"Ai trả tiền trái phiếu?" - Góc nhìn của Hồ Quốc Tuấn

Ngày đăng: 07:39 09/11/2022 Lượt xem: 150
GÓC NHÌN 

Ai trả tiền trái phiếu?

Hồ Quốc Tuấn

Hồ Quốc Tuấn

Giảng viên, Đại học Bristol, Anh

“Người mua trái phiếu liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát có được trả tiền không?”

Tôi được nhiều người hỏi như vậy sau khi có tin công bố bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị bắt; tương tự các câu hỏi trong trường hợp trái phiếu Tân Hoàng Minh.

Câu trả lời của cơ quan chức năng trong cả hai trường hợp gần giống nhau. Ai phát hành người đó trả tiền.

Ví dụ, trong trường hợp gần đây, Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông, thuộc "hệ sinh thái" Vạn Thịnh Phát đã phát hành trái phiếu, khoảng 25 nghìn tỷ đồng, đáo hạn trong giai đoạn 2023-2024. Vậy, với nhà đầu tư trái phiếu, người có trách nhiệm trả tiền là Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư An Đông.

Vấn đề ở đây là, người mua có thật sự hiểu rõ mình đã mua trái phiếu của ai, hợp đồng mua trái phiếu là gì, và quan trọng hơn, họ đã được tư vấn như thế nào khi mua trái phiếu?

Lâm, làm trong ngành tài chính, chia sẻ rằng nhà anh có người mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ từ ngân hàng, do các nhân viên thân quen chuyên chăm sóc lâu năm tư vấn. Người nhà Lâm chỉ biết đại loại trái phiếu do một công ty có trụ sở rất to ở Hà Nội phát hành, lãi suất 12%, cao hơn nhiều so với lãi suất ngân hàng, và phát hành để đầu tư vào những dự án bất động sản tiềm năng ở Hà Nội.

Đây là một hợp đồng mua trái phiếu chứ không phải hợp đồng hợp tác đầu tư như trong trường hợp "đầu tư trái phiếu" Tân Hoàng Minh. Nhưng rủi ro vẫn cao. Cách mà nhân viên tư vấn cũng như cách "thẩm định" của người nhà Lâm quá ngây thơ: trụ sở to, đầu tư bất động sản, lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm.

Không có một phân tích cơ bản nào về đầu tư được đưa ra như khả năng trả nợ, tình hình tài chính của công ty, khả năng thanh khoản của trái phiếu... Bởi vì người nhà Lâm không phải chuyên gia tài chính, và người tư vấn bán trái phiếu có lẽ cũng không. Không phải nhân viên ngân hàng nào cũng là chuyên gia tài chính có chuyên môn để tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Mối quan hệ ở đây rất đơn giản, người nhà Lâm tin vào nhân viên ngân hàng chăm sóc mình bao lâu nay, còn nhân viên ngân hàng, vì áp lực doanh số và sự cám dỗ của khoản hoa hồng bán trái phiếu (có thể lên 1-2%) mà tiến hành giao dịch.

Sợi dây tín nhiệm mong manh đó đang được nhiều ngân hàng và công ty chứng khoán lợi dụng để bán trái phiếu kiếm tiền trung gian. Theo tổ chức dữ liệu tài chính FiinPro, dữ liệu của thị trường thứ cấp cho thấy số lượng trái phiếu doanh nghiệp được nắm giữ bởi các cá nhân lên tới 32,6%, chủ yếu nhờ vào các giao dịch mua trung gian với công ty chứng khoán. "Có thể thấy, thị trường đang tồn tại hiện tượng môi giới chứng khoán mời gọi nhà đầu tư cá nhân không chuyên đầu tư vào các lô trái phiếu doanh nghiệp như một dạng tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao", FiinPro nhận định trong báo cáo ngày 20/9 "Đánh giá tác động của Nghị định 65/2022/NĐ-CP".

Nhà đầu tư cá nhân tin vào nhân viên ngân hàng và công ty chứng khoán tư vấn mà mua trái phiếu, nhưng khi trái phiếu gặp rủi ro thì nhà đầu tư tự lo. Vậy trách nhiệm của những người tư vấn đó ở đâu? Tiền hoa hồng thì lấy, nhưng không gánh trách nhiệm nào cả.

Ở Anh, chuyên viên tư vấn tài chính cho khách hàng phải có bằng cấp tư vấn tài chính do cơ quan quản lý Financial Conduct Authority (FCA) công nhận. Ngoài ra, các công ty trung gian tư vấn sản phẩm tài chính cũng phải công khai rõ các mối quan hệ mâu thuẫn lợi ích với khách hàng, chẳng hạn họ nhận được bao nhiêu phần trăm hoa hồng từ phí bán sản phẩm cho khách, hoặc họ hưởng lợi khi bán được trái phiếu như thế nào. Quan trọng nhất, công ty còn phải lập một báo cáo thể hiện rõ vì sao họ đánh giá sản phẩm mà họ tư vấn cho khách hàng là phù hợp với tình trạng tài chính và thông tin do khách hàng cung cấp, gọi là báo cáo đánh giá mức độ phù hợp của sản phẩm (suitability report).

Căn cứ vào đó, khi có sự việc xảy ra, khách hàng có thể khiếu kiện về việc không được tư vấn đầy đủ, cũng như công ty có thể đưa bằng chứng đã theo đúng quy trình. Quan trọng hơn, những bằng chứng được lưu trữ như vậy cho phép cơ quan quản lý đánh giá có ai vi phạm trong việc bán sản phẩm hay không và ra quy định xử phạt hợp lý.

Vì quy trình chặt chẽ như vậy, những nhà tư vấn tài chính ở Anh không dám nhắm mắt bán đại sản phẩm cho khách hàng chỉ vì hoa hồng, vì nếu họ làm sai, họ có thể bị thu lại chứng chỉ mà rất vất vả mới có được. Không có chứng chỉ thì không thể hành nghề.

Từ lâu câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp, nhất là trái phiếu bất động sản chỉ tập trung nói về công ty phát hành không đủ khả năng tài chính hay nhà đầu tư không chú ý tìm hiểu kỹ về sản phẩm. Vai trò của nhà trung gian phân phối mới chính là tảng băng chìm rất quan trọng mà các cơ quan quản lý nước ngoài nhận ra và xây dựng hẳn một bộ quy định rất dày để bảo vệ nhà đầu tư.

Việt Nam đã đến lúc nhìn ra câu chuyện này. Nó không chỉ giới hạn trong chuyện bán trái phiếu, mà còn liên quan đến bán bảo hiểm qua ngân hàng hay kênh chứng khoán. Sản phẩm tài chính là loại sản phẩm đòi hỏi kiến thức và sự tận tụy với khách hàng, vì nó có thể liên quan đến những khoản tích lũy cả một đời người lao động.

Một người tư vấn mẫn cán sẽ không để khách hàng hoang mang tìm câu trả lời "ai trả tiền trái phiếu" trên... tivi.

Hồ Quốc Tuấn
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan