"Thiếu thuốc vì sợ sai" - Góc nhìn của Bác sỹ Trần Văn Phúc

Ngày đăng: 11:02 18/06/2022 Lượt xem: 156
GÓC NHÌN

Thiếu thuốc vì sợ sai

Bệnh nhân 86 tuổi bị tiểu đường biến chứng kèm chấn thương phần mềm do tai nạn, phải chuyển ba bệnh viện điều trị nhiều tháng trời vì thiếu thuốc.

Tuần trước, bác sĩ giải thích với gia đình tình trạng bệnh đang tiến triển tốt, đề nghị chuyển viện để nhường chỗ cho bệnh nhân khác.

Là bác sĩ, tôi hiểu, suốt một năm qua có rất nhiều bệnh nhân phải chuyển viện để nhường chỗ, phải sang viện khác làm các xét nghiệm do thiếu hóa chất, phải ra ngoài chụp chiếu vì máy hỏng hoặc thiếu vật tư.

Tôi nói với bệnh nhân 86 tuổi, hãy trình bày với bác sĩ nguyện vọng ở lại và ký cam kết đồng ý mua thuốc bên ngoài. Thật may mắn, vì thêm vài triệu tiền thuốc mỗi ngày với gia đình này không phải vấn đề lớn. Nhờ có "đơn thuốc ngoài", chỉ một tuần sau, sức khỏe bệnh nhân ổn định và được ra viện.

Cái giá của sự cứu sống là không thể đo đếm. Tôi lấy ví dụ, một người ung thư giai đoạn cuối bác sĩ tiên lượng về nhà chỉ sống được ba tháng. Nếu điều trị theo phác đồ thông thường có thể sống thêm một năm, nhưng điều trị bằng loại thuốc đắt tiền, thời gian sống có thể lên đến 5 năm, hoặc lâu hơn, thậm chí khống chế được tế bào ung thư. Vậy bệnh nhân có bán căn nhà đang ở không? Tôi tin hầu hết người bệnh chấp nhận. Giữa điều trị, với những viên thuốc thông thường giá chục nghìn đồng, đến viên thuốc hàng triệu bạc, có sự khác nhau quá xa. Nếu không có biện pháp quản lý phù hợp, giá thuốc cùng vật tư thiết bị sẽ đẩy lên bất thường, người bệnh phải gánh chịu.

Trong suốt nhiều năm, giá thuốc và vật tư thiết bị y tế đã bị thổi phồng một cách vô lý; nhưng không có gì lạ. Công ty dược, nhà sản xuất sinh phẩm hay thiết bị y khoa, thực chất chỉ được hưởng "1 phần 10" giá đó. Còn lại "9 phần 10" rơi vào các khâu trung gian, môi giới, hay những khoản lót tay bôi trơn. Trong những tình huống bất khả kháng như dịch bệnh và thiên tai, nhiều người lợi dụng kẽ hở để trục lợi hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng tiền ngân sách.

Trong vòng hai năm qua, cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã bắt khoảng 70 người trong ngành y tế, bao gồm một bộ trưởng, 15 giám đốc cùng bốn phó giám đốc các bệnh viện và CDC các tỉnh thành, sáu lãnh đạo cấp bộ và cấp vụ, một đại tá và một thượng tá quân đội; con số chưa dừng lại ở đó.

Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở nhiều tỉnh thành hiện nay chủ yếu là do chậm đấu thầu mua sắm. Trong bối cảnh hành lang pháp lý - cụ thể là các thông tư hướng dẫn cho công tác mua sắm - chưa bao phủ hết các tình huống, các vụ bắt bớ vì vi phạm quy định về đấu thầu đã khiến những người chuyên trách mua sắm vật tư, trang thiết bị "vừa làm vừa sợ".

Người làm sai rõ ràng phải chịu tội, nhưng cần hoàn thiện hành lang pháp lý để những người đương nhiệm được đảm bảo an toàn khi làm việc và cống hiến.

Hoạch định chính sách y tế cần nhìn vào số đông người bệnh.

Tôi quan sát và nhận thấy, chỉ một số bệnh ít nhân có thể chi thêm khoản tiền lớn khi đi viện, còn lại đa số vẫn trông chờ bảo hiểm y tế. Ngay cả những người không thuộc hộ nghèo, họ thực sự miễn cưỡng khi phải chi thêm tiền. Bởi lương bổng với họ chỉ đủ chi trả các khoản, dư dả thì có ít tiền tiêu vặt, khi ốm đau sẽ là cả một vấn đề.

Đối với hầu hết bệnh nhân tôi gặp, về lý thuyết thì cuộc sống đúng là vô giá, nhưng mạng sống đang bị đối xử rẻ mạt. Bởi việc tiêu tiền cho sức khoẻ bản thân với họ là điều xa xỉ. Mỗi khi bị bệnh, điều đầu tiên những người ấy hỏi tôi không phải là làm thế nào để chữa khỏi, mà họ ngập ngừng muốn biết chi phí chữa bệnh là bao nhiêu. Những biến chứng hay tác dụng phụ của phác đồ điều trị, như đau đớn, nhức đầu, nôn mửa, phù nề, thậm chí vàng da... chưa phải là vấn đề quan tâm của họ.

Nhiều người dân ở các vùng nông thôn chấp nhận chống chọi với những căn bệnh mãn tính, khi đến viện đã quá muộn.

Đó là lý do tôi ủng hộ chủ trương đấu thầu tập trung, mặc dù hình thức đấu thầu này đang bộc lộ những bất cập, cần phải điều chỉnh phù hợp. Một trong những bất cập là giá xây dựng kế hoạch đấu thầu. Đây chính là nguyên nhân gây tình trạng thiếu thuốc, thiếu hoá chất và vật tư tiêu hao, thiếu trang thiết bị y tế, máy móc hỏng chỉ đắp chiếu chứ không thể sửa chữa.

Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 01/2012/TTLT-BYT-BTC, các đơn vị xây dựng giá kế hoạch phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các đơn vị do Bộ Y tế cập nhật. Để an toàn, các bệnh viện sẽ chọn giá thấp nhất. Nhưng có thể giá nguyên liệu đã tăng, xăng dầu tăng nên cước phí vận chuyển cũng tăng, do lạm phát nên chi phí bảo quản và phân phối cũng tăng theo; vậy nên cơ sở y tế không thể mua được thuốc hay thiết bị máy móc với giá kế hoạch.

Cải cách y tế là bắt buộc, đó là kế hoạch khổng lồ, mà đấu thầu tập trung công khai minh bạch sẽ giảm phần lớn chi phí trung gian gây tốn kém, đảm bảo cung ứng đủ cả về số lượng lẫn chất lượng thuốc và vật tư thiết bị y tế, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Đó chỉ là bước khởi đầu công cuộc cải cách. Tiếp theo, sẽ là công việc nâng cao thu nhập của nhân viên y tế, đổi mới mô hình doanh nghiệp dược, mô hình doanh nghiệp thiết bị y tế, mô hình bệnh viện, mô hình sức khoẻ cho cộng đồng cư dân hay vùng địa lý...

Tất cả đều là thách thức đang chờ ở phía trước, nhưng không thể chần chừ.

Trần Văn Phúc
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan