Tầm nhìn - Quy hoạch: Hoàng Kiền

Ngày đăng: 04:33 28/11/2024 Lượt xem: 32
QUY HOẠCH - TẦM NHÌN
 
          Có thông tin về Qui hoạch lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh thành. Xin đăng lại bài viết 7 năm trước...

                                                         CỘNG HOÀ XÃ HỘi CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                                                                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
 
                                                                                             Hà nội ngày 1 tháng 11 năm 2017
 
KIẾN NGHỊ VỀ QUY HOẠCH ĐẤT NƯỚC
 
Kính gửi: Quốc hội Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
 
          Quốc hội đang họp có chương trình thông qua Luật Quy hoạch, một bộ luật quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển của Việt Nam. Tuy có chậm nhưng tôi thấy rất mừng khi nước ta sắp có bộ luật này. Đất nước đã thống nhất hơn bốn mươi năm, nếu bộ luật này ra đời sớm hơn thì hiệu quả về mọi mặt sẽ tốt hơn. Tôi xem trên VTV được biết bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư trình bầy Dự án luật tầm nhìn quy hoạch và chiến lược giai đoạn 2021 đến 2030. Tôi ngỡ ngàng sao tầm nhìn gần thế? Chưa bằng thời gian xây dựng hơn chục ki lô mét đường tầu điện trên cao đi qua ngõ nhà tôi. Các đại biểu đang thảo luận, có người đưa ra quan điểm là quy hoạch cả nước cần có tầm nhìn dài từ 30-50 năm, quy hoạch cấp tỉnh tầm nhìn 20 - 30 năm, các cấp dưới sẽ ngắn dần, cũng đã dài hơn, nhưng chưa đủ. Bộ trưởng Bộ nội vụ nêu ra là sáp nhập có thể giảm 10 tỉnh 4 bộ vv. Cũng cảm thấy thấy băn khoăn, trăn trở.
          Là Đảng viên, cựu chiến binh, công dân có trách nhiệm, không được biết nội dung dự thảo của Luật Quy hoạch, với nhận thức của mình, tôi mạnh dạn nêu mấy ý kiến .
          1. TẦM NHÌN QUY HOẠCH
          Tầm nhìn về quy hoach của một quốc gia mà chỉ có có 10 năm, thậm chí tới 30 - 50 năm cũng mới bằng nửa đời người, tôi cho là vẫn ngắn. Tôi may mắn được đi sang một số nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, chỉ châu Phi là chưa được đến; là kỹ sư công trình quân sự nên cũng để ý đến quy hoạch. Cảm nhận chung là họ quy hoạch đất nước, thủ đô, thành phố, sân bay, hải cảng đường xá vv… rất cơ bản, qua mấy trăm năm vẫn giữ được cái gốc ổn định để phát triển.
          Nước nào cũng thế, phải có tầm nhìn quy hoạch hàng trăm năm trở lên, và cơ bản giữ ổn định mãi mãi. Trên cơ sở quy hoạch cả nước cơ bản lâu dài mới có cơ sở xây dựng quy hoạch vùng lãnh thổ, các ngành, các tỉnh thành phố, quận huyện, xã phường. Từ đó mới xây dựng kế hoạch phát triển giai đoạn và 5 năm. Trong từng giai đoạn có bổ xung nhưng cái gốc phải là nhất quán. Từ quy hoạch đất nước triển khai đến các cấp dưới, các ngành cũng phải dài hạn, không nên theo giai đoạn ngắn theo các nhiệm kỳ. Nước ta thống nhất được hơn bốn mươi năm, đã trải qua các giai đoạn kế hoạch hoá tập trung, rồi chuyển nền kinh tế sang cơ chế thị trường, đã sáp nhập rồi giải thể đơn vị hành chính các cấp rất gian nan tổn thất vv… Nhiều mặt chưa tốt, trong đó có nguyên nhân từ tầm nhìn về quy hoạch. Nay có đủ điều kiện cần có tầm nhìn xa về quy hoạch cơ bản lâu dài thì mới ổn định phát triển được. Quy hoạch ngắn so với chiều dài lịch sử thì cứ luẩn quẩn nay xây, mai phá; nay chôn, mai đào, cứ mở rộng dần chạy theo sự phát triển của kinh tế xã hội chứ không theo quy hoạch trước.
          2. QUY HOẠCH ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH
          Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu của quy hoạch. Cần sắp xếp lại đơn vị hành chính các cấp với quy mô, số lượng cho hợp lý, từ toàn quốc đến các cấp tỉnh thành phố, quận huyện thị xã, xã phường thị trấn.
          Nước ta chỉ tương đương một tỉnh của Trung Quốc về dân số và diện tích (Tỉnh Quảng Đông của TQ có 104,3 triệu dân). Trong khi Trung Quốc có 33 đơn vị hành chính cấp tỉnh và tương đương. Nước ta có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh thành phố, hơn 700 quận huyện thị xã, hơn 11.000 xã phường thị trấn. Nhìn vào con số, nhìn trên bản đồ cho thấy rất manh mún.
          Thời Pháp thuộc họ chia nước ta ra ra ba kỳ với rất nhiều tỉnh thành qua các giai đoạn, với âm mưu chia để trị.
          Sau khi giành độc lập, Hiến pháp năm 1946: Nước Việt Nam về phương diện hành chính gồm có ba bộ: Bắc, Trung, Nam. Mỗi bộ chia thành tỉnh, mỗi tỉnh chia thành huyện, mỗi huyện chia thành xã (chương V, Điều thứ 57). Như vậy vào thời kỳ này các đơn vị hành chính của Việt Nam được phân thành 4 cấp, ngoài các cấp xã, huyện, tỉnh như sau này thì vẫn còn có cấp Bộ (cả nước có 3 Bộ: Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ). Sau năm 1954 ở miền Bắc có điều chỉnh một số lần có các khu tự trị, các tỉnh thành, rồi lại bỏ khu tự trị mà chỉ còn cấp tỉnh thành trực thuộc TW.
          Sau khi thống nhất đất nước, đã sáp nhập một số tỉnh lại, cả nước còn 38 tỉnh thành, trải qua một số năm do tranh giành địa vị mất đoàn kết lại tách ra 64 tỉnh thành. Gần đây Hà Tây được sáp nhập vào Hà Nội đến nay còn 63 tỉnh thành.
          Chia nhỏ đơn vị hành chính các cấp quá rất nhiều mặt không tốt:
          Bộ máy hành chính cồng kềnh gánh nặng cho ngân sách, thiếu tiền chi cho phát triển kinh tế xã hội, càng tụt hậu hơn so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
          Mỗi tỉnh đều có quy hoạch phát triển riêng dễ gây chồng chéo lãng phí, cạnh tranh nhau gây hậu quả không tốt. Lại mở ra tổ chức liên kết vùng rất phức tạp và hiệu quả không như mong muốn. Nhiều đầu mối việc điều hành chỉ đạo khó khăn.
          3. CHUYỂN DỊCH DÂN SỐ - QUI HOẠCH DÂN SỐ
          Cần quan tâm đến chuyển dịch dân số theo xu hướng đô thị hoá.
          Tất cả các nước phát triển đều có sự dịch chuyển dân số từ nông thôn lên thành thị. Việt Nam là một nước nông nghiệp, đang trong quá trình công nghiệp hoá. Dân nông thôn chuyển lên các thành phố làm việc ngày càng đông, học sinh đi học tìm mọi cách ở lại thành phố, cán bộ địa phương khi nghỉ hưu cũng lên thành phố ở với con cháu. Học sinh nông thôn giảm dần, thanh niên, trung niên, kể cả người cao tuổi ở các làng quê kéo nhau lên thành phố tìm việc làm, rồi họ cũng tìm cách mua nhà, thuê nhà chuyển gia đình lên thành phố.
          Xu hướng cũng như các nước phát triển chỉ khoảng 4 - 10% dân số làm nông nghiệp. Các thành phố phải được quy hoạch về số lượng và quy mô, có các điều kiện hạ tầng để đón nhận nông dân lên với tốc độ ngày càng cao, cùng với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
          Việc tắc đường, nghẽn sân bay, nhà cửa đô thị mọc lên san xát, học sinh các lớp ở thành phố số lượng rất cao vv… cũng chính là do dịch chuyển dân số cơ học mà quy hoạch chưa tính tới.
          Cần qui hoạch dân số làm cơ sở cho qui hoạch hành chính và hạ tầng, không có qui hoạch dân số sẽ phá vỡ các qui hoạch khác.
          Tôi cho rằng đây là bộ luật rất quan trọng, cần nghiên cứu kỹ để ban hành áp dụng hiệu quả vào xây dựng đất nước trong giai đoạn mới với tầm nhìn xuyên thế kỷ.
          Nhất thiết phải đặt vấn đề quy hoạch tổ chức hành chính các cấp lên hàng đầu, để như hiện nay mà quy hoạch là không khoa học, sẽ để lại hậu quả cho các thế hệ sau.
          4. VỀ QUY HOẠCH CẢ NƯỚC:
          Theo điều 110 trong hiến pháp 2013 đã quy định đơn vị hành chính của nước ta có 3 cấp.
          Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
          Tỉnh chia thành huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh.
          Huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh chia thành xã, phường, thị trấn.
          Những năm qua đã diễn ra việc sáp nhập rồi chia tách gây ra nhiều việc phức tạp, lãng phí, ảnh nưởng lớn đến quy hoạch, sự phát triển của các địa phương và cả nước. Hiện nay việc phân chia đơn vị hành chính các cấp quá manh mún. Để xây dựng và phát triển cần nghiên cứu thật cơ bản phân chia đơn vị hành chính ba cấp đã được quy định trong hiến pháp ổn định lâu dài.
          Đặc điểm địa hình nước ta dài, hẹp ngang, lịch sử đã hình thành nên ba miền, cần nghiên cứu phân chia cấp tỉnh trong cả nước phù hợp với vùng miền gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
          Xin nêu hai phương án:
          - Phương án 1: Mỗi miền để 5 đến 6 tỉnh, có một thành phố trung tâm: Hà Nội là thủ đô của đất nước và là trung tâm của miền Bắc. TP Hồ Chí Minh trung tâm của miền Nam. Đà Nẵng trung tâm của miền Trung, các thành phố này có diện tích đủ để phát triển lâu dài. Đã sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội là đúng, nhưng tách Đà Nẵng ra khỏi QN - ĐN là chưa hợp lý. Không nên tách các thành phố về trực thuộc TW nữa, cần xem lại chính sách để tránh việc muốn tách về trực thuộc TW để có quyền lợi cao hơn. Nếu cứ tách ra sau một giai đoạn phát triển khi có nhu cầu mở rộng lại ghép vào sẽ rất phức tạp.
          Phương án này cả nước sẽ có 18-21 đơn vị hành chính trực thuộc TW.
          - Phương án 2: Mỗi miền có ba tỉnh và một thành phố trực thuộc TW. Thêm hai thành phố trực thuộc TW như hiện nay. Phương án này cả nước sẽ có 14 đơn vị hành chính trực thuộc TW.
          Về Quốc phòng chia làm 3 Quân khu, QK miền Bắc, QK miền Trung, QK miền Nam. (Trung quốc lớn như thế mà họ cũng cải cách chia thành 5 chiến khu: Chiến khu Bắc bộ, Chiến khu Đông bộ, Chiến khu Nam bộ, Chiến khu Tây bộ và chiến khu Trung bộ).
          Các cấp quận huyện, xã phường thị trấn cũng điều chỉnh lại bằng 1/4 đến 1/3 số lượng như hiện nay để giảm mạnh số lượng đầu mối hành chính.
          Trên cơ sở quy hoạch lại đơn vị hành chính các cấp để quy hoạch lại giảm đầu mối các bộ và cơ quan hành chính các cấp cho phù hợp.
          Việc điều chỉnh này phải thành luật để giữ ổn định lâu dài. Chúng ta xem các nước gần xa để có cái nhìn thấu đáo.
          Nhật Bản có 47 đơn vị hành chính từ năm 1888 đến nay vẫn giữ nguyên. Hoa Kỳ có 50 tiểu bang. Trên quốc kỳ của họ có 50 ngôi sao biểu hiện cho 50 tiểu bang, có 13 vạch ngang biểu hiện cho 13 tiểu bang đầu tiên gia nhập liên bang sau khi giành được độc lập từ Anh năm 1776. Họ vẫn giữ ổn định. Trung Quốc có 33 đơn vị hành chính trực thuộc TW, từ khi Đảng cộng sản nắm chính quyền đến nay vẫn ổn định. Ba nước này đang là tốp đầu thế giới về sự phát triển kinh tế.
          Phi lip pin dân số và diện tích ngang với nước ta cũng chia thành 81 đơn vị hành chính. Việt Nam chia 63 đơn vị hành chính đều là những nước chậm phát triển.
          Việt Nam cũng như một số nước khác, muốn phát triển mạnh mẽ, cần phân chia lại đơn vị hành chính các cấp, sáp nhập giảm bớt số đơn vị hành chính các cấp và đưa vào luật để ổn định lâu dài.
          5. KIẾN NGHỊ:
          Từ phân tích trên đây tôi xin kiến nghị với Quốc Hội hai phương án như sau:
          - Phương án I: Nghiên cứu ban hành Luật tổ chức đơn vị hành chính các cấp của Việt Nam. Lùi việc ban hành Luật quy hoạch lại sau khi đã có Luật về đơn vị hành chính các cấp, thực hiện sáp nhập xong mới ban hành luật quy hoạch, có như vậy mới khoa học, tránh luẩn quẩn, lãng phí.
          Hãy xem lại việc quy hoạch Thủ đô Hà Nội chúng ta sẽ thấy. Cách đây khoảng gần hai mươi năm, Hà Nội đã tổ chức triển lãm quy hoạch Thủ đô lấy ý kiến rộng rãi nhân dân. Gần đây sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội lại quy hoạch lại vv… cứ luẩn quẩn tốn kém lãng phí mà vẫn nhom nhem.
          - Phương án II: Đưa phần Tổ chức đơn vị hành chính các cấp vào phần đầu của Luật Quy Hoạch. Cần nghiên cứu thật kỹ khi đủ điều kiện mới ban hành.
          Chúng ta cần nhìn ba tấm bản đồ hành chính của Việt Nam - Trung Quốc - Hoa Kỳ, suy ngẫm để có tầm nhìn xuyên thế kỷ.
          Trên đây là ý kiến của cá nhân tôi, với tình yêu Tổ quốc, với mong muốn đất nước ta phát triển nhanh, bền vững giầu mạnh.
          `Xin gửi tới các vị lãnh đạo và các đại biểu Quóc Hội lời chào trân trọng.

                                                                                                                            Thiếu tướng: Hoàng Kiền
 
MỜI THAM KHẢO THÊM
MỘT SỐ DẪN CHỨNG NHỎ VỀ TẦM NHÌN QUY HOẠCH
 
          Năm 2006 tôi được giao đẫn đầu đoàn cán bộ quân sự của BQP sang thăm nghiên cứu chống khủng bố của quân đội Úc. Chúng tôi đến thăm sư đoàn Lục quân của họ, tại thời điểm đó doanh trại của Sư đoàn đã quy hoạch xây dựng cách đây 150 năm mà vẫn giữ nguyên, không như bên ta.
          Tôi sang Ca na đa, đến thành phố biển Toronto tìm hiểu thiết bị dò tìm bom mìn dưới biển. Xong việc đi tham quan thành phố lớn nhất của họ. Thành phố có 37 siêu thị, các toà nhà rất cao và tất cả đều có 5 tầng chìm dưới lòng đất. Toàn bộ hệ thống siêu thị được nối với nhau bằng hệ thống tầu điện ngầm. Mỗi siêu thị là 1 ga tầu điện ngầm.
          Tôi sang nước Nga, sau khi xong việc cũng đi tham quan tầu điện ngầm (Metro) ở thủ đô Moskva, Thật ngỡ ngàng, tác phẩm kiến trúc truyệt vời. Tôi mua sách xem, tìm hiểu qua hướng dẫn viên và trực tiếp quan sát, trong lòng vô cùng khâm phục Stalin. Ông đã chỉ đạo việc quy hoạch hệ thống tầu điện ngầm ở thủ đô Moskva vào năm 1935. Các nhà kỹ thuật đưa ra bản quy hoạch với 12 tuyến từ trung tâm toả đi các hướng. Khi xem xong Stalin đang cầm cốc cà phê trên tay, ông đổ đi, rồi úp xuống trung tâm của điểm giao các nhánh đường, tạo thành một đường tròn lên kết để chuyển hướng hành khách đi các nhánh chứ không cần về trung tâm. Tầm nhìn về đường tầu điện ngầm và tầm nhìn về mạng đường tầu điện ngầm của Stalin là như thế.
          Đường tầu điện ngầm này được khởi công ngày 15/5/1935, sau hơn năm năm hoàn thành với tổng chiều dài 346 km, có 206 ga, tốc độ bình quân 41,61.km/h, mỗi ngày có 9 triệu hành khách đi lại.
          Trong chiến tranh vệ quốc vĩ đại, hệ thống tầu điện ngầm là nới trú ẩn an toàn của nhân dân thủ đô Moskva chống bom đạn của phát xít Đức rất hiệu quả. Đây là một công trình tuyệt tác, một cung điện dưới lòng đất.
          Xin nêu một ví dụ nhỏ trong nước.
          Sau hiệp định Pa Ri được ký kết, Liên Xô giúp ta làm cầu Thăng Long, con đường Hà Nội - Nội Bài đã làm khoảng 40 năm, tưởng là cầu Thăng Long và con đường này là quá rộng. Nay đã làm thêm cầu Thanh Trì mà đường cầu Thăng Long vẫn đặc kín xe hàng ngày, chắc lại phải mở rộng. Đây là hiện thực tầm nhìn quy hoạch.
          Sau một thời gian hợp nhất, rồi tình Hà Nam Ninh tách ra ba tỉnh như trước Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình. Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định quản lý lực lượng biên phòng chung, sau này thành lập BCHBP tỉnh Ninh Bình (Tương đương cấp Sư đoàn), nhưng chỉ quản lý 1 đồn biên phòng với chiều dài bờ biển là 18 km và một số phân đội trực thuộc, có lẽ không nước nào trên thế giới làm như ta.
          Hãy đi dọc bờ biển nước ta xem có bao nhiêu hải cảng, tình hình tầu thuyền cập cảng ra sao sẽ rõ. Có hải cảng làm xong lác đác mới có tầu cập làm sao mà có hiệu quả kinh tế.
          Quê tôi thôn Bỉnh Di, xã Giao Thịnh, huyện Giao Thuỳ tỉnh Nam Định, một vùng đất khai hoang lấn biển gần hai trăm năm nay, hình thành tự nhiên, làng xóm xen kẽ đồng ruộng sông ngòi nghoằn nghèo. Năm 1958 khi thành lập hợp tác xã, Ban lãnh đạo thôn đã quy hoạch lại làng Bỉnh Di. Đào kênh đắp đường, ba con kênh dọc chạy qua làng ra đồng thẳng tắp mỗi cái dài gần hai ki lô mét. Lấy đất đắp thành đường bên sông khá rộng, đào đắp tiếp các kênh và đường ngang tạo ra ô vuông bàn cờ. Có một số gia đình ở rải rác ven đê đều được cấp đất di dời vào trong làng vv… Đến nay, sau gần 60 năm vẫn ổn định cơ bản có bổ sung thêm. Ai về thăm làng tôi cũng khen, tôi tự hào về làng mình có sự đóng góp của bố tôi, mặc dù đã đi xa quê nửa thế kỷ. Tôi và các con không về quê ở, nhưng vẫn dồn tất cả tâm trí sức lực và khả năng mọi mặt để xây dựng Bảo Tàng Đồng Quê ở đầu làng; cơ bản theo quy hoạch chung của thôn. Những người lập quy hoạch thôn khi ấy văn hoá chỉ hết cấp một thôi, nhưng họ đã có tầm nhìn xuyên thế kỷ.
          Làng tôi trước đây mồ mả chôn rải rác, khi có hợp tác xã đã quy hoạch nghĩa trang của làng và dồn hết mồ mả vào nghĩa trang. Tuy vậy, vẫn để chung mai táng và lăng mộ, rất lộn xộn. Tôi về quê tham gia ý kiến nên có tầm nhìn lâu dài. Quy hoạch lại khu mai táng phía sau khu lăng mộ phía trước, riêng ra. Chia cho 21 dòng họ trong làng để xây dựng lăng mộ, sau 13 năm kiên trì thuyết phục đã thành công. Nghĩa trang làng Bình Di sẽ ổn định muôn đời. Họ Hoàng của chúng tôi còn mua thêm một ít đất dư trong nghĩa trang để mở rộng khu lăng mộ của họ. Chúng tôi đã quy hoạch đưa toàn bộ mộ của dòng Họ Hoàng vào lăng. Qua gần hai trăm năm và còn đủ chỗ cho hiện nay và 300 năm tiếp sau. Như vậy là lăng mộ Hoàng tộc của chúng tôi là nơi yên nghỉ của cả dòng họ trong 500 năm.
          Nền nông nghiệp nước ta đã trải qua các thời kỳ xáo trộn, cải cách ruộng đất; tịch thu ruộng của địa chủ chia cho nông dân, góp ruộng chung vào hợp tác xã. Mô hình hợp tác xã không phù hợp lại chia nát ruộng ra khoán cho nông dân, do manh mún quá; chuyển sang dồn điền đổi thửa. Nay đang có chủ trương tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Đây là bài học lớn, cho Tầm nhìn Quy hoạch cần được nghiên cứu vận dụng.
                                                                                                                                     
             Ngày 4/11/2017
                                                                                                  Thiếu tướng:Hoàng Kiền 
                                                                                      Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam

 
tin tức liên quan