Thanh mất việc khoảng đầu tháng 5/2021, không lâu sau khi đợt dịch thứ tư bùng phát. Cùng lúc vợ anh cũng phải tạm nghỉ vì nhà máy không đủ điều kiện tổ chức sản xuất "ba tại chỗ". Khó khăn chồng chất khi cả gia đình bốn người nhiễm Covid-19. Để trụ lại thành phố, vợ chồng anh chắt bóp chi tiêu, vay mượn người thân gần chục triệu đồng.
Khu trọ nơi anh ở có hơn 100 phòng. Trong ba tháng thành phố giãn cách, chủ nhà miễn hẳn một tháng, hai tháng còn lại "cho nợ khi nào có thì trả".
Giữa tháng 2, anh Thanh được một công ty may nhận vào làm việc chính thức. Cùng lúc đó, anh xem tivi và biết tin có chính sách giúp đỡ lao động đang thuê nhà. Đến cuối tháng 3, gói hỗ trợ được thông qua, dự kiến giải ngân 6.600 tỷ đồng cho 3,4 triệu lao động làm việc ở các khu công nghiệp, chế xuất, khu kinh tế tại 24 tỉnh thành thuộc bốn vùng kinh tế trọng điểm. Toàn bộ thủ tục rút gọn trong 11 ngày. Tiền được chuyển qua tài khoản người lao động hoặc trao trực tiếp với trường hợp không có tài khoản.
Nếu cả hai vợ chồng anh Thanh cùng được giúp đỡ, số tiền nhận được là ba triệu đồng, vừa đủ trả hai tháng tiền nhà còn thiếu. Thế nhưng anh chị đợi mãi không thấy ai hướng dẫn làm hồ sơ nhận trợ cấp. Sợ rằng đây lại là câu chuyện "lên tivi mà nhận", vợ chồng anh quyết định ứng lương gửi chủ trọ, xem như chưa từng nghe về gói hỗ trợ tiền nhà để đỡ phải ngóng trông.
Nhưng tuần trước, bộ phận Nhân sự của nhà máy gọi anh lên điền thông tin vào đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà sau khi chính quyền thành phố có kế hoạch triển khai. Nhận xấp giấy tờ từ người quản lý anh Thanh dự định sớm hoàn thiện thủ tục, vì "muộn còn hơn không", dù đã qua cái cảm giác thấp thỏm ngóng trông như ba tháng trước, khi anh lần đầu nghe tin trên tivi - khi anh chẳng còn chỗ bấu víu nào ngoài bà chủ trọ.
Không phải ai cũng may mắn gặp được chủ trọ tốt như gia đình anh Thanh. Năm ngoái khi dịch bùng phát, nhiều lao động mất việc, không có tích lũy, tiền trọ đè nặng đã buộc họ phải rời thành phố.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khoảng 2,2 triệu người hồi hương do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài, trong đó khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP HCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh thành phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác.
Từ thực trạng đó, gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động ra đời với mục tiêu giúp doanh nghiệp giữ chân công nhân, thu hút những người hồi hương quay lại các thành phố làm việc, tạo điều kiện để sản xuất phục hồi sau đại dịch. Người lao động có thêm một khoản chi phí để trang trải sau những khó khăn chồng chất vì Covid-19.
Nhưng thực tế không như kỳ vọng. Theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tính đến ngày 16/5, chưa có lao động nào nhận được tiền, tất cả mới chỉ dừng ở bước đã ban hành kế hoạch hoặc nhanh nhất là tiếp nhận hồ sơ. Tại TP HCM, dự kiến gần 1,2 triệu người lao động ngoại tỉnh và đang ở thuê tại TP HCM sẽ được hỗ trợ tiền thuê nhà. Đến chiều 23/5, Bảo hiểm xã hội TP HCM mới xác nhận cho hơn 21.000 trường hợp, chiếm gần 2%; nhưng tiền vẫn chưa có.
Không riêng gì gói hỗ trợ tiền thuê trọ, hàng loạt gói hỗ trợ khác rơi vào tình cảnh tương tự. Trong đó phải kể đến chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho lao động với kinh phí dự kiến 4.500 tỷ đồng nhưng sau 10 tháng mới giải ngân được 17,1 tỷ; vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh chi được 297 tỷ (khoảng 3%); vay vốn trả lương ngừng việc giải ngân 262 tỷ đồng (3,5%)... Tại TP HCM, hiện vẫn còn hơn một triệu người đang chờ gói hỗ trợ đợt ba ban hành từ tháng 9 năm ngoái với mục tiêu giúp đỡ người khó khăn do dịch, mỗi trường hợp nhận một triệu đồng...
Có nhiều lý do khiến chính sách hỗ trợ chậm trễ. Đơn cử với gói hỗ trợ tiền thuê nhà, các cơ quan phụ trách viện dẫn thiếu nhân lực, lao động quá đông, chủ nhà trọ không xác nhận hoặc ngân sách địa phương chưa cân đối được nguồn tiền...
Chính phủ vừa có công điện yêu cầu hoàn tất gói hỗ trợ thuê nhà trong tháng 8, thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 15/8. Như vậy, khả năng nhiều sẽ người nhận được tiền vào giữa cuối quý 3 năm nay, khi mà cuộc sống, công việc của họ gần như đã ổn.
Số tiền hỗ trợ 1,5-3 triệu đồng là không nhiều nhưng nó vẫn sẽ xứng đáng là "một gói" khi được trao đúng lúc người ta "đói". Nhưng khi sự giúp đỡ không đến kịp lúc, mục tiêu tốt đẹp đặt ra ban đầu sẽ ít nhiều mất ý nghĩa.
Lê Tuyết
(PS st theo VnExpress)