"Người nuôi bệnh" - Góc nhìn của Quan Thế Dân

Ngày đăng: 07:08 03/01/2024 Lượt xem: 88
GÓC NHÌN

Người nuôi bệnh

Quan Thế Dân

Quan Thế Dân

Bác sĩ, Tiến sĩ Y học

Người nuôi bệnh là cách gọi những người làm nghề chăm sóc người bệnh trong bệnh viện. Thời bao cấp không có nghề này. Thời mở cửa, kinh tế thị trường làm nảy sinh nhiều nghề mới, trong đó có nghề chăm sóc người bệnh.

Hồi đầu những năm 2000, nhân viên y tế vẫn chưa quen "chấp nhận" người nuôi bệnh. Tôi cũng vậy. Nhiều bệnh nhân của tôi lúc bấy giờ có địa vị xã hội, thu nhập cao, con cái thành đạt. Khi nằm viện họ thường thuê người chăm sóc, con cái chỉ đến chơi vào buổi tối rồi về. Tôi đã quen với việc người nhà lúc nào cũng quanh quẩn đâu đó, bác sĩ cần trao đổi hoặc yêu cầu ký cam kết cũng rất kịp thời và thuận tiện. Bây giờ bên cạnh bệnh nhân là người xa lạ, chúng tôi gặp khó khăn khi cần trao đổi.

Mặt khác tôi cũng thấy khó chịu khi có người bỏ tiền ra để không phải gánh trách nhiệm chăm sóc người thân. Lúc đó tôi đã nghĩ, sau này nếu bố mẹ ốm đau phải nằm viện thì cách gì tôi cũng nghỉ việc để tự tay chăm sóc.

Đúng là sau này, bố mẹ tôi bệnh nặng đều được các con chăm sóc là chính. Nhưng lúc này tôi mới hiểu mình không thể nghỉ việc được. Tôi thức đêm trông nom, rồi ban ngày đi làm, các anh em khác vào thay ca. Cả đêm phải thức nên ban ngày tôi làm việc rất vật vờ. Cứ như thế tất cả anh em chúng tôi đều rất mệt mỏi. Trong một lần mẹ tôi nằm viện lâu quá, chúng tôi chỉ gắng gượng được thời gian đầu, sau đó vẫn phải thuê người nuôi bệnh.

Nhưng dù đã mắt nhắm mắt mở xuê xoa nhiều thứ, tôi vẫn không bằng lòng với người nuôi bệnh, vì họ thường chăm sóc sai cách, từ việc lau rửa, cho ăn, xoa bóp, lăn trở người bệnh, đến phương pháp vô khuẩn...

Sau cùng tôi chuyển mẹ đến phòng chăm sóc đặc biệt của một trung tâm y khoa lớn. Ngay từ giây phút đầu tiên tôi đã rất hài lòng: nhân viên y tế rất chuyên nghiệp, thay đồ vô khuẩn cho bệnh nhân, rồi ai vào việc nấy, khám xét, lấy máu, thay băng vết loét, chăm sóc răng miệng, truyền dịch, tiêm thuốc, vỗ rung, lăn trở... Nhìn mẹ được chăm sóc bài bản, tôi trào nước mắt vì cảm động. Mẹ tôi bệnh nặng nằm bất động lâu nên bị viêm phổi bội nhiễm rồi bị loét khắp người. Sau mấy ngày lên phòng chăm sóc đặc biệt, sức khỏe mẹ tôi tiến triển rõ rệt, viêm phổi đỡ hẳn, các vết loét thu miệng lại, và sớm được về nhà.

Làm việc qua nhiều bệnh viện, tôi biết có được nơi chăm sóc bài bản như thế là rất hiếm. Các giường hồi sức điều trị tích cực rất ít ỏi so với nhu cầu. Khi có người thân bệnh nặng, ta mới thấy cái giường hồi sức quý giá biết bao. Nhờ được chăm sóc bài bản, nhiều người bệnh nặng đã từ cõi chết trở về. Mà nếu không thể qua khỏi thì thân nhân cũng đỡ đau buồn vì mình đã làm những điều tốt nhất cho người thân.

Nhưng chỉ một số ít người được nằm phòng điều trị tích cực. Phần vì số giường trống quá ít, phần vì chi phí cũng rất cao, không phải ai cũng kham được, BHYT cũng chỉ thanh toán một phần. Đồng tiền đặc biệt có sức mạnh ở đây.

Thực tế này phản ánh một điều là mảng chăm sóc người bệnh của ngành y hiện chưa được chú ý. Ngành y mới chỉ chú trọng đầu tư vào các kỹ thuật ngày càng đắt tiền để chẩn đoán và điều trị. Mảng chăm sóc hầu như bị bỏ rơi cho người nhà, dẫn đến hiệu quả điều trị giảm sút, người bệnh chậm phục hồi. Thậm chí nhiều khi do chăm sóc sai cách mà bệnh nhân gặp thêm các biến chứng.

Đội ngũ người nuôi bệnh phát sinh do nhu cầu chăm sóc bệnh nhân bị bỏ ngỏ. Nhiều gia đình không có khả năng thuê người nuôi bệnh, nên một người bệnh nằm viện là mấy người nhà đi theo để chăm. Nhìn các bệnh viện tuyến trên chúng ta thấy la liệt người nhà đi theo, vất vả và lộn xộn. Sự có mặt của nhiều người nhà vào viện chăm sóc cùng với đội ngũ khá lớn người nuôi bệnh là minh chứng cho sự yếu kém của ngành y.

Nguyên nhân của vấn đề này là do thiếu nhân lực y tế. Thông tư 03/2023 của Bộ Y tế đã đưa ra định mức nhân lực trong ngành y. Cụ thể với bệnh viện hạng một thì cần hai nhân viên y tế cho một giường bệnh hồi sức, còn các khoa khác là 0,6 người cho một giường bệnh. So với chỉ tiêu này thì các bệnh viện còn thiếu rất nhiều. Trong thông tư, Bộ Y tế gia hạn cho các bệnh viện đến năm 2025 phải tuyển dụng đủ chỉ tiêu trên.

Tuy nhiên, tăng nhân lực là tăng quỹ lương. Khâu chăm sóc người bệnh ở các bệnh viện nước ngoài chu đáo thế nào, thì chi phí cũng đắt đỏ tương tự. Trong Thông tư, Bộ không hướng dẫn ai sẽ trả lương cho số nhân lực tăng thêm này. Nếu là bệnh viện chưa tự chủ thu chi, thì ngân sách nhà nước có trả để tăng thêm tuyển dụng không? Nếu là bệnh viện đã tự chủ thu chi, thì phần lương tăng thêm này, chắc sẽ hạch toán vào chi phí điều trị, thì giá viện phí có được tăng lên không? Chi phí tăng thêm đó BHYT trả được bao nhiều, phần người nhà phải đóng thêm bao nhiêu? Có rất nhiều câu hỏi cần được nhà làm chính sách giải đáp.

Với tư cách là một thầy thuốc, và cũng là người từng chăm sóc bệnh nhân ốm nặng, dù bằng cách gì đi nữa, tôi cũng mong mỏi công tác chăm sóc người bệnh sẽ có chuyển biến cơ bản trong thời gian tới.

Chất lượng chăm sóc sức khỏe về cả thể chất và tinh thần cho người dân là một chỉ báo cho sự tiến bộ, văn minh của nền y tế.

Quan Thế Dân
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan