"Siết nồng độ cồn là chưa đủ" - Góc nhìn của Phan Tất Đức

Ngày đăng: 09:49 22/02/2024 Lượt xem: 101
GÓC NHÌN

Siết nồng độ cồn là chưa đủ

Phan Tất Đức

Phan Tất Đức

Thạc sĩ ngành quản lý

Trước khi sang Australia, tôi đã có bằng lái xe ở Việt Nam được khoảng 10 năm. Nhưng kinh nghiệm và kỹ năng lái xe của tôi chỉ như tờ giấy trắng. Bởi tôi lấy bằng xong rồi… bỏ đó vì chưa có điều kiện mua xe.

Vì vậy, khi mới cầm lái ở Australia, tôi khá lo lắng. Hóa ra mọi chuyện rất đơn giản.

Tôi đã chạy nhiều chục nghìn km với đủ mọi cung đường, từ lái xe ở các thành phố lớn đông đúc đến địa hình rừng núi, cao nguyên; chạy xuyên bang, xuyên sa mạc, đi dọc ven biển qua các bang Queensland, News South Wales, Victoria và Nam Australia. Có những chuyến tôi chạy cả nghìn km, còn việc di chuyển 500-700 km/ngày đã thành chuyện thường.

Di chuyển với cường độ cao như vậy nhưng tôi luôn cảm thấy nhàn và an toàn. Sau này trở về Việt Nam, dù kinh nghiệm và kỹ năng lái xe đã tốt hơn nhiều, ngày nào đi tầm 500 km là tôi mệt, do đầu óc lúc nào cũng phải căng thẳng, duy trì sự tập trung cao độ.

Có nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến sự khác biệt này: hạ tầng giao thông ở Australia tốt hơn Việt Nam, lưu lượng giao thông trên đường thấp hơn và ít xe máy. Nhưng theo tôi có một nguyên nhân chủ quan rất quan trọng, là tập quán lái xe.

Ở Australia, lái xe rất dễ và ít mất sức bởi hành vi của mọi người trên đường là nhất quán. Bạn không cần phải liên tục căng mắt đề phòng những tình huống bất ngờ, khó lường. Bạn chỉ cần lái xe đúng luật, mọi tài xế khác đều đã làm như vậy.

Trong khi ở Việt Nam, bạn không thể biết điều gì sẽ xảy ra: một chiếc xe lẽ ra phải nhường đường lại sẵn sàng tạt đầu với tốc độ chóng mặt, chiếc xe khác thay vì chạy đúng tốc độ tối thiểu, lại ì ra như "rùa bò", cản đường hàng loạt xe khác; hoặc bạn đang xuôi chiều, sẽ bất thần đụng phải một tài xế từ chiều ngược lại. Ngay cả khi hiểu luật, tuân thủ luật, tính mạng của bạn có thể vẫn do tay người khác giữ.

Rất nhiều lần chạy xe trên cao tốc ở Việt Nam, tôi đã nghĩ, nếu tất cả lái xe đều tuân theo một thực hành nhỏ, tai nạn sẽ giảm đi và tốc độ lưu thông sẽ tăng lên: đó là các phương tiện chạy chậm (bằng hoặc chỉ trên mức tối thiểu một chút) đi vào làn phải. Làn giữa dành cho phương tiện tốc độ cao hơn. Làn trái dành cho xe vượt. Như vậy, sẽ luôn có một làn trống cho xe muốn vượt. Các phương tiện còn lại giữ đúng làn, thì có thể chạy với tốc độ cao mà vẫn an toàn. Đó chỉ là một thực hành nhỏ, chưa cần tính đến các nguyên tắc giao thông khác cần tuân thủ theo một quy ước chung.

Ngoài tình trạng thiếu tuân thủ luật, hiểu và ứng xử chưa đúng nguyên tắc lưu thông trên cao tốc, tai nạn và sự cố ở Việt Nam còn bắt nguồn từ cơ sở hạ tầng - như một nguyên nhân gián tiếp. Australia cũng có nhiều cung đường chỉ hai làn xe, không có dải phân cách cứng. Song việc thiết kế cũng như hệ thống biển báo ở đây chi tiết và thuận lợi hơn Việt Nam, nhờ đó tài xế ít khi bị đẩy vào tình thế bất ngờ, nguy hiểm.

Tôi từng có lần toát mồ hôi hột khi chạy trên Quốc lộ 1 theo chiều từ Hà Nội vào, đoạn qua một huyện ở Thanh Hóa. Tôi đang trong một khúc đường cong, bị khuất tầm nhìn, thì đoạn đường bất ngờ mở chỗ sang đường. Do không quan sát được từ xa, tôi buộc phải phanh gấp khi đột nhiên nhìn thấy một chiếc xe sang đường ngay trước mắt.

Ở nhiều quốc gia trên thế giới, quá trình thử nghiệm thực tế trên đường rất được đề cao và triển khai cẩn thận nhằm đưa ra thiết kế và chỉ dẫn tối ưu. Việc này được làm chi tiết đến mức, từng khúc cua có biển chỉ dẫn bạn nên lái với tốc độ bao nhiêu, giúp cho người không quen đường cũng có thể tự tin, lường trước sự phức tạp của cung đường.

Việt Nam, do nhiều nguyên nhân - từ sự hạn chế về kinh phí triển khai đồng bộ, cho tới đòi hỏi gấp gáp về tiến độ đưa vào sử dụng - nhiều tuyến cao tốc được thông xe ngay cả khi hệ thống biển báo và các hạng mục hỗ trợ còn chưa kịp hoàn thiện. Ít tiền làm gì cũng khó. Tôi chia sẻ với lựa chọn của Chính phủ và các bộ ngành khi quyết định xây dựng hạ tầng giao thông theo hình thức phân kỳ, liệu cơm gắp mắm. Nhưng trong hoàn cảnh thiếu thốn, càng không nên cẩu thả khi phê duyệt đưa vào sử dụng các cung đường cao tốc. Chí ít, các chuyên gia, nhà thẩm định cần chắc chắn cung đường đảm bảo các điều kiện cơ bản, hoàn thiện các hạng mục tối thiểu nhằm hỗ trợ tài xế trong quá trình lưu thông.

Thống kê của Cục Cảnh sát Giao thông (Bộ Công an) cho thấy, Tết Nguyên đán 2024, dù tai nạn giao thông do bia rượu giảm, tổng số vụ tai nạn giao thông vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Việc siết nồng độ cồn đã góp phần giảm tai nạn giao thông, giảm số lượng người tử vong. Nhưng chỉ như thế là chưa đủ.

Khi người tỉnh vẫn lái xe bất tuân luật pháp và người đi đúng luật vẫn phải phó mặc tính mạng trong tay kẻ khác thì việc rà soát để cải thiện hạ tầng, xử phạt nặng để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông đều cần được thực hiện quyết liệt như quá trình siết chặt giám sát nồng độ cồn.

Phan Tất Đức
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan