"Chờ hỏi cấp trên' - Góc nhìn của Nguyễn Hoàng Nam

Ngày đăng: 03:22 04/06/2023 Lượt xem: 83

Chờ hỏi cấp trên

Nguyễn Hoàng Nam

Nguyễn Hoàng Nam

Doanh nhân

“Ở Việt Nam rất lạ, học sinh, sinh viên thì ít hỏi, mà cán bộ công chức cái gì cũng phải hỏi”, anh bạn người Mỹ của tôi, làm việc trong lĩnh vực đào tạo, thốt lên như vậy sau nhiều năm dạy học tại Việt Nam và không ít lần trực tiếp tới cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ cư trú, kinh doanh.

Thường xuyên làm việc với đại diện cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, tôi rất thấm thía vế thứ hai trong nhận xét của anh, từ những thủ tục thường gặp tới các vấn đề chưa có tiền lệ, đụng đâu hỏi đấy, cái gì cũng phải chờ hỏi ý kiến cấp trên. Tôi rút ra một kinh nghiệm: chủ động tìm các văn bản, công văn... hướng dẫn giải quyết những thủ tục tương tự đã được tỉnh khác áp dụng. Những "tài liệu tham khảo" đó giúp cán bộ thực thi bớt lúng túng, tự tin hơn khi ra quyết định; công việc của tôi nhờ vậy "trôi" nhanh hơn. Nhưng gần đây, "bài" này không còn hiệu nghiệm.

"Bây giờ không làm như cũ được anh ạ. Cùng một tình huống, nơi này làm đúng, nơi kia vẫn có thể sai. Anh chờ em làm công văn hỏi Bộ cho nó chắc", một cán bộ địa phương trả lời khi tôi tới xin giấy phép cho dự án xây dựng.

Cấp xã hỏi cấp huyện, huyện hỏi tỉnh, tỉnh hỏi bộ, bộ hỏi thủ tướng... đã trở thành một công đoạn thêm vào các quy trình xét duyệt, cấp phép, khiến không ít dự án của chúng tôi nhẹ thì đội thêm thời gian, chi phí triển khai; nặng thì rơi vào tình trạng hoãn vô thời hạn nếu khúc mắc giữa cấp dưới với cấp trên không được làm rõ. Thời gian trung bình của một chu kỳ hỏi - đáp là ba tháng. Doanh nghiệp sẽ phải tự chịu chi phí vốn, chi phí ngân hàng trong khi chờ đợi.

Trải qua nhiều quá trình làm thủ tục, tôi đã thuộc lòng điệp khúc cửa miệng của cán bộ, công chức: "Việc này cần phải xin ý kiến lãnh đạo", "Cái này cần phải làm công văn gửi lên trên để xin hướng dẫn"...

Con số 584 văn bản mà TP HCM hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong một năm, được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu ra như một dẫn chứng, là sự chi tiết hóa sinh động một thực trạng tồn tại lâu nay.

Nếu lấy con số trên chia cho số ngày làm việc trong năm (khoảng 240 ngày) thì trung bình một ngày TP HCM gửi hơn hai công văn hỏi, mà đây mới chỉ tính con số hỏi một Bộ. TP HCM tuy là đô thị đặc biệt, đầu tàu kinh tế của cả nước nhưng xét về mặt hành chính cũng chỉ là một trong 63 tỉnh/thành, nên nếu thống kê tổng số công văn hỏi đáp trên cả nước, con số có thể lên tới mức nào?

Có hai nguyên nhân rõ ràng dẫn đến tình trạng này. Nguyên nhân bề mặt, dễ nhận thấy là tâm lý sợ sai trong bối cảnh cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra quyết liệt ở mọi lĩnh vực. Nỗi sợ khiến người có trách nhiệm thu mình lại, không dám thực hiện đúng chức trách, chưa nói tới việc năng động, sáng tạo tìm cách giải quyết các điểm nghẽn cho doanh nghiệp và người dân.

Nhưng sâu xa của nỗi sợ là tình trạng thiếu rõ ràng, chồng chéo trong các quy định, văn bản luật ở Việt Nam. Vấn đề này được Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi nêu ra khi phản hồi về 584 văn bản hỏi mà Bộ trưởng Dũng dẫn chứng. Ông Mãi phân loại chi tiết các vấn đề phải hỏi thành bốn nhóm, nhưng có thể gộp lại thành hai nhóm lớn, gồm: Chưa có quy định, nên phải hỏi và Có quy định rồi, vẫn phải hỏi.

Điều đáng bàn nằm ở nhóm lớn thứ hai, những vấn đề Có quy định rồi, vẫn phải hỏi phát sinh với ba loại tình huống: Có sự khác nhau giữa luật này và luật kia; Đã có quy định nhưng cách hiểu khác nhau; và Có quy định nhưng việc nghiên cứu còn nhiều điểm chưa chắc chắn.

Câu trả lời của ông Mãi xới lên một vấn đề cũ nhưng chưa được rà soát, điều chỉnh kịp thời nên ngày càng gây ra nhiều ách tắc: chất lượng xây dựng luật của Việt Nam. Thực tế này - đặc biệt là tình trạng luật này khác luật kia và một văn bản luật nhiều cách hiểu - phần nào lý giải cho tâm lý sợ trách nhiệm của cán bộ công chức hiện nay.

Bản thân tôi, sau nhiều tháng chờ đợi, cũng từng phải đọc những văn bản trả lời không có chút giá trị gì về mặt hướng dẫn, mà chỉ đơn thuần trích dẫn lại các Luật, Nghị định, Thông tư... và yêu cầu "làm theo". Lâm vào tình cảnh này, nên tôi hiểu nụ cười méo xệch của anh cán bộ địa phương trước khi tiễn tôi ra về: "Lắm lúc, hỏi trên rồi cũng... không chắc, anh ạ".

Số liệu của Tổng Cục Thống kê về Quý I năm 2023 cho thấy, lần đầu tiên trong quý một từ trước tới nay số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường (57.000) kém số doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động (60.200). Doanh nghiệp đang chật vật sống chết giữa bối cảnh khó khăn chồng chất và kinh tế suy thoái trên toàn cầu. Nếu không được tháo gỡ kịp thời, gây nên tình trạng chờ đợi kéo dài cho các dự án, những vướng mắc về quy định pháp lý, chính sách thủ tục sẽ chẳng khác gì tấm áo chất thêm lên lưng con lừa đã kiệt quệ.

Cuộc "đối thoại" giữa Bộ trưởng và Chủ tịch ở khía cạnh tích cực là một cơ hội nhìn sâu vào các bất cập thực tại từ hai phía, để tiến tới việc đẩy nhanh khơi thông vướng mắc, giải quyết căn nguyên nỗi sợ trách nhiệm của người thực thi.

Nguyễn Hoàng Nam
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan