Sao cứ để người bị kỷ luật rao giảng đạo đức

Ngày đăng: 03:58 29/07/2022 Lượt xem: 170

                             Sao cứ để người bị kỷ luật rao giảng đạo đức

                                                                    Nguồn: Báo Điện tử TuanVietnamnet

Trong hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết Trung ương 5 (khóa 13) vừa qua, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương có những phát biểu mang tính định hướng rất quyết liệt.

 

Có hai vấn đề Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh khi truyền đạt chuyên đề “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”, đó là “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ" và "không thể để cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi”.

Vi phạm nguyên tắc dân chủ hay “quyền lực bị tha hóa”

Vừa qua, các tổ chức, cá nhân bị kỷ luật hầu hết đều vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Lao Động

Thật ra không phải họ không hiểu nguyên tắc này. Trong chương trình giáo dục chính trị từ cơ sở, Đảng đã nhấn mạnh đến nguyên tắc “tập trung dân chủ”, nghĩa là khi vào Đảng, mỗi đảng viên đã được trang bị. Còn cán bộ học chương trình trung cấp, cao cấp lí luận, không những họ hiểu mà còn là những người truyền dạy cho cấp dưới.

Có một thực tế khôi hài là họ biết mà vẫn vi phạm. Hay nói một cách khác, trong họ có hai con người mà một học thuyết đã chỉ ra, đó là “con người kép” hay “con người đóng vai”. Trên diễn đàn họ nói rất hay nhưng đó là nói theo vai của họ được phân công, còn con người thật của họ lại khác. Nhiều vị cán bộ thuyết giáo về tội tham nhũng, tham ô, về nguy cơ, tác hại rất hay nhưng thực chất bản thân họ lại không thực hiện, không làm như vậy.

Lại nói về nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Nội dung có nhiều nhưng điểm cốt lõi là “tự do trong thảo luận, thống nhất trong hành động” và “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Chính “cá nhân phụ trách” mới sinh ra tha hóa từ đây. Khi có quyền lực trong tay, họ mặc sức thể hiện theo cái tôi của mình. Cái “lồng cơ chế” như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chưa đủ để “nhốt” quyền lực.

Trong nhiệm kỳ 2016-2020, theo thống kê đã thi hành kỷ luật 664 tổ chức cơ sở đảng, tăng 114 tổ chức so với nhiệm kỳ trước. Tính trung bình mỗi năm thi hành kỷ luật hơn 100 tổ chức. Riêng năm 2021, dù đang dịch bệnh nhưng đã thi hành kỷ luật 223 tổ chức đảng, một con số thật đáng báo động.

Theo Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, tập trung dân chủ là nguyên tắc cốt tử trong hoạt động Đảng, song có nơi thực hiện chưa nghiêm. Các tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật đa phần vi phạm nguyên tắc này. Có nơi dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ. Ngược lại, có một số nơi lại thả nổi, người đứng đầu không chịu trách nhiệm, sợ trách nhiệm.

Dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan là nguồn gốc là những vi phạm chính trong thời gian vừa qua.

Vụ chuyển nhượng đất của ông Tất Thành Cang cho tập đoàn tư nhân cũng là tự cá nhân quyết định, không bàn với Thường vụ vì lúc đó Bí thư vừa mới bị kỷ luật, ông là Thường trực nên tự quyết.

Hay vụ ông Vũ Huy Hoàng chỉ đạo cấp dưới sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) và tiền của Sabeco góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl để thực hiện dự án kinh doanh bất động sản. Sau khi góp lại chỉ đạo Sabeco thoái toàn bộ vốn góp (chuyển nhượng vốn) của Sabeco tại Sabeco Pearl cho doanh nghiệp tư nhân. Thế là sau một vòng, tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân trái pháp luật.

Còn rất nhiều vụ án mà người đứng đầu đều vi phạm nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Mới đây như vụ Bí thư Bình Dương hay Phú Yên… trong kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều nói rất rõ điều đó.

Cái nguy hại của “tha hóa quyền lực” chính là sự ảo tưởng về quyền lực. Tổ chức, nhân dân giao cho họ quyền để làm việc, mưu cầu lợi ích cho tập thể nhưng lại dùng quyền đó phục vụ cho cá nhân, cho “cánh hẩu", cho người thân.

Bác Hồ đã từng cảnh báo về sự “tha hóa” này và nhấn mạnh những quyền lực đó thực chất là nhân dân giao để làm viêc, cán bộ chỉ là “đầy tớ của nhân dân”.

Những vi phạm nguyên tắc này thật nguy hại. Nguy hại vì họ đứng trên tập thể, “tổ chức là ta mà Đảng cũng là ta”. Cũng vì thiếu dân chủ, thiếu cơ chế kiểm soát nên họ mặc sức dùng ý chí chủ quan trong công việc, trong chỉ đạo. Nói tập thể cấp ủy vi phạm trong thời gian qua nhưng thực chất là người đứng đầu áp đặt ý chí lên tập thể, tập thể không dám đấu tranh, buông lỏng nguyên tắc này, “đấu tranh thì tránh đâu”.

“Không để cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi”

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã có một chỉ đạo rất hợp lòng dân “không thể để cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi”.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai. Ảnh: Lao Động

Bà đề nghị có sự phối hợp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khi tổ chức cơ sở đảng bị kỷ luật, phải thay cấp ủy viên. “Nếu giữ nguyên sẽ không có được lòng tin, bởi bộ phận này nằm sát dân, sát cơ sở. Không thể để mấy ông cán bộ bị kỷ luật ngồi đó mãi, ảnh hưởng lòng tin của dân với Đảng”.

Không chỉ ở cấp cơ sở mà chính ở cấp cao hơn cũng sẽ có những tác động rất xấu đến quần chúng nhân dân. Một người đã bị kỷ luật nói không ai nghe. Một người giảm uy tín hay không gương mẫu nói cũng không ai nghe. Người cán bộ phải là người đi đầu, “lo trước thiên hạ, hưởng sau thiên hạ” như Bác Hồ nói mới làm gương, lôi cuốn được quần chúng.

Cán bộ không thể mãi “đóng vai”, không thể là “con người kép”, không thể là diễn viên đóng kịch vào vai ai sẽ có kịch bản, mà lời nói phải luôn đi liền với hành động.

Một lãnh đạo ở TP.HCM khi nói về làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nói về tham nhũng và chống tham nhũng thì rất hay nhưng sau đó lại bị Đảng đề nghị thi hành kỷ luật về “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, có khuyết điểm nghiêm trọng trong quá trình thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của một bộ phận nhân dân thành phố, gây bức xúc trong xã hội”…

Hiện nay, việc thi hành kỷ luật của Đảng phải trải qua các quy trình nên nhiều trường hợp chưa kịp xem xét. Vì thế hàng ngày họ vẫn đi rao giảng đạo đức, rao giảng sự liêm chính. Chính việc làm này lại có tác dụng ngược lại. Bà Trương Thị Mai nói "không để ngồi đó mãi" bởi đây thật sự là việc làm cấp bách. Ở các cấp cao hơn, tác động xấu sẽ còn lớn hơn vì hàng ngày họ vẫn chỉ đạo, phát biểu, tiếp xúc với nhân dân.

Công tác cán bộ là cả một quá trình, song đã làm sai đến mức phải thay thế thì phải thay thế ngay. Vừa qua, trường hợp của Bộ trưởng Y tế hay Chủ tịch Hà Nội là cách làm kịp thời, có tác dụng răn đe lớn. Chưa có người thay thì cứ chỉ đạo người phụ trách thay thế, nhưng việc kỷ luật, bắt giam phải làm ngay. Cả hệ thống nhịp nhàng, các cơ quan chức năng cùng vào cuộc thì mọi cái đều trơn tru.

Không thể để cho những người không xứng đáng “đóng vai” chức vụ này chức vụ khác để đứng trên bục, trước công chúng thao thao về sự liêm chính. Ai sai ai đúng, ai vì dân, vì nước, quần chúng biết rất rõ.

Công tác cán bộ là công tác về con người. Những người đứng đầu có vai trò to lớn có thể làm thay đổi bộ mặt của đơn vị, địa phương theo cả hai chiều hướng. Chính họ là những người dẫn dắt, là tấm gương, vì vậy họ phải thật sự mẫu mực cả về trí tuệ và hành động. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại câu của Lenin “thà ít mà tốt” và ông cho rằng “cán bộ xấu có cho cũng không lấy” là như thế.

Trong công cuộc phòng, chống tham nhũng mà Đảng đang triển khai quyết liệt, từng bước chỉ tên, điểm mặt những “quan tham”, những kẻ cơ hội, thoái hoá, biến chất, những kẻ “đóng vai”, “con người kép” bề ngoài thì “nam mô”, bụng thì “một bồ dao găm”. Lịch sử dân tộc đã rất công tâm, nhân dân đã rất công tâm. Câu ca “Thương dân dân lập đền thờ…” cũng là vì lẽ đó.

 ( C. H sưu tầm )

tin tức liên quan