Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 2 Điều 1 của dự thảo luật.
Chính phủ đề nghị bổ sung sửa đổi khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca theo quy định của pháp luật; tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca đã được quy định tại Điều 13 của Hiến pháp năm 2013. Điều 351 của Bộ luật Hình sự, Điều 16 của Luật An ninh mạng đã có quy định cụ thể về xử lý tội phạm, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao ở trong nước, nước ngoài và cả trên không gian mạng trở nên phổ biến hơn, việc tiếp tục hoàn thiện quy định của pháp luật là rất cần thiết để đáp ứng yêu cầu vừa bảo đảm sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa bảo đảm quyền thụ hưởng của người dân.
Do đó, để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của luật cũng như nội dung và phạm vi quy định của Điều 7 (Giới hạn quyền sở hữu trí tuệ), đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý khoản 2 Điều 7 như sau: “Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca”.
Thảo luận về nội dung này, ĐB Phạm Văn Hòa cho rằng, trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, các hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế diễn ra thường xuyên, việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, KTXH, hoạt động thể dục thể thao trong và ngoài nước trên không gian mạng ngày càng phổ biến hơn.
Vì vậy, việc quy định sử dụng phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca vào Luật là rất cần thiết, vừa đáp ứng yêu cầu đảm bảo sự tôn nghiêm của các biểu tượng quốc gia trong đời sống xã hội, vừa đảm bảo quyền hưởng thụ của người dân.
Theo ĐB, vừa qua có sự đáng tiếc xảy ra trong sự kiện thể thao quốc tế về Quốc ca. Đó là sự vi phạm tôn nghiêm của quốc gia. Cho nên việc cấm tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được ngăn chặn, cản trở phổ biến, sử dụng Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca là rất cần thiết.
Cùng vấn đề, ĐB Nguyễn Hải Anh nêu rõ, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, là biểu tượng thiêng liêng của đất nước, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử và cách mạng sâu sắc, là quốc thể, niềm tự hào, niềm tin và khát vọng cháy bỏng của dân tộc, là biểu tượng và tượng đài bất diệt của lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ cha anh đã quên mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, là kết tinh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc…
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện về mọi mặt, các hoạt động quốc tế đối ngoại ngày càng dày đặc, việc khai thác, sử dụng, tiếp cận trên không gian mạng ngày càng phát triển. Việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca tại các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể dục thể thao không chỉ ở trong nước, nước ngoài mà còn diễn ra trên không gian mạng, vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh những vấn đề về sử dụng bản quyền… liên quan đến các đối tượng đặc biệt này.
Ông Hải Anh cho hay, dưới góc độ bản quyền có thể xảy ra vụ việc, nhân danh sáng tạo nghệ thuật để có hành vi cản trở, ngăn chặn sử dụng theo quy định của pháp luật hoặc xúc phạm Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, lợi dụng việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan để ngăn chặn, cản trở việc tiếp cận, phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca thông qua các đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có chứa Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam.
Với các lý do trên, ĐB bày tỏ hoàn toàn nhất trí và đồng tình cao với việc bổ sung tại khoản 2 Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ nội dung tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.
Việc bổ sung quy định như dự thảo Luật là rất cần thiết, vừa đảm bảo giữ gìn tính tôn nghiêm, sự thiêng liêng của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca Việt Nam, vừa đáp ứng được nhu cầu phổ biến và hưởng thụ của nhân dân, yêu cầu hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn trong và ngoài nước, đồng thời đảm bảo quy định phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ.
Giải trình thêm vào cuối giờ phiên thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đánh giá, các ĐBQH thống nhất cao khi bổ sung khoản 2, điều 7 liên quan đến tổ chức, cá nhân thực thi quyền sở hữu trí tuệ với Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc huy. Đây là vấn đề thực tiễn được đặt ra khi vừa qua truyền hình trực tiếp bóng đá mà lại ngắt tiếng quốc ca khiến khán giả, người dân bức xúc. Với quy định này, ông Tùng nhấn mạnh sẽ có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý kịp thời những hành vi như vậy.
Trần Thường - Trần Nhì
(PS st theo VietNamNet)