Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
Kể từ sau trận ngập lịch sử năm 2008 đến nay, Hà Nội đã chi hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm. Thế nhưng đến nay, cứ mưa lớn là lại quay cuồng với ngập lụt, phố phường như sông.
Hơn 15.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống chống ngập
Để khu vực nội thành không bị ngập úng mỗi khi mưa lớn, những năm qua Hà Nội chi đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào cải tạo, nâng cấp các dự án thoát nước. Đến năm 2016, Hà Nội đã hoàn thành các dự án thoát nước cho khu vực nội thành, với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng.
Để chống ngập cho phía Tây thủ đô, Hà Nội cũng đã đầu tư 7.400 tỷ đồng xây dựng dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông. Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm…
Như vậy, trong những năm gần đây, TP Hà Nội đã đầu tư hơn 15.000 tỷ đồng để xây dựng hệ thống thoát nước, trạm bơm, cải tạo hồ chứa nước trong các quận nội thành và khu vực phía Tây. Thế nhưng đến nay, cứ mưa lớn là Hà Nội lại quay cuồng với ngập lụt, phố phường như sông, sinh hoạt của người dân Thủ đô vẫn đảo lộn vì ngập.
Giải thích lý do ngập úng trên địa bàn TP trong hai ngày qua, ông Phan Hoài Minh - Tổng Giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, lượng mưa như vậy đã vượt quá khả năng thoát nước của hệ thống. Theo quy hoạch, Hệ thống thoát nước trong nội thành (lưu vực sông Tô Lịch) TP Hà Nội hiện nay đáp ứng được lượng mưa 310mm trong 2 ngày.
Còn tình ngập nặng nhưng tiêu thoát chậm vực phía Tây (Hà Đông, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân và Hoài Đức) là do hệ thống dẫn nước ra trạm bơm Yên Nghĩa chưa hoàn.
“Công suất của trạm bơm Yên Nghĩa là rất lớn, đảm bảo tiêu thoát nước cho khu vực phía Tây TP. Nhưng do kênh La Khê dẫn nước ra sông Đáy chưa hoàn thành nên trạm bơm Yên Nghĩa không thể vận hành hết công suất khi mưa lớn”, ông Phan Hoài Minh cho hay.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, hệ thống thoát nước trên địa bàn TP hiện nay mới chỉ hoàn chỉnh theo quy hoạch ở khu vực các sông Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu, diện tích 77,5km2 (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ). Hệ thống thoát nước ở khu vực phía Tây TP Hà Nội như quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch.
Xây khu đô thị, quên ao hồ thoát nước
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, GS. Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hệ thống thoát nước trong khu vực nội thành của Hà Nội hiện nay đáp ứng được lượng mưa 100mm/2h. Còn nếu lượng mưa trên 100mm/2h sẽ gây quá tải, dẫn đến ngập úng.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến ngập úng trong các quận của TP Hà Nội dù đã được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng hệ thống thoát nước, được GS. Vũ Trọng Hồng đánh giá do “cứ hở khu đất nào là được xây nhà cao tầng, khu đô thị”.
“Làm khu đô thị phải có bãi thấm nước, hồ chứa nước. Nhưng suốt bao năm qua Hà Nội lại không quan tâm đến điều đó!”, GS. Hồng đánh giá.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, vấn đề yếu nhất hiện nay của Hà Nội là chỗ nào cũng có thể xây dựng nhà cao tầng. Ông lấy ví dụ cụ thể như quận Hà Đông, đây là vùng đất thấp, để tiêu nước mưa. Tuy nhiên, hiện nay quận này lại được xây dựng quá nhiều khu đô thị. “Thế nên mỗi mua mưa, Hà Đông là khu vực bị ngập úng nhiều nhất”, GS Vũ Trọng Hồng nói.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Xuân Học cho biết, những bức xúc trong việc ngập úng trên địa bàn TP Hà Nội đã được nói nhiều và “mỗi mùa mưa gây ngập úng cứ đổ tại ông giời thế là xong!”.
Theo ông Đào Xuân Học, ngoài việc bỏ tiền ra đầu tư xây dựng thế thống thoát nước, TP Hà Nội cần đặc biệt quan tâm đến việc tậm dụng hệ thống thoát nước, kênh mương và ao hồ đã có. Tuy nhiên, nhiều năm qua, vì nhiều lý do, Hà Nội chưa quan tâm đến vấn đề này. Theo đó, các khu đô thị mọc lên nhiều nhưng quỹ đất dành cho tiêu thoát nước chưa được chú trọng.
“Theo tôi, mỗi khu đô thị phải dành 10% quỹ đất để làm ao hồ. Như vậy, nếu có mưa lớn thì tích nước thoải mái, không lo úng ngập. Cái này không có trong quy định cứng nên rất khó thực hiện, bởi ao hồ cũ mà nhiều người còn đòi lấp đi”, ông Đào Xuân Học nói thêm.
( C. H sưu tầm)