các nghị quyết, quyết định của Hội đồng Bảo an không còn mang tính khách quan, thiếu tính ràng buộc. Chiến sự mà Nga đang thực thi tại Ukraine là một ví dụ, khi Moskva liên tục phủ quyết bác bỏ đề xuất của các quốc gia khác thì mạc nhiên các đề xuất kia sẽ không có giá trị pháp lí quốc tế. Tại cuộc bỏ phiếu lần 2 ngày 2-3 có tới 141/193 nước ủng hộ nghị quyết, lên án và đòi Nga rút quân nhưng với lá phiếu phủ quyết của mình Nga đã vô hiệu hóa tất cả.
Cái được gọi là luật lệ quốc tế chỉ mang tính lý thuyết bởi trên thực tế chẳng được mấy ai tôn trọng, nhiều quốc gia vẫn hành xử theo kiểu “ cơ bắp ” để đạt được mục tiêu của mình.
Đúng nó là luật, nhưng là luật rừng, điều này tạo ra những tiền lệ rất nguy hiểm trong cách hành xử của các nước lớn với các nước nhỏ. Năm 2018 Mỹ tự rời Hội đông nhân quyền để bảo vệ Israen, Đại sứ Mỹ tại LHQ lúc đó đã gọi cơ quan này là một tổ chức đạo đức giả và là một tập đoàn của sự thiên vị chính trị.
Xây dựng trật tự thế giới dựa trên luật lệ đã khó nhưng để vận hành có hiệu quả lại càng khó hơn. Đây là điểm trừ trong hệ thống pháp luật quốc tế, nếu không muốn nói là không thể bởi chính các quốc gia thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an như Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc hay Mỹ cũng đã nhiều lần vi phạm. Có lẽ do chế tài chưa đủ sức răn đe, trừng phạt các nước không “làm theo luật”. Nhưng chắc chắn không thể có một chế tài như thế bởi vì đây là những quốc gia có tiềm lực về kinh tế, quân sự, họ tự cho mình cái quyền mà các nước khác không thể có.
Khi Nga tấn công Ukraine, các nước cũng chỉ dừng lại ở các biện pháp lên án về mặt ngoại giao, tung các đòn trừng phạt kinh tế mà không có những biện pháp đủ mạnh để bảo vệ tính đúng đắn của luật pháp quốc tế.
Lịch sử cũng cho thấy, Mỹ là quốc gia luôn lớn tiếng hô hào, ủng hộ trật tự thế giới dựa trên luật lệ song lại là kẻ vi phạm nhiều nhất, luôn theo đuổi cách hành xử côn đồ, đi ngược lại luật pháp quốc tế. Cùng với các đồng minh, họ đã can thiệp quân sự vào Nam Tư (năm 1999), Afghanistan (năm 2001), Iraq ( năm 2003) dù không được LHQ chấp thuận. Trung Quốc cũng đã phớt lờ phán quyết của Tòa Trọng tài PCA thường trực ở La Hay về vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông vào năm 2016. Phán quyết của tòa PCA được xem là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý đối với các bên tranh chấp theo các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nhưng Trung Quốc đã phớt lờ, tuyên bố không chấp nhận phán quyết của tòa PCA. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự thiếu hiệu quả của cơ chế thực thi luật pháp quốc tế.
Quay lại trường hợp Nga - Ukraine, cả hai bên đều đưa ra những lập luận để bảo vệ cho hành động của mình. Thế nhưng, nếu xét theo luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ thì hành động một nước sử dụng vũ lực tấn công một quốc gia có chủ quyền là hoàn toàn sai trái, sẽ tạo ra tiền lệ nguy hiểm. Phản ứng trước các hoạt động quân sự của Nga tại Ukraine, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hơn một lần kêu gọi ngừng bắn, thúc giục Tổng thống Nga rút quân và ngăn chặn “những gì có thể là cuộc chiến tranh tồi tệ nhất kể từ đầu thế kỷ”. Ông kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn nhân đạo ở Ukraine. Theo ông Guterres, điều này sẽ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán chính trị nghiêm túc hướng tới một thỏa thuận hòa bình ở Ukraine trên cơ sở các quy tắc của Hiến chương Liên hợp quốc. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở lời kêu gọi thôi. Bản thân ông Tổng thư kí của cái tổ chức này cũng chẳng có chút quyền hành gì!
Trong một thế giới quá nhiễu nhương, những kẻ mạnh – các thành viên Thường trực - luôn muốn thể hiện uy quyền của mình bằng con bài nhân quyền sẵn sàng tạo cớ kéo bè cánh đe dọa, cấm vận, động binh xâm lược, trà đạp lên nhân quyền.
Nhân quyền đâu phải là cái bánh ga-tô để mang ra bố thí, chia chác, nó là thứ mà mỗi quốc phải phải tự vận động để mỗi người dân có cuộc sống ấm nó, an toàn, hạnh phúc. Không thể lấy nhân quyền của Mỹ làm chuẩn mực bắt các nước khác phải theo khi mà nó đã bị lệch chuẩn. Thế giới ngày nay cần một LHQ thực chất chứ không phải chỉ mang y nghĩa tượng trưng.
Biết là thế nhưng không thể đứng ngoài. Để duy trì tư cách là thành viên của LHQ, mỗi năm VN phải đóng góp một khoản tiền quy định theo tỷ lệ GDP. Tốn kém một tý nhưng có nhiều bạn để chơi, khéo léo chúng ta sẽ tranh thủ được sự ủng hộ cho lợi ích quốc gia. Cũng đáng lắm chứ.
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội