Tết cổ truyền - ngày vui hay một cuộc “hành xác” – Góc nhìn của Hoàng Văn Kính
------------------------
TẾT CỔ TRUYỀN – NGÀY VUI HAY MỘT CUỘC “HÀNH XÁC”
Theo sự tích” bánh chưng, bánh dầy”, Tết Nguyên đán có thể đã xuất hiện ở nước ta từ thời các Vua Hùng với truyền thuyết về chàng Lang Liêu và bánh chưng. Như vậy, tết cổ truyền đã có lịch sử lâu đời từ hàng ngàn năm, in hằn trong tâm thức của bao thế hệ người Viêt Nam từ già đến trẻ. Tết là sự khởi đầu, trở về với Tết cũng là trở về với sự khởi đầu. Ngoài những nét văn hóa đẹp như: để con cháu làm ăn xa xôi, cách trở phương trời đến mấy cũng gắng thu xếp về xum họp cùng gia đình. Đây là dịp gặp gỡ ông bà, cha mẹ, anh em họ hàng ruột thịt. chờ đến giao thừa kính cẩn thắp nén nhang thờ cúng tưởng nhớ gia tiên tiền Tổ kêu người xưa phù hộ độ trì. Tết còn là dịp để nghỉ ngơi, chơi bời, để đoàn tụ, gặp gỡ… sau một năm vất vả mưu sinh. Tuy nhiên bên cạnh đó tết còn mang đến rất nhiều phiền toái, tốn kém, lãng phí, căng thẳng mỏi mệt đến mức nhiều người đã mong muốn gộp với Tết Dương lịch thành một cái Tết chung. Tết là một nét đẹp văn hóa nhưng dần đã biến tướng thành nỗi ám ảnh với rất đông người, có lẽ chỉ những cặp trai thanh gái lịch và lũ con nít vô tư là còn háo hức với mấy ngày tết.
Cùng với sự phát triển của xã hội, quan niệm về Tết cổ truyền cũng có sự dịch chuyển. Từ “ ăn tết ”, mỗi khi gặp nhau người ta thường hỏi thiên về ăn uống: Nhà bác ăn tết có to không, đánh đụng bao nhiêu cân thịt lợn, gói bao nhiêu cái bánh chưng… Sau đó chuyển sang khái niệm “ chơi tết” khóa cửa bỏ rơi gia tiên tiền Tổ, gặp nhau là khoe: Tết năm nay cả nhà đi du lịch Sa-pa, Phú quốc, Sing, Thái, Đu bai… Và đến bây giờ đang chuyển sang xu thế “ nghỉ tết” theo quan niệm tết là để thư dãn, nghỉ ngơi quây quần xum họp gia đình.
Ngày xưa người ta quan niệm “Vất vả quanh năm, có 3 ngày tết” hoặc “Đói ngày giỗ cha, no 3 ngày tết”. Tết là phải say sưa, mâm cao cỗ đầy. 3 ngày tết dù có vất vả, có nghèo đến mấy cũng phải lo đủ 6 bữa cỗ để dâng lên bàn thờ Tổ tiên. Ngày nay tục lệ ấy vẫn đeo bám, mâm cỗ truyền thống phải bầy vẽ đủ các món, không thể thiếu bánh chưng, giò nem, ninh mọc… làm thủ tục cúng vái, đợi tàn hương bê lễ xuống. Mâm cỗ đầy nhưng ăn uống chẳng là bao, ăn nhiều còn sợ béo thêm bệnh vào người. Ngày trước còn bảo thiếu thốn, thèm khát chứ thời nay muốn gì cứ ra chợ là có mà giá cả cũng rất phải chăng. Cỗ bàn thừa mứa, tủ lạnh hết chỗ chứa gặp nồm lên ôi thiu là phải bỏ. Đến chiều lại người tay dao, kẻ tay thớt cả nhà lăn ra băm chặt, xào nấu sửa soạn mâm cỗ mới để kịp đặt lên bàn thờ. Không làm thì áy náy, lương tâm cắn dứt mà làm thì… tối mắt tối mũi, khổ nhất là các bà, các chị, những người phụ nữ, nàng dâu trong gia đình, đối với họ khái niệm nghỉ ngơi, vui vẻ thực tế không tồn tại trong những ngày tết.
Trước và sau Tết là một cuộc đại di chuyển của hàng triệu, triệu người, bắt đầu từ lo nhịn ăn nhịn mặc để có tiền mua sắm, về quê ăn tết, lo tầu xe, quà cáp, gồng gánh chen lấn, nhếch nhác, tay xách nách mang, đưa cả nhà vượt qua hàng trăm, hàng ngàn cây số để kịp về đón giao thừa và hết 3 ngày tết lại một tua nhếch nhác như thế. Để thực hiện một chuyến về quê ăn tết trọn vẹn phải có cả một kế hoạch lâu dài ngay từ giữa năm. Cứ nhìn cảnh dòng người chen chức ở các sân ga, bến xe, sân bay, dòng xe cộ chen lấn, tắc nghẽn cả tiếng trên cao tốc Pháp Vân-cầu Giẽ, Long Thành-Dầu Giây mà thấy ngao ngán.
Đa số những người đàn ông trong gia đình tuy không phải lọ mọ chuyện cỗ bàn nhưng lại có nỗi khổ khác lúc nào cũng phải cân đai chực chờ tiếp khách đến chúc mừng năm mới hoặc rồng rắn đến chức mừng gia đình bạn bè, thân hữu, hàng xóm láng giềng hỷ hả toàn những lời sáo rỗng mặc dù ngày nào, tuần nào cũng gặp nhau. Tuy không còn tục lệ cứ đến là phải ngồi vào mâm dù chỉ gắp một củ hành muối cho gia chủ vừa lòng nhưng đến nhà nào cũng một, hai chén rượu toàn đặc sản, của quý là ngất ngây con gà tây, đi đứng loạng choạng, cũng đã có không ít những vụ tai nạn xẩy ra trong trường hợp như thế, vui đâu chẳng biết nhưng cái họa trong 3 ngày Tết thì luôn rình rập, trực chờ. Từ xa xưa ông cha ta đã lưu truyền một câu nói rất hay: Vui như tết, hãy làm sao để cái tết thật sự vui, chẳng ai chúc no như tết, say như tết.
Cả năm đổ mồ hôi, sôi nước mắt lao động, làm việc quần quật dành dụm, chắt bóp ít tiền đổ cả vào tiêu, mua sắm trong dịp tết. Trăm thứ phải lo từ sửa sang dọn dẹp nhà cửa, lo cỗ bàn đến tiền mừng tuổi, quà cáp biếu xén… áp lực về kinh tế trong mấy ngày tết, đòi hỏi trong túi phải có tiền, có nhiều tiền. Mừng tuổi lấy may nhân dịp đầu năm mới vốn là một nét đẹp, mang ý nghĩa tượng trưng về tinh thần nhưng ngày nay nó đã biến tướng thành một khoản thu lợi nhuận. Đi chúc tết đến nhà gặp trẻ nhỏ mà không có bao lì xì mừng tuổi là bị dè bỉu, như một cái nợ đồng lần có đi phải có trả. Trẻ con thể hiện ngay thái độ, nhận bao lì xì chúng bóc ngay trước mặt người lớn nhưng đau đầu nhất là đi mừng tuổi xếp: việc này dứt khoát phải có, nên đi vào thời điểm nào, quà cáp phải là của lạ, của độc, sơn hào, hải vị mang đến biếu xếp, biếu bao nhiêu để vừa lòng xếp, vừa lòng cả vợ xếp và các con, các cháu xếp, có thế mới thể hiện được sự thành tâm.
Tết cổ truyền từ một nét truyền thống đã bị biến tướng làm cho nhiều người thấy sợ, mong cho mau hết tết để sơm trở lại cuộc sống bình thường. Ngày nay muốn là có tết, ngày nào cũng là một ngày tết vậy nên quan niệm tết là để nghỉ ngơi, đoàn tụ có lẽ phù hợp với xu thế hiện đại.
Hoàng Văn Kính
CTV Trang TT&BT Trường Sơn tại Hà Nội