Chủ tịch nước: Thanh tra sở 'ngồi chơi, xơi nước nhiều'

Ngày đăng: 07:28 27/05/2022 Lượt xem: 261

Chủ tịch nước: Thanh tra sở 'ngồi chơi, xơi nước nhiều'

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói bộ phận thanh tra cấp sở ngồi chơi, xơi
nước nhiều, ít phát hiện ra tiêu cực, phụ thuộc vào chủ trương của giám đốc.

Cho ý kiến về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại họp tổ ở Quốc hội chiều 26/5, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tính toán lại bộ phận thanh tra sở và tăng cường thanh tra các cấp. Nếu lập thì Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tính toán cụ thể, để bảo đảm bộ máy gọn nhẹ, có hiệu quả, tránh tình trạng thanh tra nhiều, nhưng không phát hiện được tiêu cực.

Ủng hộ chủ trương lập thanh tra cấp tổng cục, Chủ tịch nước nói đã quản lý nhà nước là phải có thanh tra. Cấp tổng cục, cục là cơ quan quản lý nhà nước, có bộ phận thực hiện chức năng về việc này. Tuy nhiên, bộ máy cần gọn, hiệu quả.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội, chiều 26/5. Ảnh: Hoàng Phong

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội, chiều 26/5. Ảnh: Hoàng Phong

Khẳng định đoàn thanh tra rất quan trọng, nhưng lãnh đạo Nhà nước băn khoăn tại sao một số vụ đoàn thanh tra không giải quyết được? Phải chăng do đoàn quá dễ dàng trong tiếp xúc với những đơn vị được thanh tra nên khó phát hiện ra vấn đề lớn? "Đoàn thanh tra lỏng lẻo, đơn giản, tự do giao lưu thì không được; phải có cơ chế ở riêng, ăn riêng, có thông tin riêng", Chủ tịch nước nói và đề nghị đảm bảo tính độc lập để đối tượng thanh tra không "tranh thủ" được cán bộ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho biết lực lượng thanh tra cấp sở chỉ đủ để thanh tra nội bộ phòng chống tham nhũng, lâu lâu mới có vài vụ. Trong khi đó, có những phòng mạch, cơ sở y tế, nhà thuốc hơn 20 năm "chưa bao giờ thấy thanh tra". Thanh tra quận, huyện cũng rất ít nên các địa phương trông chờ nhiều vào thanh tra liên ngành, nhưng lực lượng này lại có hạn chế về chuyên môn. Vì vậy, bà đề xuất không bỏ thanh tra cấp huyện mà cần tính toán lại về biên chế.

Ngoài ra, bà Lan đánh giá hình thức thanh tra theo kế hoạch "là hết sức phi lý", bởi trải qua nhiều bước như lập danh sách, gửi công văn cho đơn vị, thông báo thời gian tiến hành. "Vậy mà khi đến, có nơi họ vẫn vi phạm. Rõ ràng hình thức này không thực tế", bà nói.

Về đề xuất lập thanh tra cấp tổng cục, ông Trương Xuân Cừ, Phó chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, cho rằng "không nên, vì hoạt động không hiệu quả".

Đồng tình với quan điểm này, ông Tạ Đình Thi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường, cũng lưu ý Chính phủ nhiệm kỳ này đang xem xét, tổ chức lại mô hình tổng cục và có thể thành lập một số cục. Chức năng quản lý nhà nước phân tán nên việc lập thanh tra cục phải có quy định cụ thể, tránh sau này quy trình thực hiện khó khăn. "Cần nghiên cứu để đảm bảo tính khả thi, chặt chẽ và phân định rõ giữa thanh tra bộ với thanh tra tổng cục, cục, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực", ông Thi nói.

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cũng cho rằng các cơ quan này đang thực hiện kiểm tra mang tính hành chính nhiều hơn chứ không phải thanh tra. Để tránh trùng lặp, tinh gọn bộ máy, nên giới hạn lại đối tượng của hoạt động thanh tra. "Hiện tại đối tượng quá rộng, đến tận doanh nghiệp, người dân. Nên hạn chế tối đa cơ quan thanh tra cục, tổng cục và nên giao cho thanh tra bộ thực hiện", bà Thủy đề xuất.

Luật Thanh tra hiện hành được Quốc hội thông qua năm 2010. Tại kỳ họp Quốc hội này, đại biểu sẽ xem xét, cho ý kiến lần đầu dự án luật Thanh tra sửa đổi

Hoàng Thùy - Viết Tuân
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan