Vụ đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển: Nguyên bí thư Bình Thuận gửi thư cho Thủ tướng
Vụ đổ 1 triệu m3 bùn xuống biển:
Nguyên bí thư Bình Thuận gửi thư cho Thủ tướng
Nguồn:Báo Điện tử Vietnamnet
“Xin đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dừng chủ trương đổ các chất được nạo vét này xuống biển để “giải cứu” biển”.
Ngày 17/7, ông Đinh Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư tỉnh Bình Thuận, cho biết đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận liên quan đến dự án nhận chìm 1 triệu m3 bùn, cát sau nạo vét xuống vùng biển Tuy Phong, cách Khu bảo tồn Hòn Cau chỉ vài hải lý mà báo chí phản ánh liên tục trong những ngày qua. Chúng tôi xin trích lại một số nội dung đáng chú ý của bức tâm thư này.
Cần tìm giải pháp khác an toàn hơn
Báo cáo số 267 ngày 12-12-2016 của UBND tỉnh Bình Thuận cho biết: Nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt của các dự án thì tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân có ba dự án phải đổ khối lượng các chất được nạo vét. Lượng chất nạo này xuất phát từ việc xây dựng bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1; cảng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3; cảng tổng hợp Vĩnh Tân và cả các chất được nạo vét hằng năm đều đổ ra biển trên diện tích 300 ha tại hai vị trí cách Hòn Cau khoảng 8 km mà UBND tỉnh đã thỏa thuận thống nhất với Bộ TN&MT tại Công văn số 3519 ngày 29/7/2010.
Tất nhiên diện tích 300ha được quy hoạch để đổ các chất nạo vét nằm gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau đã được phê duyệt. Nhưng tính khách quan và cơ sở khoa học của thỏa thuận này đầy đủ chưa, đề nghị cần phải xem lại.
Trước đó, Bộ NN&PTNT có Công văn số 9577 ngày 11/11/2016 “không đồng ý với phương án đổ vật liệu nạo vét ra biển và đề nghị Bộ TN&MT trong quá trình thẩm định cần thay thế phương án nhận chìm bằng phương pháp khác”. Tôi đồng tình với ý kiến này.
Tại sao không tìm một giải pháp khác an toàn hơn mà cứ phải quyết đem đổ xuống biển? Chẳng hạn như khảo sát quy hoạch một vùng bờ biển nào đó rồi đem hàng triệu m3 các chất nạo vét này lấn biển, xây kè, bờ bao kiên cố “nhốt” nó lại vừa có thêm diện tích đất sử dụng vừa tương đối an toàn hơn có được không? Nhật Bản lấn biển để xây dựng TP Chiba (New Tokyo), xây dựng sân bay Kansai cũng hút cát, đất từ biển lên nhưng chắc chắn họ không đụng đến khu vực bảo tồn biển của họ.
|
Ngư dân bắt cá bò ở vùng biển Vĩnh Tân, Tuy Phong, Bình Thuận. Ảnh: PLO
|
Điều không nên làm
Chủ trương đổ các chất nạo vét ra biển trong khi còn có nhiều ý kiến khác nhau thì ngày 23/6/2017, Bộ TN&MT có Quyết định số 1517 đồng ý cấp phép cho chủ đầu tư nhận chìm gần 1 triệu m3 các chất nạo vét ra biển trên diện tích 30 ha gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Quyết định này bị nhiều chuyên gia phản đối, dư luận xã hội không đồng tình, dù Bộ TN&MT sau đó có tuyên bố rằng: “Chúng tôi làm là hết sức có trách nhiệm trước nhân dân”.
Đặc biệt những ý kiến phân tích, phản biện của các nhà khoa học về môi trường sinh thái, hải dương học, các nhà chuyên môn nghiên cứu về biển có uy tín của nước ta cho rằng chưa có cơ sở khoa học và đề nghị cho dừng chủ trương đổ các chất nạo vét này xuống biển. Càng phải cân nhắc kỹ càng điều này hơn khi Tổng Công ty Phát điện 3 (thuộc EVN) tiếp tục xin phép nhận chìm 2,4 triệu m3 các chất nạo vét xuống vùng biển này nữa.
Tôi đề nghị Bộ TN&MT và lãnh đạo tỉnh nên thận trọng, cầu thị lắng nghe ý kiến nhiều chiều, nhất là những ý kiến phản biện của các nhà khoa học, các chuyên gia, tiếp thu có chọn lọc, đủ căn cứ khoa học và đúng Luật Bảo vệ môi trường cho một chủ trương hệ trọng liên quan đến môi trường sinh thái và dân sinh về lâu dài một cách tâm phục, khẩu phục...
Mặt khác, cho rằng các chất được nạo vét đó là an toàn không có gì đáng lo cũng cần nghiên cứu nghiêm túc, thấu đáo. Đó là các chất do sóng biển đưa vào cùng với nhiều loại đất đá, tạp chất, rác rưởi… ở ven bờ bị chôn vùi, trầm tích lại hàng bao nhiêu năm; bây giờ nạo vét, đào bới, xới tung lên làm đảo lộn các địa tầng, đó là hỗn hợp nhiều loại chất chứ đâu phải chỉ đất, cát dưới đáy biển khơi.
Vì thế đem các chất được nạo vét này đổ xuống biển là điều không nên làm, dù biển thuộc chủ quyền của ta hay vùng biển quốc tế cũng vậy. Biển, đại dương không giống như ao làng, hồ nước công viên mà mọi thứ chìm xuống đều ngủ yên ở đó; nó còn có các dòng hải lưu, chịu tác động của bão tố, triều cường, sóng thần, nhất là biến đổi khí hậu hiện nay mà cho rằng các chất này đổ xuống biển không lan tỏa đi đâu thật khó hiểu nổi.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước là phát triển kinh tế luôn gắn với bảo đảm môi trường, sinh thái, không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế… Xin đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho dừng chủ trương đổ các chất được nạo vét này xuống biển để “giải cứu” biển là điều hết sức cần kíp.