"Nghịch lý mua bán điện" - Góc nhìn của Trần Văn Trãi

Ngày đăng: 04:53 29/03/2023 Lượt xem: 125
GÓC NHÌN

Nghịch lý mua bán điện

Trần Văn Trãi

Trần Văn Trãi

Doanh nhân

Một nhà đầu tư năng lượng tái tạo chia sẻ với tôi rằng, ngoài vốn cố định, anh phải đi vay khoản tiền lớn làm điện mặt trời. Khi dự án cơ bản hoàn thành, anh rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười”.

Trước đây, với chủ trương phát triển năng lượng tái tạo, Chính phủ áp dụng cơ chế giá điện FiT - công cụ hỗ trợ nhà sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo - bằng hợp đồng mua điện giá hợp lý, kéo dài 20 năm. Chính sách này thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia. Đến nay, số dự án điện gió và mặt trời đã vận hành chiếm gần 27% tổng công suất toàn hệ thống, trong đó có 16.545 MW điện mặt trời mặt đất, mái nhà và 4.126 MW điện gió.

Nhưng các quyết định về cơ chế giá FiT hết hiệu lực sau ngày 31/10/2021.

Do vướng đại dịch, không kịp tiến độ thi công để đưa vào vận hành thương mại trong thời gian áp dụng biểu giá FiT, dự án anh đầu tư phải chấp nhận khung giá phát điện mới, ban hành đầu năm nay. Theo đó, các dự án điện mặt trời chuyển tiếp được bán với giá thấp hơn 20-30% so với biểu giá FiT. Kết quả tính toán cho thấy, giá phát điện được duyệt trên cơ sở đề xuất của EVN không đảm bảo nguyên tắc tỷ suất lợi nhuận sau thuế đạt 12% cho các nhà đầu tư.

Chưa kể, hai năm qua, do phải chờ khung giá mới, chưa thỏa thuận được giá bán điện với EVN, các nhà đầu tư còn gánh chịu chi phí phát sinh trong thực tế và phải trả cả gốc lẫn lãi suất ngân hàng.

Câu chuyện của doanh nhân trên phản ánh tình cảnh của 84 dự án năng lương tái tạo bị chậm vận hành thương mại so với kế hoạch, cùng 34 dự án chuyển tiếp đã hoàn tất thi công và hoàn thiện thử nghiệm, đảm bảo đủ điều kiện huy động, nhưng chưa thể đưa vào sử dụng.

Trước tình cảnh này, 36 nhà đầu tư điện gió và điện mặt trời vừa gửi văn bản kiến nghị Thủ tướng về những bất cập trong việc xây dựng và ban hành cơ chế giá phát điện mặt trời, điện gió cho các dự án chuyển tiếp. Họ tính toán, nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ riêng 34 dự án đã hoàn thành xây dựng với tổng số vốn đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó trên 58.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ nợ.

Trong khi đó, EVN cảnh báo nguy cơ thiếu điện diện rộng, phải mua điện nước ngoài với giá gần 7 cent/KWh, nhưng chi phí sẽ không dừng lại ở đó vì còn phải đầu tư đoạn đường truyền tải từ biên giới nước bán điện kéo về đến điểm đấu nối vào hệ thống phân phối. Bộ Công thương cũng đề xuất tăng nhập khẩu điện từ Lào, Trung Quốc.

Nghịch lý là điện tái tạo trong nước không có chỗ bán, trong khi EVN phải mua điện từ nước ngoài.

Tôi ủng hộ các ý kiến đề nghị EVN mua điện mặt trời với giá chỉ bằng khoảng 90% giá điện nhập khẩu, không phải đầu tư thêm đoạn đường truyền tải. Giải pháp này vừa đỡ gây tốn kém vừa tạo lối ra cho các dự án chuyển tiếp trong nước.

Còn với người tiêu dùng, chuyện này sẽ có tác động như thế nào?

Việt Nam hiện chủ yếu sử dụng thủy điện và nhiệt điện than, trong đó than phải nhập khẩu từ nước ngoài với mức giá cao. Tất cả chi phí đều được đưa vào giá điện mà EVN bán cho các cơ sở sản xuất, dịch vụ, khách hàng cá nhân. Từ trước đến nay, giá điện chỉ lên mà không xuống, sử dụng càng nhiều thì trả tiền càng cao theo cách tính lũy kế. Ngành điện vừa qua lại đề nghị tiếp tục tăng giá bán điện.Nếu có cơ chế khai thác, tận dụng phù hợp, các dự án năng lượng tái tạo trong nước sẽ đóng góp rất lớn cho việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc nước ngoài. Nhưng bất cập lớn nhất trong thỏa thuận giá mua bán điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp là chưa có sự thống nhất giữa EVN và các nhà đầu tư.

Phát triển điện gió, điện than phải đi kèm với hệ thống cạnh tranh tải điện, phân phối, sử dụng và giá điện phù hợp. Thế nhưng, ngành điện vẫn còn nằm trong số ít dịch vụ hàng hóa độc quyền dù đã có chủ trương hình thành thị trường phát điện cạnh tranh cách đây hàng chục năm. Luật Điện lực cũng quy định tách đơn vị phát điện độc lập không có chung lợi ích với đơn vị bán buôn điện, truyền tải, điều độ hệ thống điện quốc gia và điều hành giao dịch thị trường điện.

Theo tính toán từ nay đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để phát triển loại hình năng lượng tái tạo. Nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 30%, phần còn lại phải xã hội hóa. Điều đó cho thấy nhu cầu xã hội hóa thu hút đầu tư sắp tới sẽ rất lớn với điện gió, điện mặt trời.

Sớm gỡ vướng cho các dự án năng lượng tái tạo, hoàn thiện quy trình với chính sách phát triển theo hướng tạo điều kiện đảm bảo hoàn vốn và có lợi nhuận, ưu đãi về thuế và đất đai, cạnh tranh công bằng, thì mới có thể thu hút nhà đầu tư.

Trần Văn Trãi
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan