"Đẽo cày giữa đường" - Góc nhìn của Tô Thức

Ngày đăng: 03:54 22/08/2023 Lượt xem: 473

GÓC NHÌN
Đẽo cày giữa đường

Tô Thức

Tô Thức

Giảng viên

Năm 1996, thầy và trò các lớp chuyên của quận Đống Đa tập trung về một mái nhà là trường chuyên THCS Nguyễn Trường Tộ, theo chủ trương thành lập trường chuyên ở cấp này.

Tôi cũng theo lớp chuyên toán về ngôi trường mới, nhỏ bé nhưng khang trang. Ở đầu hồi có một biển khắc nổi phù hiệu trường rất lớn với mô hình nguyên tử, như ước mơ ươm mầm tài năng khoa học của trường. Những kỷ niệm tuổi thơ rất đẹp, đến lúc chia tay tôi nhìn ghế đá hàng cây thầm nhủ sẽ quay về thăm lại nhiều lần.

Thế nhưng, ngay sau khi tôi ra trường, chủ trương này bị loại bỏ. Trường được chuyển tới một địa điểm khác và không còn giữ cái tên trường chuyên nữa, mặc dù đội ngũ giáo viên vẫn vậy. Đôi lần về qua trường cũ, tôi ngơ ngác nhìn biển cơ quan là Viện Kiểm sát Nhân dân quận. Biển khắc nổi mô hình nguyên tử vẫn còn ở đầu hồi, như nhắc nhở tôi đây là minh chứng cho việc thay đổi một chủ trương trong ngành giáo dục.

Nếu so sánh với công cuộc cải cách sách giáo khoa, phân ban và không phân ban... thì những đổi thay của ngôi trường tuổi thơ tôi chưa đáng là gì. Nhưng cải cách giáo dục vẫn là điều bắt buộc, để bắt kịp với nhu cầu của xã hội và xu hướng của thời đại.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được ban hành, là một thay đổi căn bản từ triết lý giáo dục tới thực hành sư phạm: xây dựng theo định hướng mở, lấy người học làm trung tâm; đề cao tính chủ động của địa phương, trường học trong việc triển khai kế hoạch giáo dục; xã hội hóa sách giáo khoa; tạo không gian sáng tạo, đổi mới cho giáo viên.

Theo tôi, đây là hướng thay đổi đáng hoan nghênh.

Tuy nhiên, nội bộ ngành giáo dục đã không có sự chuẩn bị tương xứng với quy mô và tính chất của sự thay đổi.

Trước hết, giáo trình, giáo án thay đổi nhưng giáo viên không được đào tạo tương ứng, dẫn tới tình huống chắp vá đội ngũ giảng dạy. Thứ hai là việc có quá nhiều sách cho một nội dung học tập. Thứ ba là giá sách cao, đè nặng lên chi tiêu của nhiều gia đình. Các bộ sách lại được tổ chức, biên soạn theo hướng không thể tái sử dụng. Quy trình phân phối sách đến tay học sinh cũng có nhiều bất tiện. Phụ huynh, nếu mua qua trường sẽ đội chi phí lên, do phải mua cả bộ, không thể bỏ bớt các cuốn sách không cần thiết hoặc đã có sẵn. Nếu tự đi mua, phụ huynh sẽ vất vả, khó gom đủ, vì sách của một lớp học có thể nằm ở các bộ khác nhau. Thứ tư là tác dụng của việc lựa chọn không lớn như mong đợi, giáo viên vẫn không có thực quyền chọn sách do các tiêu cực phát sinh trong quá trình triển khai. Thứ năm là nội dung sách còn nhiều sai sót.

Vì vậy, Đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông nhận định cần biên soạn một bộ sách giáo khoa của Nhà nước (do Bộ Giáo dục & Đào tạo chủ trì). Nhiều phụ huynh cũng muốn có một bộ sách chuẩn thay vì nhiều bộ sách. Điều này tiềm ẩn nguy cơ đẽo cày giữa đường.

Việc Bộ Giáo dục biên soạn sách để đảm bảo "thực hiện trách nhiệm Nhà nước về việc xây dựng và phát triển nội dung" sẽ khó thực hiện được nếu các trường chọn bộ sách khác để giảng dạy. Còn nếu các trường chọn sách của Bộ, thì việc đa dạng hóa là lãng phí. Hơn thế, nếu Bộ Giáo dục đã biên soạn sách, thì các trường (vốn là đơn vị thuộc Bộ) liệu có thể chọn sách khác? Sách do Bộ Giáo dục soạn, quanh quẩn vẫn do chừng đó chuyên gia thực hiện nên ít hy vọng sẽ không có vấn đề như các bộ sách khác.

Tôi cho rằng một bộ sách mới khó có thể là lời giải cho năm vấn đề nêu trên. Thêm một không nhiều, nhưng sẽ rất lãng phí nếu sử dụng ngân sách, chưa kể nếu bộ sách mới không giải quyết được triệt để năm vấn đề nêu trên, công cuộc cải cách thêm chệch hướng.

Theo tôi, nên tập trung giải quyết những vấn đề đã biết hơn là tạo ra vấn đề mới.

Việc xét duyệt một bộ sách giáo khoa không nên chỉ dừng lại ở nội dung của riêng cuốn sách mà nên xem xét cả học liệu và sách cho giáo viên đồng bộ đi kèm. Các học liệu hỗ trợ giáo viên thực sự quan trọng khi triết lý giáo dục đã thay đổi.

Yếu tố thứ hai là đánh giá tính cần thiết của các cuốn sách, tránh tình trạng gom những nội dung không cần thiết vào rồi soạn thành nhiều quyển, bán cả bộ cho phụ huynh.

Thứ ba, sách giáo khoa nên được xem là mặt hàng thiết yếu, giá cả phải nằm trong khung điều tiết hợp lý của Chính phủ, được Chính phủ phê duyệt, tránh trường hợp bắt tay nâng giá.

Để gia đình hay học sinh chọn bộ sách giáo khoa là không khả thi và dẫn tới hỗn loạn. Giáo viên không thể năm nay dạy sách này, năm sau dạy sách khác; hay thậm chí là dạy các bộ khác nhau cho các em trong cùng một lớp. Trường sẽ chọn bộ sách hoặc từng sách thuộc các bộ khác nhau sao cho phù hợp với điều kiện vật chất, đội ngũ giảng dạy và phương châm giáo dục của trường. Điều này là phổ biến ở nhiều nước phương Tây, đặc biệt là trong khối tư thục.

Cuối cùng là việc kiểm soát lỗi, siết chặt thêm chất lượng của bộ sách giáo khoa trước khi cấp phép. Ngay cả sau khi cấp phép, Bộ Giáo dục vẫn phải thường xuyên lắng nghe ý kiến giáo viên, chuyên gia để yêu cầu chỉnh sửa kịp thời. Nhiều người cho rằng sách trước cải cách ít lỗi. Đó là bởi vì nó đã không ngừng được lọc sạn trong hàng chục năm.

Tình trạng đẽo cày giữa đường của giáo dục, theo tôi, chủ yếu do hai nguyên nhân: sự tham mưu chưa trọn vẹn của các chuyên gia hoạch định giáo dục; và sự thiếu tôn trọng với giáo dục của các cấp quản lý giáo dục.

Tô Thức
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan