Theo mức lương hiện hành tính từ 1/7/2017 thì cỡ giám đốc sở một tỉnh nhỏ như Yên Bái cũng chỉ trên dưới 10.000.000/tháng (gồm lương cứng khoảng 1.300.000 đồng nhân với hệ số lương khoảng từ trên dưới 6,0 và cộng thêm phụ cấp trách nhiệm cấp giám đốc sở - ở mức dưới cấp vụ trưởng và trên vụ phó, hệ số 0,9 ). Vì thế, vị giám đốc sở nọ vay ngân hàng cũng như người thân đến mức 20 tỷ để xây dựng biệt phủ thì không hiểu ông lấy gì trả nợ nếu không nói là "giấu đầu hở đuôi". Rồi ông sẽ trả nợ thế đến thế kỷ nào ? Điều đó đã làm thiên hạ được một phen cười mỉm.
Vua Khải Định khi truyền ngôi cho Bảo Đại, ông chỉ bàn giao cho người kế vị có 16.000 m2 tư điền tức cũng chỉ xêm xêm khu đất của vị giám đốc sở trên, trong đó có cả nơi chôn cất mồ mả tổ tiên, vừa là nơi trồng cấy.
Khi chính quyền Ngô Đình Diệm kê biên tài sản của gia đình vua Bảo Đại, số đất đai chỉ có vậy. Hèn nào khi thái tử Bảo Ân vượt biên sang Pháp, ông đã không có đủ tiền làm bia mộ cho vua cha. Ông đã phải đi vận động bè bạn, người thân mới có đủ tiền lo cho cha mình tấm bia đặt trên mộ. Đọc những chi tiết này mà thấy lo với những cán bộ giàu siêu nhanh.
Khu dinh thự rộng trên 13.000 m2 của gia đình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái (Ảnh: Dân trí).
Tôi rất tâm đắc với ông Nguyễn Anh Sơn - nguyên Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khoá XIII tỉnh Nam Định khi ông bày tỏ quan điểm xung quanh chuyện cán bộ làm thêm như ông liệu có giàu được không?
Theo ông, người vốn khá là năng động một thời, khi còn là thư ký Đoàn ĐBQH tỉnh, nhà ông đã trở thành xưởng dệt len suốt cả chục năm (gia công áo len).
Mỗi lần đi họp ở Hà Nội, ông "ké" xe công chở đầy cả cốp xe áo len lên Hà Nội bán kiếm lời.
Nhưng rồi cũng chỉ đủ tiền xây ngôi nhà nhỏ diện tích 53 m2 x3 tầng giản đơn với số tiền 200 triệu (năm 1996) mà thấy tối mày tối mặt, đêm nào 24h, ông cũng mới được nghỉ.
Từ thực tiễn này, ông không tài nào tin nổi cái sự lạ lùng khi nhiều cán bộ, quan chức dẫn lý do chạy xe ôm, bán chổi chít , nuôi lợn, nuôi gà... có mấy năm mà xây được biệt thự hàng chục tỷ đồng!
Từ câu chuyện tôi dẫn lại nói trên, ông Nguyễn Anh Sơn cho rằng hiện đang có nhiều lỗ hổng trong việc kê khai tài sản cán bộ, công chức ở ta.
Ông ví von rất hình ảnh mà tôi thấy cũng đúng. Ông bảo việc kê khai này “giống như cái lồng bàn úp con voi".
"Dù làm cách này hay cách khác, cái lồng bàn cũng không bao giờ úp hết được con voi. Điều quan trọng là luật của ta không có sự ràng buộc, kiểm tra trên thực tế, không có quy định xem cán bộ khai như thế có đúng không ?" - ông Sơn nhấn mạnh.
Tất nhiên, với chính sách của nhà nước ta khoảng đôi ba chục năm gần đây là thường cấp nhà, đất (kể cả thanh lý biệt thự cách đây hơn chục năm) cho cán bộ có chức, có quyền tuỳ cấp hoặc theo dự án cấp đất. Vì thế, nó cũng rẻ hơn rất nhiều so với thời giá ngoài thị trường.
Duy có điều, chính sách của chúng ta cũng chưa thật nhất quán. Vì thế cũng có nhiều bất cập và cả thắc mắc nảy sinh của các bậc lão thành, rất khó giải đáp.
Nếu nhìn tổng thể thì rất phi lý khi so sánh giữa các thế hệ với nhau, giữa cùng một thế hệ và kể cả giữa đồng cấp với nhau.
Chẳng hạn như một vị cũng là Uỷ viên Bộ Chính trị, thậm chí còn tham gia cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa, nay cũng chỉ được hoá giá một căn hộ chung cư.
Nhưng lại cũng có cấp tương tự thì được thanh lý biệt thự giữa Thủ đô.
Trong khi lại có mấy vị đều thuộc hàng "khai quốc công thần” thì lại không hề được mua biệt thự như thế.
Rồi lại có vị trong đó thì được mua biệt thự ở khu đô thị mới hoặc giao đất giá rẻ để tự xây nhưng khá xa trung tâm.
Như vậy là chưa thoả đáng, nảy sinh khiếu nại, xem xét và quả như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”.
Vào thời kỳ đất nước vừa thống nhất, lúc đó chúng ta chưa đổi tiền, lương của người lao động ở mức thấp nhất chỉ có 36 đồng (lúc đó có 0,4 đồng/kg gạo giá cung cấp ) thì lương Thủ tướng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, theo tôi biết cũng chỉ khoảng 200 đồng.
Các bậc lãnh đạo cấp cao ngày đó họ đều sống rất giản dị và thanh bạch. Cụ Phạm Văn Đồng thì ngoài lương còn có nhuận bút viết sách, viết báo. Khoản này, các nhà lãnh đạo hầu như thường không chi tiêu gì cho cá nhân mà để dành làm công tác xã hội...
Năm 1993, tôi được nghe trực tiếp từ anh Trần Hà - nguyên vụ trưởng Tổng hợp Văn phòng Chính phủ kể cho hay, anh từng là lãnh đạo cấp vụ tới hai chục năm và đã phục vụ mấy đời Thủ tướng.
Lúc anh nghỉ chế độ, vợ chồng anh được cụ Đồng mời vào Phủ Chủ tịch dùng cơm để chia tay.
Khi được anh hỏi thăm chuyện riêng tư của con trai cụ là anh Phạm Sơn Dương thì cụ kể rất thật rằng: “Dương nhà tôi sắp lấy vợ. Thế mà cậu biết không, tôi, một người từng làm Thủ tướng 32 năm như tôi mà nay không có nổi chiếc nhẫn 2 chỉ vàng để tặng con dâu! Có lẽ tôi sẽ phải nói với con trai chuyện này...".
Cụ cười hào sảng mà nói vậy, khiến vợ chồng anh Trần Hà đều không khỏi bùi ngùi và rớm lệ.
Tôi nghe chuyện anh kể và để bụng hỏi cụ Phạm Văn Đồng khi có dịp.
Rất may sau đó khoảng gần 1 năm, tôi vào gặp cụ để phỏng vấn nhân ngày thành lập Đoàn 26.3. Khi đặt câu hỏi chuyện đó, cụ bảo tôi rằng đúng là cụ đã tâm sự như vậy với anh Trần Hà.
Tiếc rằng chuyện này mãi đến khi cụ mất, tôi mới dám viết vì ngay buổi chiều hôm đó, anh Năng - thư ký riêng của cụ đã gọi cho tôi nhắc lại lời cụ dặn riêng tôi là không nên nói chuyện đó ra sớm.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong một lần thăm nông dân huyện Đan Phượng (Hà Tây - tức Hà Nội bây giờ).
Nhiều thế hệ cán bộ tiền bối của chúng ta phấn đấu cả cuộc đời vì dân vì nước. Cũng đã có biết bao lớp người đã hy sinh vì Tổ quốc để có hôm nay.
Nhưng nếu cuối đời mà cuộc sống lại đạm bạc như vậy thì kể cũng đáng ngẫm. Quy luật của cuộc sống luôn phát triển, chúng ta đều có mong muốn cuộc sống ngày một khấm khá, đầy đủ hơn.
Song, để có được cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc thật sự bằng những đồng lương và thu nhập chính đáng, thật không dễ dàng gì với những công bộc của dân. Có lẽ cần xem đó như thước đo về nhân cách của người lãnh đạo mà khi tham gia Đảng Cộng sản, ai trong chúng ta cũng đã xin thề trước lá đỏ búa liềm!
Theo Quốc Phong