Từ đó, mỗi dịp hè đến, tôi luôn lên kế hoạch cho con về quê với ông bà thay vì gắn con với một chương trình học nào đó để lấp đầy khoảng nghỉ.
Câu nói con trẻ khiến tôi nhận ra nghỉ hè là quyền lợi chính đáng, bất khả xâm phạm của trẻ thơ. Nhưng hiện nay, đặc biệt là ở thành thị, trẻ gần như chỉ có một đến hai tuần nghỉ, sau đó bị lấp đầy bởi các lớp học phục vụ nhiều mục đích, xuất phát từ tham vọng (chủ yếu) của phụ huynh.
Trẻ cuối cấp sẽ ráo riết ôn thi. Con gái người bạn tôi - được mẹ định hướng thi vào trường THPT hàng đầu ở thủ đô - đã bắt đầu từ tuần này lịch học sáu buổi mỗi tuần. Có hôm, cháu học cả ngày, trưa chỉ kịp ghé hàng quán, hoặc ăn vội bát mỳ ở nhà. Các buổi tối, cháu sẽ tập trung ôn lại kiến thức trong lớp học thêm. Bạn tôi nói, nếu không vào guồng như vậy, cháu sẽ không cạnh tranh nổi với tỷ lệ chọi mười em lấy một.
Học sinh không thuộc các lớp cuối cấp cũng học hè để biết trước kiến thức mới, mà theo nhiều phụ huynh, là nhằm tạo đà, giúp con "chạy" nhanh hơn các bạn khi vào năm học chính thức. Số trẻ còn lại, không nhất thiết lao theo cuộc đua kiến thức và thành tích, thì cần một chỗ để "ký gửi" vì không có ai trông trong những ngày hè.
Dù với mục đích gì, phụ huynh đua nhau đưa con đi học, trung tâm sẽ đua nhau mở lớp. Thông tin về lịch khai giảng hè, các chương trình khuyến mãi được hàng loạt trung tâm tung ra từ giữa tháng tư, không ngại dùng đến thông điệp mạnh "đăng ký muộn sẽ hết chỗ". Phụ huynh và những đứa trẻ bị lạc lối vào những suy tính "học hè như thế nào", thay vì "nghỉ hè ra sao".
Là bác sĩ nhi, tôi có cơ hội tiếp xúc với phụ huynh cũng như trẻ em ở nhiều lứa tuổi, chứng kiến gần như toàn bộ quá trình phát triển cho đến lúc dậy thì của các em. Tiền dậy thì là giai đoạn vàng phát triển chiều cao. Ngoài di truyền thì sự phát triển thể chất là yếu tố đặc biệt cần quan tâm vì đây là giai đoạn mà chiều cao đạt tối đa, 1-2 cm trong một tháng. Qua giai đoạn dậy thì, chiều cao tăng rất chậm, thậm chí chỉ một cm trong cả năm.
Giai đoạn tiền dậy thì, điều đầu tiên trẻ cần là được ngủ no giấc tám tiếng mỗi ngày, vì ngủ sâu và đủ giấc giúp não bộ tiết ra hormon tăng trưởng.
Thứ hai, ăn đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng vitamin (có trong rau, trái cây, sữa); protein (thịt, cá); chất béo (bơ, dầu); cacbonhydrate (tinh bột, gạo, mì)... giúp cơ thể trẻ hấp thụ tốt để tạo bộ nền xương, cơ, vi chất theo nhu cầu cơ thể đang trưởng thành.
Cuối cùng, thể thao tích cực, thường xuyên từ lúc tiền dậy thì đến khi hoàn thành giai đoạn dậy thì, cơ thể mới có thể đạt đỉnh chiều cao.
Nhưng với tình hình đua nhau học như hiện tại, các con chỉ được ngủ 5-6 tiếng mỗi ngày, ăn uống thiếu chất lượng vì phải ăn vội vàng, thậm chí bạ đâu ăn đấy để học ca tiếp theo. Thời gian ăn còn không có, nói gì đến vận động thể chất. Trong khi, chiều cao cũng là một "tài sản" quan trọng của trẻ.
Sự phát triển của trẻ còn được đánh giá qua tâm sinh lý tuổi mới lớn. Vậy hè là lúc không thể nào thích hợp hơn để bố mẹ đồng hành, tìm hiểu tâm tư của con qua những hoạt động vui chơi, gắn kết gia đình. Thậm chí thay vì học, qua những cuộc trò chuyện, phụ huynh có thể chia sẻ với con về ý nghĩa của việc học và sự thú vị của kiến thức.
Khoa học chứng minh nếu ta thích thú với bất kỳ việc gì, chất dẫn truyền trong não bộ sẽ được tiết ra để kích thích bản thân thực hiện. Thay vì đẩy con đến lớp học, có thể dạy trẻ tìm thấy sự hứng thú trong thế giới tự nhiên. Ưu tiên cho sự phát triển não trẻ, kích thích sự tò mò khám phá, ưu tiên cho vận động thể thao trong giai đoạn tiền dậy thì... sẽ có hiệu quả lâu dài hơn là tranh thủ nhặt nhạnh kiến thức lớp này lớp nọ.
Tuy nhiên, như tôi cũng đã từng, để thay đổi, phụ huynh sẽ phải trải qua một quá trình nhận thức lại, vốn không dễ dàng gì, rằng việc "trả giá" cho sự phát triển (chiều cao, tâm sinh lý, tuổi thơ) để lấy một ít kiến thức, phục vụ mục tiêu, do người lớn đặt ra hơn là mong mỏi thực sự của đứa trẻ, liệu có đáng không. Bởi đây được xem là giai đoạn then chốt cuối cùng cho sự phát triển thể chất của con. Hãy cho con tìm hiểu bản thân, cho con ‘sai" trong tầm kiểm soát. Khi con tìm được mục đích, có được khát vọng, mong muốn, trẻ sẽ tự tìm ra cách học hiệu quả.
Nhi khoa có câu "Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ", trẻ cần có lộ trình ăn, học, ngủ hợp lý để hoàn thiện thể chất, khỏe mạnh mới tiếp thu được kiến thức. Tầm nhìn người lớn vì thế nên rộng mở hơn thay vì chỉ nhìn thấy thành tích trước mắt của con.
Lý Kiều Diễm
(PS st theo VnExpress)