Hệ thống y tế của Indonesia rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Thời điểm đó, vaccine là thứ rất quý giá. Một số lao động người Việt ở Indonesia chia sẻ với tôi, họ chỉ biết ngồi nhà tự cách ly để bảo vệ bản thân, vì không thể tìm được nguồn vaccine tiêm phòng.
Đến nay tình hình đã khác. Các kho lưu trữ căng thẳng khi chứa đầy vaccine sắp hết hạn. Cuối tháng 5, chính quyền Indonesia bắt đầu tiêu hủy hàng triệu liều vaccine, trong bối cảnh nước này đã phủ mũi một tới 96% dân số, mũi hai 80% và mũi ba khoảng 22%.
Các quốc gia khác cũng tương tự. Để giải quyết tình trạng dư thừa vaccine dẫn đến quá hạn, trong năm 2022, Mỹ tài trợ thêm 500 triệu liều cho chương trình tiêm chủng quốc tế, gấp đôi con số kế hoạch. Khoảng 620.000 liều vaccine của Thụy Sĩ không tìm được quốc gia tài trợ, nên đã phải tiêu hủy khi hết hạn. Đan Mạch tiêu hủy 1,1 triệu liều, Anh hủy 4,7 triệu liều. Liên Hợp Quốc cho biết các nước đang phát triển đã từ chối nhận 100 triệu liều vaccine tài trợ.
Trên toàn thế giới, tiêm phòng Covid-19 có những thời điểm phải thực hiện bắt buộc. Các chính phủ đưa ra quy định về hình phạt nếu công dân không chịu tiêm, ví dụ hạn chế quyền tự do đi lại, cấm tham gia sự kiện, thậm chí là phạt với số tiền lớn. Việc tiêm phòng bắt buộc được áp dụng với các dịch bệnh nghiêm trọng và dễ lây lan. Đây là vấn đề đạo đức y tế công cộng. Khi một đại dịch bùng phát, tỷ lệ tử vong cao, hệ thống y tế quá tải, thậm chí là khủng hoảng, thì những cá nhân không tiêm phòng sẽ dễ mắc bệnh, lây cho người khác, tạo gánh nặng rất lớn lên mạng lưới chăm sóc sức khỏe.
Khi dịch căng thẳng nhất, các chính phủ còn phải đóng cửa toàn bộ xã hội. Rõ ràng đóng cửa kéo theo những chi phí xã hội khổng lồ. Trong khi tiêm chủng bắt buộc là biện pháp rẻ hơn rất nhiều, hiệu quả phòng bệnh cũng cao hơn, giảm được phần lớn số ca nhiễm, ngăn chặn các ca bệnh nặng và tử vong.
Nhưng khi đại dịch đã được kiểm soát cơ bản, các hoạt động xã hội trở lại trạng thái gần như bình thường, số ca nhập viện thấp và tỷ lệ tử vong ở mức cho phép, thì việc áp các biện pháp phòng chống dịch bệnh ngặt nghèo là không cần thiết. Tiêm chủng bắt buộc với toàn dân cũng vậy.
Covid-19 đang có xu hướng gần hơn với cúm mùa. Rõ ràng không một quốc gia nào trên thế giới đặt ra chỉ tiêu tiêm chủng cúm cho toàn dân. Nhưng vẫn có những nhóm đối tượng cần phải khuyến khích tiêm phòng cúm. Theo quan sát của tôi, những người có nguy cơ dễ mắc cúm và bị cúm nặng, họ đã chủ động tiếp cận vaccine và tiêm phòng.
Tính đến 23/6, Việt Nam đã tiêm tổng cộng hơn 228,4 triệu liều vaccine Covid-19, với tỷ lệ bao phủ liều cơ bản ở người từ 12 tuổi trở lên đạt gần 100%; tỷ lệ tiêm mũi 3, 4 cho người 18 tuổi trở lên đạt 63,9% và 6,1%.
Trong bối cảnh Việt Nam gần như đạt miễn dịch cộng đồng, số ca nhiễm tăng không đáng kể và tỷ lệ tử vong thấp, tiến độ tiêm chủng chậm lại gây tồn vaccine tại tuyến trung ương và tuyến tỉnh. Trước nguy cơ dư thừa, phải tiêu hủy vaccine, đại diện Bộ Y tế yêu cầu 20 tỉnh miền Nam tiêm hết vaccine đã phân bổ trước 30/6. TP HCM và Bình Phước cũng yêu cầu người dân không đồng ý tiêm chủng thì phải ký giấy cam kết chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh.
Tiêm chủng phòng Covid là rất quan trọng, hiện tại cũng vậy. Nhưng không nên áp quy định bắt buộc tiêm phòng với mọi người dân, thay vào đó phân ra các nhóm "ưu tiên", khuyến khích vận động từng nhóm tự nguyện tiêm chủng để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mức độ nghiêm trọng của Covid có mối liên hệ chặt chẽ với tuổi tác. Ví dụ, tỷ lệ tử vong ở người trên 80 tuổi là gần 8%, trong khi chỉ 0,0016% ở trẻ em dưới 10 tuổi, như vậy người già phải thuộc nhóm "ưu tiên" vận động tiêm chủng.
Các nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19 gồm: những người làm công việc tiếp xúc nhiều (nhân viên y tế, nhân viên thu ngân, nhân viên bán hàng...); những nhóm dễ mắc bệnh và khi nhiễm có nguy cơ trở nặng và tử vong, như người cao tuổi, người mắc các bệnh nền (tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, các bệnh mãn tính, ung thư). Việc triển khai tiêm vaccine thành công, đòi hỏi phải có thời gian, cung cấp thông tin cho người dân để tạo nên sự tin tưởng, từ đó vận động các nhóm đối tượng tiêm chủng. Đó là cách làm tôi cho rằng hiệu quả nhất lúc này.
Đương nhiên, từ chính sách tiêm chủng bắt buộc với kế hoạch dự trữ vaccine dồi dào, chuyển sang tiêm chủng tự nguyện khuyến khích từng nhóm đối tượng, thì nguy cơ dư thừa vaccine có thể khẳng định là chắc chắn. Quốc gia nào cũng có thể rơi vào tình trạng này. Nhưng an toàn của người dân và lợi ích sức khoẻ cộng đồng ở bất cứ giai đoạn nào của dịch bệnh cũng phải đặt lên hàng đầu, vì thế mà ở hiện tại, không nên đặt ra chỉ tiêu tiêm bằng hết vaccine. Vaccine hết hạn phải chấp nhận tiêu hủy.
Tổn hại về kinh tế có thể chấp nhận nhưng tổn hại sức khỏe thì không.
Trần Văn Phúc
(PS st theo VnExpress)