“Cái gì cũng đúng nhưng nơi này nơi kia nhìn đâu cũng thấy sai sai”. Bài thứ 3 – Góc nhìn của Hoàng Văn Kính.

Ngày đăng: 05:43 08/07/2022 Lượt xem: 183
CÁI GÌ CŨNG ĐÚNG NHƯNG NƠI NÀY NƠI KIA
NHÌN ĐÂU CŨNG THẤY SAI SAI
Hoàng Văn Kính

     
 BÀI 3: LẤY DÂN LÀM GỐC

 
       Lấy dân làm gốc là quan điểm xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo của Đảng ta. Bác hồ đã dậy: “ Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Dân là gốc rễ, dân là tai mắt của Đảng, trong những cuộc kháng chiến trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước sức mạnh đại đoàn kết toàn dân đã góp phần quyết đinh làm nên mọi thắng lợi. Nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận tiếng nói của dân trong một số lĩnh vực hiện nay chưa được lắng nghe thấu đáo, nhất là những phản biện chính đáng đụng chạm đến các quan chức trong đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực.
       Quan chức ai sống như thế nào, giầu nghèo, đạo đức tư cách ra sao người dân biết hết nhưng có khi nào được các cấp lãnh đạo thăm dò. Nếu có đơn thư phản ảnh tố cáo thì hoặc là bị ỉm đi hoặc là bị gạch đít với tội danh là kẻ hay gây rối hoặc bị quy tội nói xấu lãnh đạo. Nếu đơn thư ấy là đúng thì cũng bị gọi lên mời xuống, hoạnh họe đủ điều kéo dài cả tháng trời, đau đầu, tốn tiền, mất thời gian, hàng xóm nhòm ngó dị nghị. Chưa kể có khi còn bị khủng bố tinh thần.
       Đã có quy định định kì hoặc mỗi lần được thăng quan tiến chức quan chức đểu phải làm bản kê khai tài sản nhưng người dân địa phương, những gia đình ở cận kề, cấp dưới đã có ai được mục sở thị cái bản kê khai ấy!
Đã có cơ chế bảo vệ người dám đấu tranh vì lẽ phải nhưng xem ra được vạ thì má đã sưng. Người dân đành tặc lưỡi, im miệng cho yên thân, có biết mười mươi cũng đừng liều mình mà chọc ngoáy vào đấy.
       Chủ trương: Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ rất hay, rất đúng, rất trúng nhưng xem ra nó mới chỉ dừng lại ở câu khẩu hiệu, những lời kêu gọi chung chung. Dân chỉ biết làm, chỉ biết đóng góp không được thiếu một xu và khi có thành quả thì ít nhiều cũng được hưởng thụ, còn lại ai cho biết, ai cho bàn, ai cho kiểm tra? Thực tế với nhiều lí do người dân không có quyền đòi hỏi những thứ đó, mà có muốn đòi cũng không được, biết gì mà xía vào đấy!
       Để che đậy những mưu mô khuất tất khi đã vào nguồn được luân chuyển luôn xoành xoạch, con ông cháu cha cứ làm cán bộ Đoàn là có cơ hội được thăng tiến. Đấy là bệ phóng lí tưởng nhất, “ hợp lí” nhất và cũng ngắn nhất, dễ che mắt bàn dân thiên hạ nhất.
       Nếu cơ quan chức năng thật sự cầu thị, biết lắng nghe tiếng nói của dân thì vấn đề đất cát ở Thủ Thiêm, tiêu cực ăn chia trong đấu thầu, làm đường… ở nhiều nơi, nhiều địa phương không lình xình hàng chục năm, Nhà nước mất trắng cả đống tiền của, mất cả lòng tin kéo theo một loạt quan chức vào vòng lao lí.
       Đang thiếu một cơ chế để có thể biến phòng chống tham nhũng, tiêu cực thành một nét văn hóa, một phong trào rộng khắp trong toàn dân. Chỉ khi nào cái thứ văn hóa truyền thống “ Một người làm quan cả họ được nhờ” được thay bằng: “ Một quan thanh liêm cả họ được nhờ” thì chủ trương: Dân biết… mới khả dĩ thành hiện thực.
       Chúng ta có cả một Quốc hội với trên 500 đại biểu. Bầu cử nhiệm kì vừa rồi có tới trên 95% người dân trong độ tuổi trên cả nước nô nức đi bỏ phiếu, quá dân chủ, quá mỹ mãn. Nhưng tại sao khóa nào cũng vậy vẫn có một tỷ lệ Đại biểu chưa hết nhiệm kì, thậm chí mới được bầu đã dính vòng lao lí: suy thoái đạo đức, tham ô, tham nhũng, cục bộ bè phái, nhiều trường hợp kéo dài từ các khóa trước. Nếu quy kết cho lá phiếu của cử tri thì oan uống quá bởi những dân biểu ấy là do Mặt trận thỏa hiệp tiến cử. Khi họ tham nhũng, suy thoái thì chẳng thấy Mặt trận đâu, cử tri chỉ còn biết than thở tự trách mình. Tin vào sự bảo lãnh của Mặt trận, cầm lá phiếu bầu nhưng đa số cử tri có biết họ là ai, chưa một lần được nghe họ nói, được mục sở thị hình hài mặt mũi họ ngoài một cái hình lờ mờ bé tẹo với mấy dòng trích ngang trên một khổ giấy chỉ bằng bàn tay. Không đi bầu thì không được, nhưng bầu phải những kẻ thoái hóa biến chất theo đề cử, giới thiệu của Mặt trận các cấp thì cái lá phiếu ấy lại gánh tội lỗi của một kẻ phá hoại.
       Cái mà người dân cần biết về con người mà mình bỏ phiếu bầu thì lại chẳng biết gì về họ cả! Muốn nâng cao vai trò giám sát của người dân thì phải làm tốt hai việc: 1- Phải thật sự cầu thị, biết lắng nghe tiếng nói của dân và 2-Phải công khái những gì dân muốn biết và phải biết.
       Mới đây khi khám xét nhà ông cựu chủ tịch UBND thành phố Hạ Long Phạm Hồng Hà bị bắt về tội; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ cơ quan chức năng phát hiện ông này đang ở trong một căn biệt thự trên mảnh đất vàng trị giá khoảng 100 tỷ cùng với 4 chiếc xe hạng sang, cái đắt nhất Lexus LX 570 có giá từ 8-10 tỷ đồng, tiếp đến con Lexus ES 250 có giá 2,5 tỷ, con Mercedes E 300 giá 2,9 tỷ và con “ mạt hạng ” nhất Vinfas Lux Sa 2.0 cũng có giá 1,2 tỷ đồng.
       Với khối tài sản khổng lồ này đã khi nào bị truy hỏi hỏi tiền ở đâu ra mà nhiều thế? Không biết có được “kê biên” trong bản kê khai tài sản theo quy định của Đảng đối với cán bộ đảng viên, chẳng lẽ người dân ở cái thành phố ấy lại không hay biết gì?
       Xin thưa dân biết cả đấy, có điều…
 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội
tin tức liên quan