TÌNH BÁO QUỐC PHÒNG TRONG XUÂN 1975
Chiến dịch Tây Nguyên diễn ra từ ngày 4-3 đến 3-4-1975 đã mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và tiến tới Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước đó, Bộ Chính trị đã hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1976. Tuy nhiên, cục diện chiến trường diễn biến nhanh chóng khi địch liên tiếp thất bại và lực lượng cách mạng giành thắng lợi áp đảo trên khắp các chiến trường. Thời gian giải phóng miền Nam vì vậy được đẩy sớm lên: Trước mùa mưa năm 1975.
Để đi đến quyết tâm rút ngắn thời gian giải phóng miền Nam, Bộ Chính trị phải cân nhắc nhiều yếu tố dựa trên những thông tin có giá trị chiến lược. Những tin tức, tài liệu do lực lượng Tình báo quốc phòng cung cấp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần giúp Bộ Chính trị đi đến kết luận cuối cùng thông qua việc nhận định chính xác tình hình, đánh giá đúng thế và lực của ta cũng như khả năng hành động của địch, và đặc biệt là đưa ra được câu trả lời cho câu hỏi cấp thiết đặt ra khi đó:
Liệu người Mỹ có trở lại can thiệp trực tiếp bằng lực lượng chiến đấu cho quân ngụy hay không?
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4-1975). Ảnh: TTXVN
THƯỢNG SĨ ĐẶC BIỆT Ở BỘ TỔNG THAM MƯU NGỤY
Để kịp thời cung cấp nguồn tin quan trọng phục vụ chiến trường, toàn bộ mạng lưới tình báo quốc phòng đang luồn sâu, leo cao trong các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy đã được huy động, phát huy tối đa sức lực và trí tuệ, theo sát tình hình nhằm tìm ra câu trả lời chính xác các vấn đề cấp thiết đặt ra khi đó: Liệu khi ta giải phóng miền Nam, Mỹ có trực tiếp can thiệp không, nếu có thì can thiệp tới đâu? Mỹ có thể cung cấp phương tiện chiến tranh cho Việt Nam Cộng hòa đến mức độ nào? Mỹ có tiếp tục duyệt ngân sách hỗ trợ quân sự cho chính quyền Việt Nam Cộng hòa hay không? Bố phòng quân lực, kế hoạch đôn quân, bắt lính của chính quyền Sài Gòn ra sao? Địch đánh giá về ta như thế nào?
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Tà Thiết - Lộc Ninh (tháng 4-1975). Ảnh: TTXVN
Ảnh trái: Các đơn vị hành quân tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột. Ảnh phải: Bộ đội hành quân diệt địch trong Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu: TTXVN
Khi ta dốc toàn lực vào miền Nam là ta phải đảm bảo một kết quả toàn thắng. Nhưng câu hỏi đặt ra là nếu Mỹ quay trở lại can thiệp trực tiếp thì tình hình sẽ diễn biến ra sao? Đó là bởi mối quan tâm lớn nhất của Mỹ lúc bấy giờ không phải là “tình trạng bên bờ vực thẳm” của chính quyền Sài Gòn, mà là danh dự của nước Mỹ trong con mắt các quốc gia khác. Dựa trên những dữ liệu có được từ các lưới điệp báo của lực lượng Tình báo quốc phòng, Bộ Chính trị đã đưa ra những quyết định cuối cùng về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những dữ liệu tối quan trọng chuyển về cho Bộ Chính trị vào thời điểm đó, có một thông tin mang tính chất quyết định từ một cán bộ tình báo nhiều năm nằm sâu trong Bộ Tổng Tham mưu ngụy: Đồng chí Nguyễn Văn Minh (tức Ba Minh).
Đoàn xe vận tải 238 vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu: TTXVN
Bộ đội vận tải thuộc đơn vị 250 Gia Lai vận chuyển hàng phục vụ chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu: TTXVN
Với hơn 10 năm làm thư ký đánh máy tại Bộ tổng tham mưu ngụy, đồng chí Ba Minh đã xây dựng cho mình một “bình phong” chắc chắn, trở thành một trong những thư ký được các đời Tổng tham mưu trưởng ngụy đặc biệt tin cậy. Ông là viên thượng sĩ duy nhất được vào phòng Tổng tham mưu trưởng mà không cần xin phép trước. Thậm chí có những tài liệu mật chỉ 5 người được phép tiếp cận, trong đó có 4 người thuộc hàng sĩ quan chóp bu và người thứ 5 là ông. Bức mật điện mà Mỹ gửi cho Bộ tổng tham mưu Sài Gòn trả lời thư cầu viện của chính quyền ngụy đã giải đáp câu hỏi về việc Mỹ có trở lại Việt Nam hay không và Mỹ nhận định gì về cuộc chiến ở Việt Nam. Đây là một tài liệu tối mật của địch, nhưng đã được đồng chí Nguyễn Văn Minh sao chép và nhanh chóng chuyển về cho tổ chức.
Nội dung cụ thể của bức mật điện Nhà Trắng trả lời Bộ tổng tham mưu quân đội ngụy được đồng chí Ba Minh chuyển về cho ta như sau: Mỹ coi chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc và Mỹ sẽ không chi viện cho Việt Nam Cộng hòa bằng lực lượng chiến đấu của mình.
“ĐIỆP VIÊN HOÀN HẢO” VÀ 6 CUỘN PHIM TỐI MẬT
Sau khi ta đánh chiếm Phước Long (6-1-1975), cấp trên giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Xuân Ẩn (Hai Trung) và nhiều cán bộ tình báo của ta trả lời câu hỏi: Nếu quân ngụy đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn thì Mỹ có can thiệp quân sự hay không? Đó là bởi nếu biết Mỹ can thiệp, ta sẽ đánh theo một cách; còn nếu Mỹ không can thiệp, ta sẽ đánh theo cách khác. Đây là vấn đề quan trọng, mang tính sống còn, liên quan đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta.
Ảnh 1: Nhân dân Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các đỉnh cao ở Pleiku trong Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975. Ảnh 2: Phương tiện chiến tranh của địch ở Chi khu quân sự kiên cố Đức Lập rơi vào tay quân giải phóng. Ảnh 3: Đồng bào Tây Nguyên múa hát mừng chiến thắng. Ảnh: TTXVN
Chỉ trong một thời gian ngắn, đồng chí Phạm Xuân Ẩn đã gửi thông tin kèm theo 6 cuộn phim chụp những thông tin đặc biệt về cho tổ chức. Đồng chí bảo đảm chắc chắn rằng: Dù chế độ ngụy có sụp đổ, Mỹ cũng dứt khoát không can thiệp, không đưa quân trở lại. Trong những tài liệu đồng chí Phạm Xuân Ẩn gửi về, có một văn bản đặc biệt quan trọng của Ban Nghiên cứu chiến lược của chính quyền Sài Gòn do tướng Nguyễn Xuân Triển làm Chủ tịch. Đó là bản nghiên cứu chiến lược gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong đó nêu rõ tình hình suy sụp của quân đội Sài Gòn, khẳng định Mỹ không thể can thiệp để cứu chính quyền Sài Gòn trong bất cứ tình huống nào vì áp lực quá căng thẳng của phong trào phản chiến trong nước. Quân Mỹ sẽ không trở lại miền Nam, Hạm đội 7 của Mỹ sẽ không trở lại Biển Đông, Mỹ sẽ không sử dụng lại pháo đài bay B-52 ở chiến trường Đông Dương và Mỹ sẽ tiếp tục cắt giảm ngân sách viện trợ cho Việt Nam Cộng hòa, kể cả quốc phòng.
Trong thời khắc lịch sử “Một ngày bằng mấy mươi năm” đó, những thông tin đồng chí Ba Minh và đồng chí Hai Trung lấy được gửi về Tổng hành dinh là một trong những yếu tố quyết định giúp Bộ Chính trị đẩy nhanh thời gian giải phóng miền Nam. Những bước chân thần tốc của quân giải phóng tiến vào Sài Gòn cũng vì thế mà càng thêm táo bạo, quyết liệt, bất ngờ và chắc thắng.
Ảnh 1: Xe tăng của Quân đoàn 1 vượt sông, chuẩn bị tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh 2: Lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 1 tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ảnh 3: Quân Giải phóng chuẩn bị lực lượng trước giờ tổng công kích vào Sài Gòn – Gia Định với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng” (26-4-1975).
XÁC ĐỊNH ĐIỂM YẾU CHIẾN LƯỢC
Nhà Trắng đã chính thức có thư từ chối can thiệp trực tiếp. Mỹ coi chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc. Quyết định là vậy, song các tướng Mỹ vẫn luôn có cách để làm cho cả hai phía của cuộc chiến tin rằng Mỹ sẽ trở lại, mục đích là nhằm “giữ miếng” và biến Mỹ trở thành người hưởng lợi cuối cùng trong cuộc chiến.
Cùng với những nội dung do đồng chí Ba Minh và Hai Trung gửi về, nhiều cán bộ thuộc các lưới tình báo khác nhau của ta đã dày công nghiên cứu, thu thập và phân tích dữ liệu, nhanh chóng và liên tục chuyển tin về cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, giải đáp một loạt các vấn đề chiến lược quan trọng trong một thời điểm then chốt của lịch sử.
Tháng 7-1974, Phòng Tình báo Miền (J22) đã thu được bản tường trình của Bộ tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa về kế hoạch dự kiến năm 1975. Trong những tài liệu này có những thông tin đặc biệt quan trọng về mức độ tiếp viện của Mỹ trên chiến trường miền Nam. Thông tin đó góp phần giúp cho lãnh đạo của ta hiểu được chính quyền Sài Gòn đang rơi vào thế khó và ý đồ co cụm từng bước của địch để ta quyết định được cách đánh phù hợp. Qua các điệp viên được cài cắm cao sâu trong các cơ quan đầu não của địch và các lưới điệp báo khác, ta nắm chắc được tình hình địch như sau: Năm 1974, trong khi mức viện trợ từ Mỹ đã suy giảm mạnh thì Việt Nam Cộng hòa cũng không thể bắt đủ lính quân dịch cần thiết. Điều này đồng nghĩa với việc chính quyền Sài Gòn đang phải co cụm lực lượng và sẽ chấp nhận phải bỏ đất.
Từ những thông tin cao sâu đó, đầu năm 1975, tổng hợp thêm những thông tin từ tài liệu bổ sung do cán bộ tình báo của ta thu được, Tình báo quốc phòng khẳng định: Mỹ không thể can thiệp để cứu nguy cho quân đội Sài Gòn trong bất cứ tình huống nguy ngập nào. Trên chiến trường, thế bố phòng lực lượng yếu nhất và khó bảo vệ nhất là chiến trường Tây Nguyên. Tại đây, chiến trường hiểm yếu nhất là Buôn Ma Thuột. Bản nghiên cứu của Ban Nghiên cứu chiến lược chính quyền Sài Gòn do “điệp viên hoàn hảo” Hai Trung gửi về cho ta cũng chỉ rõ: Ở Quân khu 2, chiến trường hiểm yếu nhất là Buôn Ma Thuột. Nếu cộng sản đánh Buôn Ma Thuột thì toàn bộ hệ thống phòng thủ ở Tây Nguyên sẽ đổ vỡ, phải bỏ về phòng thủ ở đồng bằng.
Ảnh trái: Xe tăng quân giải phóng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột trong Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh phải: Quân giải phóng tiến vào đánh chiếm sân bay Hòa Bình ở thị xã Buôn Ma Thuột. Ảnh: TTXVN
Lúc đó, Bộ Tổng Tư lệnh của ta cũng nhận định: Mở màn chiến dịch mùa khô năm 1975 đánh vào Buôn Ma Thuột là khu vực yếu nhất, hiểm nhất trong hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn. Tài liệu do đồng chí Phạm Xuân Ẩn gửi về cùng nhiều nguồn tin tình báo khác đã phục vụ cho lãnh đạo cấp cao của ta những thông tin đáng tin cậy để nhận định chính xác tình hình địch. Nhờ đó, ta đánh Tây Nguyên thắng lợi nhanh chóng, địch phải rút chạy khỏi Buôn Ma Thuột.
Đánh Tây Nguyên – cú đòn hiểm đầu tiên của cuộc tổng tấn công mùa xuân năm 1975 là kết quả của sự tính toán táo bạo và thận trọng của lãnh đạo cách mạng nước ta. Quyết định chính xác, hiệu quả đó của Bộ Chính trị có phần đóng góp lớn của lực lượng Tình báo quốc phòng với nhiều nguồn tài liệu quan trọng thu được từ mục tiêu cao sâu của địch.
Ảnh 1: Xe tăng của ta tiến vào Dinh Độc Lập, trưa ngày 30-4-1975. Ảnh 2: Cờ giải phóng tung bay trên sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30-4-1975. Ảnh 3: Xe tăng và bộ binh quân giải phóng chiếm Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa 30-4-1975. Ảnh 4: Tổng thống ngụy Dương Văn Minh cùng nội các ra trước Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, kết thúc chiến tranh Việt Nam, trưa 30-4-1975.
Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975, cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu giờ phút lịch sử, kết thúc cuộc Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khổ, ác liệt nhất nhưng cũng vẻ vang nhất của dân tộc Việt Nam, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Góp phần vào thắng lợi oanh liệt đó của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân có trí tuệ, máu xương và những hy sinh lớn lao và lặng thầm của những chiến sĩ Tình báo quốc phòng Việt Nam.
Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 tiến vào cắm cờ trên nóc Phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa ngày 30-4-1975. Ảnh: TTXVN
Cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975. Ảnh: Tư liệu
Ảnh trái: Nhân dân Sài Gòn đổ ra đường đón chào quân giải phóng trước Phủ Tổng thống ngụy, trưa ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu: TTXVN
Ảnh phải: Nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào quân Giải phóng, ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu: TTXVN
Nhân dân thành phố Sài Gòn mít tinh chào mừng Ủy ban Quân quản thành phố ra mắt, ngày 7-5-1975. Ảnh: TTXVN
-
-
Nội dung: HẢI DƯƠNG (viết theo tài liệu của Tổng cục II)
-
Ảnh: Tư liệu, TTXVN
-
Kỹ thuật, đồ họa: TÔ NGỌC