"Quỳnh Đôi + Quỳnh Hậu = Đôi Hậu" - Góc nhìn của Cẩm Hà

Ngày đăng: 09:44 25/04/2024 Lượt xem: 96
GÓC NHÌN

Quỳnh Đôi + Quỳnh Hậu = Đôi Hậu

Cẩm Hà

Cẩm Hà

Chuyên viên tư vấn truyền thông và chính sách công

Từ nhỏ, cái tên Phú Nghĩa Hạ đã in sâu trong tôi. Đó là nơi ông tôi, nhà văn Bùi Hiển, luôn trìu mến nhắc tới khi hồi tưởng về chặng đường văn học của mình.

Quê ông tôi ở đó, có căn nhà nằm sát biển rì rào sóng vỗ, có những đoàn thuyền đánh cá ngày đêm ra khơi, có những người làng đã đi vào các truyện ngắn, bút ký đặc sắc của ông về người dân chài xứ Nghệ. Sau 1956, các xã lớn của huyện Quỳnh Lưu được chia tách, Phú Nghĩa Thượng thành Quỳnh Nghĩa, Phú Nghĩa Hạ thành Tiến Thủy. Bây giờ giấy tờ của tôi đều ghi nguyên quán: Tiến Thủy, Quỳnh Lưu.

Gần 70 năm sau, Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy lại về chung một nhà. Đầu tháng này, thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính xã Quỳnh Nghĩa và Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu đề nghị điều chỉnh đặt tên mới thành Phú Nghĩa. Tên mới, thực ra là cũ này, có vẻ nhận được sự đồng thuận. Các xã còn lại lận đận hơn. Chính quyền áp dụng nguyên tắc ghép tên hai xã hiện tại, Quỳnh Đôi sáp nhập với Quỳnh Hậu thành Đôi Hậu; Quỳnh Mỹ - Quỳnh Hoa thành Hoa Mỹ; Sơn Hải - Quỳnh Thọ thành Hải Thọ. Nhưng nhiều xã không muốn bị mất, dù chỉ một nửa, tên gốc của mình.

Trước sự phản ứng mạnh, huyện Quỳnh Lưu dự định làm lại quy trình đặt tên xã vào tháng tới, sau khi được tỉnh chỉ đạo.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2030 yêu cầu cân nhắc yếu tố truyền thống, văn hóa, tập quán nhưng dường như thiếu phương pháp và tiêu chí rõ ràng cho cách đặt tên.

Mỗi địa phương một giải pháp. Huyện Ứng Hòa, Hà Nội đề xuất phương án "hòa cả làng", Cao Thành, Sơn Công và Đồng Tiến thành Cao Sơn Tiến; trong khi quận Đống Đa chấp thuận "đôi bạn cùng tiến" Phương Liên - Trung Tự, Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Điểm bất cập của một số tên mới là đánh mất các địa danh nổi tiếng, như trường hợp vùng đất khoa bảng Quỳnh Đôi, tạo ra tên xa lạ (Cao Sơn Tiến) hoặc quá dài, gây khó cho người dân khi làm thủ tục hành chính. Một số tỉnh, thành, sợ vướng vấn đề đặt tên, đang manh nha đề xuất thay địa danh bằng con số khô khan.

Theo thống kê, đợt sắp xếp bắt buộc 2023-2025 gồm 56 tỉnh, 33 huyện và hơn 1.300 xã, phường. Nếu tính trung bình 3.500 dân/xã và 100.000 dân/huyện, ước chừng gần 8 triệu người dân sẽ có tên quê quán, địa chỉ thường trú mới. Đó là chưa kể hàng triệu người khác cũng sẽ bị ảnh hưởng, bởi thông tin quê quán truyền qua nhiều đời.

Chính phủ cần 1.323 tỷ đồng (55 triệu USD) ngân sách Trung ương để thực hiện chương trình sắp xếp. Ngân sách gồm kinh phí xây dựng đề án tại địa phương, tuyên truyền, vận động, lấy ý kiến cử tri, chi trả chế độ cho cán bộ, công chức dôi dư. Dự toán chưa tính tới chi phí thay đổi dữ liệu địa danh trong hệ thống thông tin nhà nước, chi phí cơ sở vật chất như thay con dấu, thay tên trụ sở, cũng như nguồn lực người dân bỏ ra để cập nhật giấy tờ tùy thân.

Tôi chỉ phải thay đổi tên quê quán, nửa vui vì được quay về địa danh thân thương cũ, nửa băn khoăn về những bất tiện trong việc cập nhật thông tin. Nhiều người vất vả hơn. Chẳng hạn, người thân của tôi ở phường Trung Tự, trong một ngày, bỗng nhận tin sẽ phải thay cả tên quê lẫn địa chỉ nơi ở. Họ có thêm nỗi lo về việc giao dịch các tài sản có liên quan tới địa chỉ, ví dụ hợp đồng mua bán nhà, chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại các cuộc họp lấy ý kiến, đa phần cư dân thắc mắc vấn đề này.

Chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính hướng tới giảm chi ngân sách, về lâu dài, tạo không gian phát triển kinh tế, xã hội. Chương trình sắp xếp tới năm 2030 dự kiến giúp giảm cán bộ cấp huyện khoảng 2.500 người, cấp xã 27.900 người và cán bộ không chuyên trách cấp xã 16.000 người. Theo báo cáo của Chính phủ, trong giai đoạn 2019-2021, việc tái cơ cấu các đơn vị hành chính giúp tiết kiệm ngân sách 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, các chi phí vô hình và hữu hình của việc "tách ra nhập vào" chưa được tính toán đầy đủ, do đó người dân chưa được tiếp cận tổng thể các hoạt động này.

Trong xây dựng pháp luật, công cụ Đánh giá tác động chính sách (Regulatory Impact Assessment - RIA), hiện được các nước phát triển áp dụng triệt để nhằm lượng hóa tác động của thay đổi chính sách tới các nhóm bị ảnh hưởng. Theo đó, nhóm dự thảo luật chịu trách nhiệm xác định vấn đề, phương án chính sách, cân đối lợi ích chi phí của từng phương án và chọn phương án tối ưu, đồng thời, thông tin rõ ràng kết quả đánh giá tới người ra quyết định và các bên liên quan. Theo các chuyên gia phát triển của Mỹ, nước đầu tiên áp dụng RIA, một đồng bỏ ra cho RIA, doanh nghiệp và người dân tiết kiệm được khoảng 100 nghìn đồng. Dù Việt Nam làm quen với RIA từ giữa những năm 2000, việc áp dụng cách tiếp cận này chưa thành thói quen trong hoạt động ban hành chính sách trong nước. Đó là một trong những lý do khiến nhiều quy định vừa ban hành phải thay đổi, hoặc nhiều đề xuất mới chào sân đã phải dừng, ví dụ mất bằng lái xe phải thi lại, hay mỗi người dân chỉ được bán 3-5 nhà trong một năm.

Với việc sắp xếp đơn vị hành chính, mục tiêu cắt giảm gánh nặng ngân sách có thể thực hiện thông qua tăng cường năng lực của cán bộ. Một chức danh có thể phụ trách nhiều xã mà không cần thay, xóa tên xã nào. Tương tự, cán bộ chuyên môn có thể đảm nhận công việc của nhiều xã.

Nếu sáp nhập được xác định mang lại nhiều lợi ích hơn, việc đặt tên mới cần tiến hành thấu đáo, trên nguyên tắc duy trì di sản văn hóa, lịch sử, tinh thần của địa phương. Người dân, các chuyên gia kinh tế, lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, truyền thông cần được mời tham gia ý kiến từ sớm để đề xuất các phương án toàn diện, tạo đồng thuận trong cộng đồng.

Chu toàn như vậy sẽ hạn chế được những trường hợp máy móc như "Đôi Hậu" quê tôi.

Cẩm Hà
(PS st theo VnExpress)

tin tức liên quan