“Đầu năm học mới nỗi buồn về bài ca muôn thủa.” – Góc nhìn sự kiện của Hoàng văn Kính

Ngày đăng: 07:51 13/09/2022 Lượt xem: 179
 
ĐẦU NĂM HỌC MỚI – NỖI BUỒN VỀ BÀI CA MUÔN THỦA
Hoàng văn Kính
 
       Cuộc sống ngày nay, các bậc cha mẹ phải đối mặt với rất nhiều lo toan, phiền muộn xoay quanh chuyện cơm áo, gạo tiền và những nhu cầu vặt vãnh tối thiểu để sinh tồn trong tâm trạng lúc nào cũng rối như tơ vò. Còn bọn trẻ chúng cứ sống vô tư vui đùa, ca hát, nhõng nhẽo đòi phụ huynh phải mua cái nọ, sắm cái kia theo đúng yêu cầu của nhà trường! Không được như ý là dỗi, là khóc, là dọa không đến lớp.
       Cũng như nhiều năm học trước, chuẩn bị bước vào năm học 2022-2023 nhiều ông bố, bà mẹ lại phải tất tả, xấp ngửa với muôn vàn thứ lo, trong đó có 3 mối lo lớn đã thành nối ám ảnh với tất cả các bậc phụ huynh.
Thư nhất; Lo chạy trường, chạy lớp.
       Với số ít gia đình có của ăn, của để thì đấy là chuyện “ muỗi ”. Cứ rủng rỉnh đầy túi thì muốn vào đâu cũng xong, thường họ tìm chọn những trường tư đã có thương hiệu để cho con học. Ở đấy trường lớp khang trang, môi trường giáo dục hiện đại, có xe đưa xe đón, giáo viên được chọn lọc, không phải học thêm học nếm, không phải phong bao những ngày lễ tết, không phải thì thụt thưa gửi chạy điểm, xin phẩy. Ngược lại đại bộ phận phụ huynh điều kiện kinh tế eo hẹp phải ngược xuôi tìm trường công lập cho con học nhưng phải là trường thuộc tốp đầu, phải là lớp chọn, gần nhà, tiện đường đưa đón thì mới yên tâm.   
       Một bài toán quá khó: trường lớp có hạn trong khi học sinh đầu vào từ các trường mầm non, lớp 1 đến chuyển cấp thì quá đông vậy là phải chạy vạy, nhờ vả, luồn lót đi đêm thế mà để kiếm được một chỗ như ý không hề dễ chút nào. Chỉ riêng năm học 2022-2023 TP Hồ Chí Minh đã tăng hơn 22.000 học sinh các cấp, đã đưa vào sử dụng thêm 575 phòng học mới nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Theo quy định, sỹ số ở mỗi lớp hoc không quá 35 học sinh, nhưng phổ biến là 42-43 học sinh, có lớp lên tới 50-55 học sinh. Bà Hiệu trưởng Trường tiểu học Mễ Trì Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết sỹ số lớp 1 ở trường này khoảng 52-54 học sinh. Nhiều trường phải tổ chức dậy cả 2 buổi. Riêng ở quận Hoàng Mai Hà Nội, năm học 2022-2023 có1 trường mần non công lập nhưng có tới 4.000 học sinh đăng kí. Trường mầm non Hoàng Liệt năm học này có 713 hồ sơ đăng kí của trẻ từ 3-4 tuổi , nhưng chỉ đủ chỗ học cho 333 em. Để đảm bảo công bằng trường phải tổ chức bốc thăm may rủi!
       Rõ ràng việc thiếu trường, thiếu lớp đang là mối bận tâm chung của toàn xã hội, không phải chỉ của các cơ quan quản lí mà còn là nỗi lo mất ăn mất ngủ của các bậc phụ huynh.
       Thấy cảnh phụ huynh đi xin học cho con phải thức trắng đêm, dậy thật sớm “ lọ mọ nước lọ, cơm niêu” rồng rắn xếp hàng, chen lấn, mặt mày phờ phạc, quần áo xộc xệch, mồ hôi te tua mà thấy cám cảnh. Lo chạy được trường rồi lại phải gồng mình lo chạy lớp, phải bằng mọi giá vào được lớp A, nhưng phải là A1 mới yên tâm kế cao gối ngủ.
       Ngẫm mà thấy buồn, chẳng biết ở các nước khác thế nào chứ ở ta để có được con chữ nuôi ước mơ thành người quá ư là chật vật! Nếu không có bước đột phá ưu tiên đầu tư đúng mức cho xây dựng trường sở; nếu không có tầm nhìn chiến lược trong quy hoạch đô thị; nếu không đổi mới một cách thực chất, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo sự tiến bộ đồng đều giữa các cơ sở giáo dục thì e rằng bài ca này vẫn lặp lại trong những năm học tới, thậm chí còn gay gắt hơn.
Thứ hai: Chuyện về sách giáo khoa: Ở đây luôn tồn tại 2 vấn đề.
1) Ngoài những đầu sách quy định chung bắt buộc phải có, mỗi trường lại có nhưng quy định riêng về các loại sách tham khảo, của từng nhà xuất bản, hàng chục loại chứ chẳng đùa theo gợi ý của thầy cô chủ nhiệm, của nhà trường. Quyển nào cũng hay, quyển nào cũng rất quan trọng nếu muốn con em mình trở thành thiên tài trong tương lai. Chẳng lẽ khuân cả hiệu sách về nhà. Nếu ương ngạnh mà không mua thì sợ… nhiều thứ, còn nếu mua thì liệu có dùng đến, trọn bộ như thế cả tấn thóc chứ ít gì đâu, mà có những quyền phải chạy tìm bạc mặt, thậm chí phải alô chỗ nọ, chỗ kia tìm mua hộ, đóng gói gửi Bưu điện cho kịp ngày khai giảng. Cũng phiền toái lắm.
2) Cứ chuẩn bị bước vào đầu năm học mới là phải lo tiền, người hoàn cảnh thiếu thốn, khốn khó phải lo chạy vạy vay mượn, nhìn trước ngó sau trong nhà, ngoài sân xem có gì bán được thì mang ra chợ, gọi đồng nát, ve chai lấy tiền mua sách mới cho con. Mặc dù sách của con chị, thằng anh đi trước nom vẫn còn rất mới, có những quyển chỉ mới dùng vài lần rồi quên luôn trên kệ đành để nhóm lò, bán giấy vụn. Nếu tìm mua không được thì đã có Nhà trường lo giúp dĩ nhiên phải chấp nhận giá giời ơi. Tùy, muốn con nên người thì mua có ái bắt đâu, con cháu các vị mà học kém thì Nhà trường không chịu trách nhiệm đâu. Đến thế thì dù có phải đi bới rác cũng đành lòng.
       Cả nước có 5 nhà xuất bản ( NXB ) được phép phát hành sách giáo khoa gồm: NXB Đại học Sư phạm Hà Nội, NXB Đại học Sư phạm TP HCM, NXB Đại học Quốc gia HN, NXB Đại học Huế, NXB Giáo dục. Mỗi Nhà xuất bản ngoài những tiêu chí chung lại có cái riêng của mình để làm phong phú thêm nội dung giáo dục, Mỗi trường ( tùy theo sở thích ) lại chọn và yêu cầu phụ huynh phải mua sách của một Nhà xuất bản “ hợp cạ ”. Thế là phải chạy đôn chạy đáo đi tìm, có tiền đấy nhưng có loại chẳng thể tìm mua được.
       Chủ biên đều là những cây đa, cây đề, Giáo nọ, Tiến kia nhưng sạn to, sạn bé lổn nhổn đầy cả mồm. Nhớ năm học trước bộ sách “ Cánh diều” đã làm rung chuyển cả diễn đàn Quốc hội và mạng xã hổi vì có quá nhiều sạn, nội dung quá sức của học sinh lớp 1.
       Con em người ta mặc bộ đồng phục mới, có đôi dép mới, chiếc cặp mới tung tẩy rạng rỡ nụ cười tươi trong ngày khai giảng, con cháu mình không có thấy cũng ngượng ngùng, tủi thân. Thế là lại than thân, trách phận thở ngắn thở dài rồi tặc lưỡi xoay xở lo cho bằng được và lại tiền, tất cả đều cần đến tiền!
Thứ ba: Lạm thu đầu năm học.
       Nếu 2 vấn đề trên là mối lo thường trực của các bậc phụ huynh trước khi bước vào năm học mới thì lạm thu ( thu ngoài quy định, quản lí chi tiêu không minh bạch ) đã thành tệ nạn, là nỗi bức xúc chung của toàn xã hội. Nhiều người bảo đấy là nỗi nhục trong ngành Giáo dục.
       Theo quy định, đầu năm học các trường chỉ được thu 8 khoản gồm: 1) Thu học phái, 2) Thu hộ Bảo hiểm y tế, 3) Tiền ăn bắn trú ( Thu theo tháng ), nước uống tinh khiết, 4) Chăm sóc bán trú, 5) Trang thiết bị phục vụ bán trú, 6) Mua học phẩm đối với trẻ mầm non ( thu theo năm học ), 7) Tiền vệ sinh, 8) Đồng phục học sinh, quần áo thể thao, phù hiệu trường, thẻ học sinh. Các khoản này phải minh bạch, công khai và thu đủ chi. Các khoản không được thu cũng rất rõ ràng, gồm 5 khoản: 1) Bảo vệ cơ sở vật chất của trường, bảo đảm an ninh trường, 2) Trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, 3) Vệ sinh lớp học, vệ sinh trường, 4) Khen thưởng cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên nhà trường, 5) Mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dậy học cho trường, lớp học hoặc cán bộ quản lí, giáo viên và nhân viên nhà trường.
       Quy định rành rành như vậy, nhưng các trường lại nghĩ ra muồn vàn mưu hèn kế bẩn để buộc phụ huynh phải đóng tiền. Điển hình như trường Tiểu học Kỳ Trinh thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh mỗi học sinh lớp 1 năm học 2022-2023 phải đóng ngoài quy định chung gần 1 triệu đồng, trong đó 550 ngàn đồng chi mua 43 bộ bàn ghế, 173 ngàn đồng mua 3 cái bảng, 250 ngàn đồng vừa làm quỹ lớp và mua rèm cửa. Cô giáo Chủ nhiệm lớp 1 còn nhắn tin “ Quan điểm chỉ đạo của Nhà trường là nhập gia tùy tục, tránh tình trạng so sánh trường này với trường khác. Phụ huynh nào không đồng ý nộp, sang tuần không có bàn ghế cho con em mình ngồi học thì cá nhân phụ huynh, em đó phải tự chịu trách nhiệm”. Còn nhớ năm học 2021-2022, tại trường Tiểu học Đông Hải II ( Thanh Hóa ) do thắc mắc về các khoản tiền phải đóng góp thêm đầu năm học, lần 1 là 980 ngàn đồng, lần 2 là hơn 3,3 triệu đồng mà đã bị cô giáo Chủ nhiệm đề xuất phải chuyển lớp vì lý do “ Phụ huynh không hợp tác với giáo viên Chủ nhiệm”. Trả lời của Hiệu trưởng trường này về các khoản thu thêm là để lắp đặt điều hòa, tivi, bảng nhiều ngăn…các khoản này không nằm trong kế hoạch đầu tư nên phụ huynh tự nguyện đóng góp… khiến nhiều người bức xúc.
       Phần lớn các vụ việc lạm thu đều dưới danh nghĩa xã hội hóa, “ tự nguyện” ép phụ huynh tự nguyện qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, Nhà trường chỉ tiếp nhận tài trợ. Có trường yêu cầu lớp khi lắp đặt điều hòa mới phải kí giấy tự nguyện và cam kết sau khi ra trường sẽ tặng lại cho trường, không được tháo đi. Thế là năm sau lớp mới vào vẫn phải đóng tiền mua điều hòa và số tiền ấy chảy đi đâu thì…có trời mới biết.
       Phải khảng định hầu hết các trường mầm non, mẫu giáo và các bậc học phổ thông ít hay nhiều đều có lạm thu, cái mà phụ huynh thắc mắc nhất là số tiến ấy đi đâu, làm gì không minh bạch, không được đưa vào hệ thông số sách kế toán, không có đầy đủ các hóa đơn chứng từ thu chi.
       Nói là việc của bác còn nghe hay không là việc của chúng em. Nếu nhà trường không bật đèn xanh thì có cho kẹo cũng chẳng ai dám đứng ra đương đầu với tình trạng lạm thu. Có thanh tra, kiểm tra thì mọi tội lỗi đều đổ lên đầu kẻ không tóc là đại diện Ban cha mẹ học sinh. Huề cả làng.
       “ Tất cả vì học sinh thân yêu”, “ Tất cả vì tương lại con em chúng ta” xem ra nó vẫn chỉ là những câu khẩu hiệu làm sinh động thêm các bài phát biểu, tô đẹp thêm không gian Nhà trường. Thế mới biết nói thì rất dễ nhưng lúc bắt tay vào làm thì bị chèn ép bởi trăm ngàn những lợi ích riêng tư.
       Tiền là tiên là phật…thấy tiền nhiều kẻ chẳng còn biết mình là ai, cổ cồn Cavat cũng chỉ là chiếc áo khoác ngoài che đậy sự vụ lợi và lòng tham cố hữu trong mỗi con người. Chẳng trừ một ai cả.

 
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội

 
tin tức liên quan